MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồng thuận phương án CPH Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam

01-07-2015 - 09:17 AM | Doanh nghiệp

ACV vừa tiến một bước quan trọng khi Bộ Tài chính đồng thuận phương án cổ phần hóa của Bộ GTVT.

Tiến trình cổ phần hóa Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) - một trong những DN có quy mô vốn lớn nhất trong lĩnh vực hạ tầng giao thông vừa tiến một bước quan trọng khi Bộ Tài chính đồng thuận phương án cổ phần hóa của Bộ GTVT.

ACV tiếp tục vận hành, khai thác các tài sản trong khu bay

Trong văn bản góp ý về phương án CPH Công ty mẹ ACV gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính khẳng định thống nhất với đề xuất của Bộ GTVT về việc giao cho Tổng công ty này tiếp tục vận hành và khai thác các tài sản có giá trị trong khu bay theo hình thức cho thuê tài sản hoạt động, nhằm xác lập sở hữu tài sản Nhà nước và không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến công tác an ninh, an toàn bay.

Trước đó, tại Tờ trình số 5326/TTr - BGTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án CPH ACV vào tháng 5/2015, Bộ GTVT cho biết, căn cứ kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, tổng giá trị các tài sản thuộc khu bay không nằm trong phạm vi cổ phần hóa hơn 1.914 tỷ đồng. Để quản lý, sử dụng, vận hành và khai thác các tài sản này, Bộ GTVT sẽ giao cho ACV tiếp tục vận hành và khai thác các tài sản trong khu bay theo hình thức cho thuê tài sản hoạt động, nhằm đảm bảo xác lập sở hữu tài sản Nhà nước đối với các tài sản thuộc khu bay; Đảm bảo tính kế thừa, duy trì sự vận hành tài sản, nhân lực một cách liên tục; không gây xáo trộn ảnh hưởng đến công tác an ninh, an toàn; tiếp tục phát huy sự gắn kết chặt chẽ hoạt động cung ứng dịch vụ hạ, cất cánh với hệ thống chuỗi cung cấp dịch vụ cảng hàng không của Tổng công ty... Về đơn giá, hình thức và các điều kiện thuê tài sản, kết cấu hạ tầng khu bay, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính tính toán, xây dựng cơ chế, hợp đồng thuê trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tháng 12/2014, Bộ GTVT đã phê duyệt giá trị thực tế của Công ty mẹ - ACV tính đến ngày 30/6/2014 là 37.919 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế vốn Nhà nước là 20.769 tỷ đồng. Giá trị thực tế của doanh nghiệp để CPH và giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại Công ty mẹ nói trên, không bao gồm giá trị các tài sản tại khu phục vụ hoạt động bay (khoảng 1.914,5 tỷ đồng).

Một trong những điểm quan trọng khác trong văn bản của Bộ Tài chính là việc Bộ này bày tỏ sự đồng thuận cao đối với đề xuất của Bộ GTVT, về việc xử lý số cổ phần ưu đãi cho người lao động và tổ chức công đoàn tại ACV không bán được hết...

Cụ thể, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, trường hợp số cổ phần ưu đãi cho người lao động và tổ chức công đoàn không bán hết như phương án được phê duyệt, cho phép ACV tiến hành bán đấu giá công khai (IPO). Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đồng ý với đề nghị của Bộ GTVT về việc tiếp tục cấp vốn cho 8 dự án hạ tầng sử dụng vốn Ngân sách do ACV làm chủ đầu tư, với tổng giá trị khoảng hơn 3 nghìn tỷ đồng. Các khoản ngân sách đã và sẽ cấp theo đề nghị này sẽ được theo dõi riêng tại tài khoản phải trả Nhà nước, sử dụng để tăng vốn Nhà nước khi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP phát hành tăng vốn điều lệ.

Văn bản của Bộ Tài chính cũng nêu rõ, việc ACV tăng vốn điều lệ và sử dụng vốn cho các dự án đầu tư, kể cả trường hợp được giao thực hiện Dự án CHK quốc tế Long Thành đều phải theo Nghị quyết đại hội cổ đông và người đại diện vốn Nhà nước tại công ty cổ phần, báo cáo Bộ GTVT trình Thủ tướng quyết định.

Không khó tìm nhà đầu tư chiến lược

Nhiều chuyên gia nhận định việc tìm nhà đầu tư chiến lược cho ACV sẽ không gặp nhiều khó khăn, bởi doanh nghiệp khai thác CHK này đang nắm quyền quản lý, khai thác những tài sản được đánh giá là đặc biệt hấp dẫn.

Trên thực tế, việc CPH ACV thu hút sự quan tâm của khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Pháp. Gần đây nhất, hồi cuối tháng 3, trong buổi làm việc với Bộ trưởng Đinh La Thăng, ông Augustin de Romanet, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Aéroports de Paris (ADP) đã bày tỏ mong muốn trở thành cổ đông chiến lược trong chương trình CPH ACV. “Với vai trò là cổ đông chiến lược, chúng tôi sẵn sàng đóng góp vốn cổ phần tới 25-30% giá trị của ACV trước khi thực hiện IPO trong nước, để ACV có vốn cho các kế hoạch phát triển của mình”, ông Augustin de Romanet khẳng định.

Trong phương án CPH Công ty mẹ - ACV trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, Bộ GTVT đề nghị cho phép điều chỉnh tỷ lệ nắm giữ Nhà nước tại công ty mẹ từ 75% xuống không thấp hơn 65%, theo hình thức bán bớt phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vào thời điểm thích hợp sau CPH ACV.

“Căn cứ vào nhu cầu vốn thực tế từng thời điểm, ACV sẽ phát hành tăng vốn cho cổ đông hiện hữu vào thời điểm thuận lợi, đảm bảo tỷ lệ nắm giữ vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp không thấp hơn 65% vốn điều lệ”, Tờ trình do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường ký nêu rõ.

Chủ tịch HĐTV ACV Nguyễn Nguyên Hùng cho biết, hình thức CPH đề xuất là kết hợp vừa bán một phần vốn Nhà nước, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ với quy mô vốn điều lệ của ACV là 22.430.985 tỷ đồng, tương đương 2.243 tỷ cổ phần mệnh giá 10.000 đồng. Quy mô vốn này của ACV được đánh giá vào loại lớn nhất cả nước.

Cũng theo ông Hùng, 77.804.122 cổ phần của ACV sẽ được đấu giá công khai với giá khởi điểm là 11.100 đồng/cổ phần. Lượng cổ phần phát hành lần đầu ra công chúng trong nước này sẽ được bán đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM.

Theo Thanh Bình

Báo Giao Thông Vận tải

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên