MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá cổ phiếu giảm hơn 4 lần, cổ đông bức xúc chất vấn lãnh đạo JVC

30-09-2015 - 11:30 AM | Doanh nghiệp

Ông Lê Văn Giáp (Chủ tịch HĐQT) và bà Hồ Bích Ngọc (Kế toán trưởng) đã trả lời hàng loạt câu hỏi của cổ đông về tình hình hoạt động và tài chính của JVC.

Theo thông báo của đại diện JVC, số lượng cổ đông đến tham dự đại hội đại diện cho 46,56% số cổ phần có quyền biểu quyết, thấp hơn mức 65% do đó ĐHCĐ lần 1 năm 2015 của JVC diễn ra bất thành.

Đáng chú ý, không có thành viên nào trong ban lãnh đạo JVC hiện diện ngoại trừ luật sư tư vấn cho công ty lên giải đáp thắc mắc cổ đông.

Trước bức xúc từ phía cổ đông do ban lãnh đạo công ty không xuất hiện, ông Lê Văn Giáp đã thay mặt JVC xin lỗi cổ đông vì cuộc họp không thể diễn ra.

Hàng loạt các câu hỏi được cổ đông đưa ra cho ban lãnh đạo về những vấn đề nội tại doanh nghiệp.

Cổ đông: Tội lừa đảo của ông Hướng là tội gì? Nếu công ty làm ăn minh bạch thì ông Hướng có bị bắt cũng không ảnh hưởng gì. Đề nghị cho biết bản chất lừa đảo ông Hướng?

Ông Lê Văn Giáp: Cơ quan điều tra chưa có kết luận gì. Cổ phiếu giảm do tin đồn và đang đợi kết luận cơ quan điều tra.

Cổ đông: Đề nghị giải trình tình hình tài chính của công ty. Việc JVC không minh bạch sẽ làm ảnh hưởng tới giá cổ phiếu JVC.

Bà Hồ Bích Ngọc- kế toán trưởng: Xin lỗi cổ đông vì nhiều biến cố ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh, lợi nhuân công ty cũng như nhà đầu tư. Tôi hiểu cảm giác mất mát của nhà đầu tư khi JVC từ 22.000đ xuống 5.000đ. Thay mặt ban giám đốc gửi lời xin lỗi đến các cổ đông công ty.

Giải trình về tài chính, tài sản công ty có mất mát hay không, tôi đã khẳng định tất cả tài sản, tiền bạc của công ty vẫn còn nguyên. Các dự án đầu tư liên kết vẫn được thể hiện đầy đủ. JVC đã mời kiểm toán vào kiểm tra kho công ty, thậm chí cả kho Sài Gòn, kiểm tra tiền bạc.

Do biến động mạnh nên công an đã thu giữ một số tài liệu kế toán của công ty nên đã ảnh hưởng đến việc ra báo cáo quý 1. Tôi xin hứa trong tháng 10 chúng tôi sẽ giải đáp đầy đủ các câu hỏi của cổ đông.

Các dự án công ty đang hoạt động vẫn đang bình thường, mặc dù trong tương lai có thể khó khăn do ảnh hưởng của biến cố vừa qua. Tuy nhiên đại diện JVC cho biết sẽ cố gắng hết sức trong năm 2016.

Các dự án có nguồn vốn từ ngân sách đang triển khai vẫn đang tiếp diễn và không ảnh hưởng.

Cổ đông: Theo BCTC 2014, công nợ tăng, tồn kho giảm. Liệu có khả năng biến thành nợ xấu hay không? Hàng tồn kho còn giá trị để bán hay không?

Bà Ngọc: Phải thu tại thời điểm 30/6 còn hơn 400 tỷ. Trong tháng 7, 8 vừa qua, công ty tiếp tục tích cực thu hồi công nợ. Mục tiêu quan trọng nhất của công ty lúc này là kiểm soát dòng tiền tốt do đó đã cố gắng đẩy mạnh thu hồi công nợ.

Cuối năm 2014, tồn kho của công ty đã giảm đáng kể. Lượng hàng tồn kho như vật tư tiêu hao (phim, ảnh, hóa chất…) hiện gần như cháy hàng, không kịp nhập về để giao cho khách và do đó hàng tồn kho sẽ giảm đáng kể. Ngoài ra công ty cũng không còn tiền để nhập nhiều hàng nên hàng tồn kho sẽ giải quyết triệt để trong năm nay.

Cổ đông: Kế hoạch cổ tức 5% có chia như kế hoạch cũ không?

Bà Ngọc: Hiện tại công ty không chia vì dòng tiền đang khá khó khăn. Vốn vay ngân hàng hiện đang khó khăn, khi công ty ổn định mới tái cấp lại. Hiện công ty đang dùng vốn tự có nên khó có thể chia tiền mặt cho cổ đông và JVC xin tạm gác lại kế hoạch này khi tình hình trở nên ổn định hơn.

Cổ đông: Các cổ đông Nhật đang từ nhiệm, vậy có vấn đề gì đang xảy ra ở công ty? Tôi nghi ngờ năng lực ông Giáp?

Bà Ngọc: Ông Giáp là một trong những người đầu tiên đồng hành cùng công ty. Tuy nhiên, ông Giáp là người đứng hậu phương nên cổ đông không biết đến và là trợ lý ông Hướng trước đây. Đây là lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng nên chưa làm thỏa mãn cổ đông.

Thời điểm cao nhất, ông Giáp giữ gần 10 triệu cổ phiếu, tuy nhiên vừa qua anh cũng bị “call margin” nên hiện nắm không nhiều, khoảng 200 nghìn cổ phiếu. Tuy nhiên sắp tới sẽ có kế hoạch mua lại cổ phần JVC.

Cổ đông: Các cổ đông Nhật đang rút khỏi HĐQT, có vấn đề gì đang xảy ra?

Bà Ngọc: Từ khi DIAIF vào JVC chưa có mâu thuẫn nào cả. Nhưng khi sự cố xảy ra, DIAIF đã cử 2 người và chị Hằng vào HĐQT, BKS hỗ trợ công ty, sắp xếp nhân sự công ty từ mô hình quản trị gia đình sang đại chúng.

Đến nay, nhân sự công ty đã ổn định và DIAIF đã rút đi và thực hiện các mảng chính của DI là tư vấn chiến lược. Với vai trò cổ đông lớn, DIAIF vẫn đang hỗ trợ, tư vấn cho công ty.

Còn việc rút vốn của DIAIF là không xảy ra. Theo lộ trình nếu không có sự cố thì 2016; 2017 họ sẽ rút vốn. Tuy nhiên do có biến cố nên có thể 2019, 2020 sẽ rút vốn.

Cổ đông: Tôi không đồng ý phương án sử dụng vốn của công ty khi chuyển sang để trả nợ. Đề nghị công ty giải trình.

Bà Ngọc: Sử dụng vốn đề trả nợ là tình huống bất khả kháng của công ty. Khi xảy ra sự cố, Viettinbank đã yêu cầu cắt dư nợ ngắn hạn và dài hạn về 0. Điều này đã khiến áp lực chi phí tài chính của công ty giảm đi đáng kể so với những năm gần đây.

Đại diện 3 quỹ lớn đều có mặt ở đây. DI Nhật có hơn 21 triệu cổ phiếu, Orix có hơn 3 triệu, D.C có 3,8 triệu, SAM có hơn 7 triệu cổ phiếu, DI Việt Nam có hơn 6 triệu cổ phiếu.

Cổ đông: Đề nghị cho biết lợi nhuận quý 1 của công ty, phương hướng hoạt động trong thời gian tới như thế nào?

Bà Ngọc: Doanh thu quý 1 đạt 80 tỷ, Lợi nhuận sau thuế 3 tỷ. Chi phí bán hàng trong kỳ năm nay sẽ cao hơn do biến cố xảy ra, công ty sẽ phải sử dụng chi phí bán hàng để lấy lại lòng tin từ các bệnh viện.

Đến thời điểm này, công ty đã ổn định trở lại từ vấn đề nhân sự, ban giám đốc công ty đến các nhà cung cấp. Khi cơn khủng hoảng đến, các nhà cung cấp phần lớn là từ Nhật, họ sẵn sàng hỗ trợ công ty trong lúc khó khăn. Chính vì vậy, JVC vẫn là nhà phân phối chính thức và độc quyền của nhiều thiết bị y tế.

Phía trong nước, các bệnh viện như Bạch Mai vẫn tiếp tục ủng hộ JVC và sẽ sớm hạch toán vào KQKD.

Phương hướng kinh doanh thời gian tới vẫn là đầu tư liên kết, xe khám lưu động, cung cấp vật tư tiêu hao.

Một mảng gặp khó khăn là mảng cung cấp tổng thầu thiết bị y tế tại nhiều bệnh viện đã bị trì hoãn lại. JVC chuyển hướng sang bán thiết bị y tế cho các đại lý thầu cho bệnh viện, dù điều này làm biên lợi nhuận sụt giảm.

Cổ đông: Tài sản tiền tại quỹ công ty còn hơn 400 tỷ, công ty có các khoản đầu tư ngắn hạn, dài hạn… và tiêu thụ hàng tồn kho khá tốt. Vậy tại sao ban lãnh đạo vẫn cho rằng dòng tiền khó khăn, vậy vấn đề là gì?

Bà Ngọc: Đầu tư tài chính ngắn hạn là gửi tiết kiệm và sau khi xảy ra sự cố đã bị cắt nợ tại ngân hàng. Lượng tiền tồn của công ty đã chuyển cho các nhà cung cấp để đặt hàng, góp vốn vào dự án công nghệ cao Gia Định… và góp vốn vào một số dự án khác. Dự kiến sẽ thu tiền về trong tháng 10, 11 năm nay.

Việc ngân hàng cắt nợ, không giải ngân ra đã khiến JVC phải dùng vốn tự có dẫn đến những khó khăn công ty.

Sau khi kết thúc buổi họp hôm nay sẽ triển khai họp ĐHCĐ lần 2 không quá 30 ngày theo luật. Còn BCTC quý 1 sẽ cố gắng ra trước 10/10.

Báo cáo quý 2 dự kiến ra trong tháng 11 và được dự báo sẽ tăng trưởng hơn so với quý 1.

Tiền mặt cuối tháng 6 của công ty còn 60- 70 tỷ và đã gửi vào ngân hàng, không còn nắm giữ tại quỹ nữa.

Cổ đông: Có chuyện chuyển các thiết bị y tế ra “sân sau” hay không? Công ty có sợ bị thâu tóm không?

Lê Văn Giáp: Ban lãnh đạo công ty không có “sân sau”, tôi xin khẳng định. Còn vấn đề thâu tóm thì chỉ là tin đồn.

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên