MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp Việt tiến chắc tại Myanmar

23-01-2015 - 08:45 AM | Doanh nghiệp

Được mệnh danh là “mảnh đất vàng” cuối cùng của châu Á, Myanmar đang thu hút và thách thức nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam, bởi việc chinh phục thị trường đầy tiềm năng này không phải là điều dễ dàng…

Thêm những tín hiệu vui

Mới đây, công ty FPT vừa công bố trúng gói thầu thực hiện dự án khiển trai giải pháp quản trị nguồn lực doanh nghiệp cho tập đoàn United Paints Group (UPG) – tập đoàn sơn hàng đầu Myanmar, vượt qua các đối thủ sừng sỏ đến từ Myanmar, Singapore và Philippin. Đối với Myanmar, đây cũng là dự án SAP lớn đầu tiên được ứng dụng cho khối doanh nghiệp tư nhân.

Myanmar hiện được coi là nền kinh tế mới nổi hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á với nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn dành cho doanh nghiệp nước ngoài. Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Myanmar có thể tăng quy mô nền kinh tế gấp 4 lần, lên 200 tỷ USD vào năm 2030.

Đại diện FPT cho biết việc một tập đoàn lớn như UPG đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào hệ thống quản trị sẽ là câu chuyện điển hình, khuyến khích các doanh nghiệp Myanmar khác đi theo. Đây là cơ hội để FPT nói riêng và doanh nghiệp CNTT Việt Nam nói chung mở rộng thị trường tại quốc gia này.

FPT là một trong số những doanh nghiệp đang giành được nhiều thiện cảm của chính phủ Myanmar với nhiều hợp đồng lớn đã được thực hiện như dự án lắp đặt trạm thu phát sóng (BTS) cho Tập đoàn ITAH, UPG….

Lĩnh vực CNTT-VT được coi là một trong những lĩnh vực tiềm năng nhất tại Myanmar hiện nay bởi nhu cầu rất lớn của quốc gia này đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng CNTT và Viễn thông. Bên cạnh đó, với dân số khoảng 60 triệu dân, nhưng tỷ lệ sử dụng dịch vụ viễn thông di động tại quốc gia này chưa đến 10% dân số. Nắm lấy cơ hội này, nhiều tập đoàn CNTT lớn của Việt Nam đã nhanh chân đầu tư vào lĩnh vực “béo bở” này.

FPT cho biết tập đoàn này đang triển khai một số dự án trong lĩnh vực viễn thông tại đây. Trong khi đó, cuối tháng 9/2014, tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng đã khai trương văn phòng đại diện Công ty Viễn thông quốc tế VNPT- I tại Yangon để làm bước đệm thâm nhập vào thị trường Myanmar.

Ngoài ra, đại gia bất động sản Hoàng Anh Gia Lai cũng đang gấp rút tiến độ thi công khu phức hợp 5 sao HAGL Myanmar Center đặt tại Yangon, Myanmar, nhằm đáp ứng nhu cầu lớn về khách sạn, văn phòng tại Myanmar. Được biết, số khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Myanmar hiện "chỉ đếm trên đầu ngón tay", không đủ phục vụ khách du lịch. Các tổ chức phi chính phủ và tập đoàn lớn cũng gặp khó khăn trong tìm kiếm văn phòng do lượng cung quá ít mà tiêu chuẩn thấp.

Có thể thấy, doanh nghiệp Việt đang dần tạo được niềm tin tại Myanmar khi tính đến hết tháng 6/2013, đã có 23 DN Việt Nam được cấp phép hoạt động tại Myanmar với 14 văn phòng đại diện, 3 chi nhánh công ty, 6 công ty liên doanh. Các DN Việt Nam đã có 5 dự án được cấp phép đầu tư với tổng giá trị hơn 600 triệu USD; chủ yếu là các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, công nghiệp, viễn thông, xây dựng, bất động sản, du lịch... Ngoài ra, có 18 dự án đang trong quá trình nghiên cứu và hoàn thiện các thủ tục đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 600 triệu USD.

Tiềm năng của Myanmar đối với các doanh nghiệp Việt là không thể phủ nhận, chưa kể đến mối quan hệ thân thiết giữa hai quốc gia khi chính phủ 2 nước đã ký hợp tác 12 lĩnh vực ưu tiên. Đây cũng là một hậu thuẫn quý giá đối với các DN Việt Nam trên con đường chinh phục thị trường đầy tiềm năng này.

Mặc dù vậy, cuộc chiến để giành được tấm vé bước chân vào thị trường màu mỡ này cũng không hề dễ dàng khi không ít doanh nghiệp Việt như BIDV, Viettel và Dược Hậu Giang đã phải ngừng cuộc chơi do không đủ tiềm lực tài chính khi cạnh tranh với các đối thủ đến từ Singapore, Trung Quốc, hoặc vấp phải những khó khăn từ vấn đề pháp lý chưa hoàn thiện tại Myanmar

Đi tìm lời giải cho “bài toán” Myanmar

Đầu tư vào Myanmar hứa hẹn nhiều tiềm năng, nhưng theo đánh giá của Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar (AVIM), đây cũng là mảnh đất đầy rủi ro. Là người thấu hiểu nền kinh tế Myanmar, ông Trần Bắc Hà, chủ tịch AVIM từng lưu ý rằng khi đầu tư sang thị trường này không nên theo kiểu “ăn xổi, ở thì” mà phải xác định theo hướng bền vững, dài hạn. Nếu đầu tư làm ăn tốt tại Myanmar, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường sang Bangladesh và phía miền Nam Ấn Độ.

Chia sẻ kinh nghiệm sau gần 3 năm chinh chiến và đang có những thành công bước đầu tại Myanmar, đại diện FPT cũng cho biết khách hàng Myanmar tuy tiềm năng nhưng rất cẩn thận và xem xét rất kỹ, không vội vã. Vì vậy, doanh nghiệp Việt cần phải có những chiến lược đầu tư dài hơi mới có thể tiếp cận và chinh phục được khách hàng tại thị trường này.

Lãnh đạo một doanh nghiệp khác đang làm ăn tại Myanmar chia sẻ: “Một điều đặc biệt cần chú ý là người Myanmar rất chân thật. Họ rất không hài lòng khi đối tác trễ hẹn hoặc nói sai thực tế, hoặc lần sau nói khác với lần trước, một khi họ đã không tin thì rất khó để lấy lại lòng tin của họ. Chân thành và chân thật là các phẩm chất cần có khi kinh doanh tại thị trường này”

Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam dù rất "khao khát" đầu tư sang Myanmar nhưng cũng nên thận trọng vì hiện nước bạn vẫn còn rất bảo hộ các doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, việc xin cấp phép đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài còn một số bật cập. Các chính sách miễn giảm thuế còn chưa rõ ràng, đặc biệt thuế thu nhập doanh nghiệp còn ở mức cao so với khu vực (ở mức 30%).

Minh Anh

CTV Doanh nghiệp

Tài chính Plus

Trở lên trên