MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp thủy sản: Teo tóp vì cước và phụ phí vận tải

02-04-2015 - 11:37 AM | Doanh nghiệp

Các hãng tàu, trong đó điển hình nhưYang Ming, CMA CGM, OOCL, Wan Hai Vietnam… vừa đồng loạt thông báo tăng giá cướcvận tải biển và các loại phụ phí từ 1/4/2015 đang khiến các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thủy sản lo lắng...

Các hãng tàu này cũng thông báo sẽ đồng loạt tăng các loại phụ phí như: phí bốc xếp tại cảng, phí chứng từ… loại phí vô lý nhất là phí mất cân bằng container cũng tăng từ 60 USD/container 40 feet lên 100 USD/container.

Lao đao

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam đang phải gánh chịu về việc tăng cước phí vận tải biển, các loại phụ phí vô lý của các hãng tàu nước ngoài. Nếu tháng 6/2014 là thời điểm tăng giá cước cao của các hãng tàu nước ngoài, 1 container 20 feet thủy sản khô đi thị trường Mỹ là 2.300 USD thì tháng 3/2015 giá cước đã tăng gần 70% lên 3.900USD/container. Nếu làm một phép tính so sánh: Trong khi giá trị các mặt hàng xuất dao động không lớn, các chi phí đầu vào trong nước như điện, nước, xăng dầu tăng làm cho chi phí gia công, sơ chế tăng, cùng với giá cước tăng gấp 70% thì doanh nghiệp làm sao lại.

Việc tăng giá cước lên 70% như hiện nay sẽ đẩy chi phí vận tải lên gấp 2 - 3 lần khiến DN thủy sản khó chịu nổi.

Cùng chung nhận định này, ông Nguyễn Văn Kịch - Chủ tịch HĐQT Cty CP Thủy sản Cafatex chia sẻ: Trung bình chi phí vận chuyển chiếm khoảng 15-20% tổng doanh thu của Cty. Việc tăng giá cước lên 70% như hiện nay sẽ đẩy chi phí vận tải lên gấp hai, thậm chí gấp 3 lần. “Mấy năm gần đây, doanh nghiệp thủy sản chưa thoát khỏi cú sốc lãi suất, lại chịu áp lực các chi phí đầu vào tăng cao, rồi giá cước, phụ phí vận chuyển lên theo cấp số nhân nên phần lợi nhuận cứ bị “teo tóp” dần. Nhiều đơn hàng đặt từ trước giờ phải chấp nhận lỗ. Cứ đà này, chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ không thể trụ nổi” - ông Kịch lo lắng.

“Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam khi giá trị hàng năm trung bình là 1,5 tỷ USD, chiếm đến hơn 22% tổng giá trị xuất khẩu. Châu Âu cũng là thị trường xuất khẩu lớn, chiếm gần 50% tổng giá trị xuất khẩu. Do đó, việc tăng cước, phụ phí vận tải biển từ Việt Nam đi hai thị trường này sẽ tác động rất lớn đến kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp, khiến các chủ hàng bị động trong thực hiện hợp đồng ngoại thương. Hơn nữa, hiện nay, các doanh nghiệp đang có xu hướng xuất CIF ngày càng nhiều nên càng lo lắng giá bấp bênh, bất lợi về đàm phán và rủi ro về thương mại. Theo tính toán, trung bình mỗi tháng, giá cước vận tải biển tăng 300 USD” - ông Nam cho biết.

Chịu phí vô lý

Theo ông Kịch, doanh nghiệp thủy sản hiện đang cõng trên đầu hàng chục khoản phụ phí bất hợp lý. Chẳng hạn như phí mất cân đối vỏ container (CIC). Đáng lẽ, phí này phải tính vào cước vận chuyển ở đầu nước xuất khẩu thì mới hợp lý và thu vào những thời điểm có sự mất cân đối container giữa hai đầu. Nhưng hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đóng cho hãng tàu nước ngoài từ 50USD/container 20feet và 100USD/container 40feet. Thêm vào đó, nhiều khoản phí các hãng tàu thu của chủ hàng để nộp lại cho cảng thường bị kê thêm để hưởng chênh lệch. Chẳng hạn như phí xếp dỡ tai cảng, mức thu thông thường là 20 USD/container 20 feet và 35 USD đối với container 40 feet nhưng các hãng tàu thường thu từ 60- 120USD/container là rất bất hợp lý.

Vì sao các hãng tàu nước ngoài lại có thể tăng phí vô tội vạ, trong khi các doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị mà không bị các cơ quan chức năng của Việt Nam “sờ gáy” là câu hỏi được các doanh nghiệp đặt ra.

Trong lúc, các cơ quan chức năng lúng túng, doanh nghiệp bế tắc tìm lời giải cho vấn đề cước, phụ phí thì mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho rằng, việc thu phụ phí, cước phí của các hãng tàu biển nước ngoài một cách không có cơ sở hay việc tăng giảm bất hợp lý là sự cạnh tranh không lành mạnh, độc quyền thị trường. Bộ cũng đã báo cáo Chính phủ về vấn đề này.

Sắp tới, Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đồng loạt, thường xuyên doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển đồng thời sẽ đưa những chế tài kiểm soát các loại phí, phụ phí trong sửa đổi Luật Hàng hải Việt Nam. Đây là văn bản pháp lý trung tâm của hệ thống pháp luật hàng hải Việt Nam. Thêm nữa, các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam đang nghiên cứu quy định Việt Nam và quốc tế để xem xét các doanh nghiệp vận tải có vi phạm luật cạnh tranh, thế độc quyền thống lĩnh thị trường hay không.

Nếu những tuyên bố trên của Bộ GTVT được thực thi nghiêm chỉnh thì may ra mới có những điều chỉnh hợp lý đối với vấn đề giá cước và phụ phí vận tải biển. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thủy sản cũng chỉ còn biết trông đợi vào những khẳng định của người đại diện cho cơ quan nhà nước.

Theo Nguyễn Thành

 

PV

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên