MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải bài toán nguyên liệu cho ngành mía đường

09-03-2014 - 09:18 AM | Doanh nghiệp

Để giải được bài toán về nông nghiệp thì không thể kéo dài mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ mà phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn.

Năng suất thấp, chữ đường thấp, không ứng dụng cơ giới hóa trong canh tác tạo ra chi phí giá thành phẩm tăng cao khiến cho sức cạnh tranh của ngành thấp. Báo DĐDN đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Cty CP mía đường Bến Tre về các giải pháp khắc phục.

Theo ông Sơn, nói đến sản suất mía đường là nói đến hai mảng gồm mảng công nghiệp chế biến và mảng nông nghiệp. Mảng công nghiệp chế biến hiện chúng tôi đã thực hiện khá tốt, tuy nhiên, mảng này chỉ chiếm khoảng 20 – 25 % giá thành phẩm. Trong khi mảng nông nghiệp lại chiếm tỷ lệ lớn từ 70 – 80% trong cơ cấu giá thành nên rất cần có những chủ trương, chính sách nhất quán của nhà nước để hình thành nên các vùng mía nguyên liệu tập trung, từ đó đưa cơ giới hóa cùng với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt nhằm tăng hàm lượng chữ đường trong cây mía để từ đó tăng sức cạnh tranh cho ngành mía đường VN.

- Cụ thể, những bất cập trong mảng nông nghiệp hiện nay là gì, thưa ông?

Từ năm 1995, chương trình mía đường của VN được khởi động do lúc bấy giờ, Đảng và Nhà nước đã nhìn thấy được những lãng phí rất lớn trong chế biến và sản xuất đường của các cơ sở thủ công. Việc xây dựng, hình thành ra các nhà máy sản xuất đường trong nước không chỉ đảm bảo đủ nguồn cung cho thị trường nội địa mà còn đóng góp rất lớn nguồn lực cho vùng nông thôn, góp phần làm thay đổi toàn diện bộ mặt kinh tế - xã hội trong khu vực có nhà máy đường.

Cây mía từng được coi là loại cây trồng chủ lực nhằm xóa đói, giảm nghèo, đã thực sự mang lại cuộc sống ấm no cho người dân ở các vùng sâu, vùng xa, tạo thêm việc làm cho hàng triệu lao động vùng nông thôn. Chính vì vậy, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn đã từng nói: “Đây không chỉ là một ngành hàng sản xuất kinh doanh đơn thuần mà đây là ngành hàng mang đậm tính nhân văn”.

Tuy nhiên, khi hình thành nên các nhà máy đường, chúng ta đã không tính đến việc xây dựng nên các vùng mía nguyên liệu tập trung như các nông trại mà chỉ trồng xen kẽ với nhiều loại cây trồng khác. Đến khi đất nước bước vào nền kinh tế thị trường, người nông dân bám theo thị trường để trồng các loại cây trồng có thu nhập cao nên dần dần diện tích cây mía bị thu hẹp và bị đẩy vào những vùng đất đồi, bạc màu, cằn cỗi, đất nhiễm phèn, nhiễm mặn…

Điển hình như tại tỉnh Bến Tre, diện tích trồng mía ban đầu khoảng 10.000 ha, với sản lượng hàng năm khoảng 800.000 – 900.000 tấn mía nguyên liệu. Nhưng tới gần đây, qua kiểm tra của nhà máy thì hiện tại chỉ còn khoảng 3.100 ha, do một số cây trồng khác như cây dừa, ca cao chiếm chỗ.

- Lẽ nào chúng ta không có giải pháp để giữ vững vùng nguyên liệu cho nhà máy?

Có chứ. Để cây mía thực sự bám rễ trên vùng đất Bến Tre, thời gian qua chúng tôi đã phối hợp với Viện – Trường cũng như các ngành hữu quan để xây dựng các giống mía cao sản, mía cho ra chữ đường cao. Đặc biệt qua hai dự án của sở Khoa học Công nghệ và của UBND tỉnh Bến Tre để tạo ra giống mới có thể trồng trên vùng đất nhiễm phèn, nhiễm mặm khá thành công. Tuy nhiên, do diện tích canh tác của bà con nông dân đa phần ở quy mô diện tích nhỏ lẻ, manh múm chỉ khoảng vài công đất, cá biệt có ít hộ trên vài mẫu nên lợi nhuận thu được từ cây mía không cao. Mặc khác, một số dự án của Trung ương trong chương trình ngọt hóa cũng đã tác động mạnh tới diện tích vùng mía nguyên liệu.

Chúng tôi có thể khẳng định rằng, trong các loại nông phẩm trong nông nghiệp thì chỉ duy nhất có ngành mía đường là thực hiện nghiêm túc Nghị định 80 của Chính phủ qua chương trình “4 nhà”. Qua đó, chúng tôi đầu tư vốn, giống, phân bón, đưa kỹ sư nông nghiệp xuống trực tiếp hướng dẫn bà con nông dân cùng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng mía. Bên cạnh đó, xây dựng các câu lạc bộ, các tổ nông dân giỏi từ các vùng mía có năng suất từ 100 – 200 tấn mía/ha để làm gương điển hình và nhân rộng ra.

Đứng trước tình hình giá đường trên thị trường xuống thấp như hiện nay, để bảo hộ người trồng mía và cố giữ vững vùng mía nguyên liệu cho nhà máy, chúng tôi buộc vẫn phải thu mua mía của bà con nông dân ở mức giá cao. Tuy nhiên, do đất trồng mía là sở hữu của người dân nên việc trồng loại cây gì là quyền của họ.

- Nghĩa là chúng ta bất lực ?

Một vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là khi các khu công nghiệp trên cả nước đang có hướng gia tăng, đã thu hút lớn một lực lượng lao động trẻ nông thôn nên lượng lao động nông thôn tại các vùng nông nghiệp bị thiếu hụt trầm trọng và tiền công lao động ngày một tăng. Rồi đến giá xăng, phân bón, giá vận chuyển… đều đồng loạt tăng. Do vậy, dù các nhà máy đường có tác động mạnh đến giá thu mua mía nguyên liệu ở mức cao như hiện nay thì người trồng mía vẫn gặp khó do tổng chi phí trong canh tác nông nghiệp vẫn ở mức cao. Lợi nhuận thu được từ giá bán mía vẫn không đủ bù chi. Đó là bài toán vẫn chưa có lời giải cho ngành mía đường VN.

- Vậy theo ông, bài toán quan trọng nhất của ngành mía đường cần giải quyết là gì ?

Hướng đầu tư của ngành mía đường là hướng tới nông dân. Bài toán quan trọng nhất của ngành mía đường chính là xây dựng cho được một vùng mía nguyên liệu tập trung và ổn định. Do vậy, đối với mảng công nghiệp chế biến, để tạo lợi thế cạnh tranh, hiện toàn bộ các nhà máy đường trong Hiệp hội mía đường VN đều đã đầu tư, đổi mới trang thiết bị máy móc theo công nghệ hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới, sản xuất đáp ứng đủ tiêu chuẩn về chất lượng và chủng loại. Không chỉ vậy, các nhà máy đường còn tận dụng hiệu quả các phụ phẩm sau đường như khai thác triệt để bã mía, bã bùn, tro, mật rĩ để làm phân bón, làm điện, cồn… nhằm giảm chi phí sản xuất ở mức thấp nhất để tăng sức cạnh tranh cho ngành.

Chính phủ có một chính sách mới đột phá về đất đai để thực hiện tốt công tác xây dựng vùng mía nguyên liệu gắn với nhà máy đường.

Tuy nhiên, đối với mảng nông nghiệp, đây là những khó khăn thách thức chung của cả ngành nông nghiệp chứ không riêng gì ngành mía đường. Đó là mô hình canh tác theo nông hộ ở dạng nhỏ lẻ, manh mún, thiếu đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi tưới và tiêu nước. Các công đoạn từ khâu trồng, làm đất, đặt hom, chăm sóc, thu hoạch đều làm thủ công nên không chỉ làm tăng cao chi phí trong sản xuất mà cả hai phần chữ đường và năng suất cây mía cũng thấp.

Để giải được bài toán về nông nghiệp thì không thể kéo dài mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ mà phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn. Chính vì vậy, rất cần Chính phủ có một chính sách mới đột phá về đất đai để thực hiện tốt công tác xây dựng vùng mía nguyên liệu gắn với nhà máy đường.

Và để thực hiện được vấn đề này, các nhà máy có thể thuê đất lại của nhà nước hoặc cho phép DN được mua đất của nông dân. Người nông dân lúc này sẽ trở thành những nông viên của nông trại, qua đó các nhà máy đường sẽ dễ dàng đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào canh tác. Giống tốt, khai thác hiệu quả cơ giới hóa thì chất lượng đầu ra của cây mía sẽ cho ra năng suất, chữ đường cao và giảm chi phí trong canh tác, từ đó sẽ tạo được tính cạnh tranh cao của hạt đường VN.

Trên thế giới hiện nay, ngay cả những quốc gia có nền kinh tế phát triển thì nhà nước vẫn duy trì các chính sách bảo hộ cho nông nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau. Cụ thể tại các nước Mỹ, Úc, Nga, Nam Phi, Mexico, Colombia, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật… vẫn duy trì các biện pháp bảo hộ ngành đường để bảo vệ nông dân và ngành kinh tế trong các lĩnh vực như kiểm soát thị trường nội địa, nhập khẩu, hỗ trợ XK, tài chính…

Chỉ riêng tại Thái Lan, với diện tích khoảng 1,4 triệu ha, sản lượng từ 100 – 105 triệu tấn mía. Mỗi năm cung cấp khoảng 11 triệu tấn đường, trong đó 9 triệu tấn phục vụ cho XK. Để đạt được ngôi vị thứ 2 về XK trên thế giới, Thái Lan ngoài việc xây dựng nhiều trung tâm nghiên cứu, phát triển giống mía như trung tâm Suphanburi ở U Thong, Trường ĐH Nông nghiệp Kasetsart chi nhánh ở Kamphaeng Saen và Kanchanaburi, trường đại học Khon Kaen, Chiang Mai và một số trung tâm vùng của Bộ Nông nghiệp, hằng năm, Bộ Nông nghiệp Thái Lan tổ chức thí nghiệm cấp quốc gia đánh giá giống mía triển vọng từng vùng trồng mía để các nhà máy đường áp dụng.

Riêng tại Cty đường Mitr Phol đã tự đầu tư xây dựng trung tâm Đổi mới và nghiên cứu cây mía để phục vụ khoa học cho vùng nguyên liệu của mình. Với 20.000 nông hộ và 300.000 ha mía, trung tâm có 60 chuyên viên chuyên lo việc sưu tập giống, chọn cây bố mẹ để lai tạo, chọn giống tại các vùng mía, nhất là nghiên cứu các biện pháp nông học để tăng năng suất mía và chữ đường, bảo đảm sản xuất cho DN đồng thời nâng cao lợi tức của dân trồng mía. Mỗi năm Cty đường Mitr Phol sản xuất 2,8 triệu tấn đường, xếp hạng thứ 5 về các nhà máy đường lớn nhất thế giới.

Không chỉ vậy, ngành mía đường nước này có hẳn một Ủy ban quốc gia điều hành theo Luật mía đường năm 1984. Theo luật này có lập quỹ mía đường từ tiền thuế để lại để bình ổn cho ngành. Luật mía đường quy định 3 loại quota A,B và C, mỗi DN mía đường của Thái Lan đều phải có nghĩa vụ thực hiện quota A cung cấp cho nhu cầu nội địa với giá bán luôn cao hơn giá XK và giá thương mại thế giới; quota B cho các hợp đồng dài hạn cung cấp quốc tế mà Thái Lan đã ký kết. Cuối cùng là quota C - đây là quota thặng dư, các DN đường tự do XK mà không cần chứng từ, và với quota C này dù bán giá thấp cỡ nào họ cũng có lãi vì phần lãi chính đã được đảm bảo ở quota A và B. Điểm đặc biệt của luật định này nhằm bảo đảm giúp người trồng mía và các nhà máy đường có lãi. Và đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc đường Thái Lan xâm nhập lậu vào VN gây “nhiễu”giá đường trong nước suốt thời gian qua.

Còn tại Trung Quốc, tuy ngành mía đường của Trung Quốc chưa đáp ứng đủ nguồn cung sử dụng đường trong nước nhưng công tác nhập khẩu đường được quản lý khá chặt chẽ thông qua chính sách thuế và ngăn chặn triệt để đường nhập lậu nên giá đường trong nước ít chịu tác động của biến động đường trên thế giới. Giá đường bán trong nội địa luôn ở mức cao hơn các nước xung quanh và ổn định nên đảm bảo lợi nhuận cho người trồng mía, DN chế biến và nhà phân phối.

Đặc biệt, chính sách điều hành mặt hàng đường, Trung Quốc ổn định giá đường trong nước bằng công cụ thuế nhập khẩu và tạm trữ. Khi lượng cung tăng, giá đường giảm, nhà nước sẽ linh hoạt điều chỉnh tăng lượng tạm trữ. Khi giá đường cao sẽ đưa lượng đường dự trữ ra để bình ổn giá nhằm bảo hộ sản xuất đường trong nước. Và đây chính là điều mà những nhà máy đường VN vẫn mong chờ - một cơ chế, chính sách cụ thể, rõ ràng để duy trì ổn định và phát triển cho ngành mía đường VN trong tương lai.

Theo Quốc Chánh

thanhhuong

Diễn đàn Doanh nghiệp

Trở lên trên