MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giới thiệu Doanh nghiệp sắp niêm yết: CTCP Chè Hiệp Khánh

07-07-2015 - 13:06 PM | Doanh nghiệp

Theo báo cáo của tổ chức Global Research & Data Service, Việt Nam xếp thứ 18 trong số những thị trường tiêu thụ chè tiềm năng nhất thế giới.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thông báo đã nhận được bộ hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán của CTCP Chè Hiệp Khánh (Hiteaco) với số lượng chứng khoán đăng ký niêm yết là 5.577.300 cổ phiếu tương đương vốn điều lệ gần 56 tỷ đồng.

Theo thông tin từ công ty, năm 2014, Hiteaco đạt doanh thu thuần 31,2 tỷ - tăng 15% so với năm 2013 và lợi nhuận sau thuế đạt 1,9 tỷ đồng. Năm 2015, Công ty đặt kế hoạch doanh thu tăng gấp đôi với 65 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 7,5 tỷ đồng, cổ tức dự kiến 10%.

Sở hữu nhà máy với công suất 2.000 tấn chè thành phẩm một năm, công ty đang hợp tác kinh doanh với nhiều bạn hàng có vùng nguyên liệu chè cao cấp tại Sơn La, Lai Châu, Yên Bái với diện tích vùng nguyên liệu hơn 1.000 ha đang cho khai thác và gần 1.000ha đang trồng mới.

Sản phẩm chủ lực của Hiteaco là chè Shan Tuyết với 2 dòng sản phẩm chủ đạo là Chè Shan tuyết cổ thụ - loại chè được mọc tự nhiên thành rừng trên vùng cao Tây Bắc Việt Nam (độ cao từ 1000 đến 2000m so với mực nước biển) và dòng chè Shan tuyết trồng canh tác (lấy giống hoặc chiết từ những cây chè Shan tuyết cổ thụ) được trồng thành vùng nguyên liệu.

Nói về ngành chè Việt Nam, trong những năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi cho ngành nông nghiệp nói chung và ngành chè nói riêng. Ví dụ, Thuế GTGT của nguyên liệu sản xuất chè được giảm từ 5% đến 10%, những doanh nghiệp chè hoạt động trên địa bàn khó khăn sẽ được giảm 50% thuế thu nhập, thuế suất xuất khẩu là 0% từ 2009. Ngoài ra nhà nước còn hỗ trợ các chi phí quảng bá, đào tạo nhân lực và đầu tư dây chuyền thiết bị cho sản xuất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ vốn.

Tuy nhiên các doanh nghiệp chế biến chè đang gặp trở ngại lớn về vùng nguyên liệu. Hiện tại tổng công suất của các nhà máy tại Việt Nam là hơn 400.000 tấn chè  - cao gấp 2 đến 3 lần khả năng cung ứng nguyên liệu của vùng trồng chè. Việc thiếu nguồn cung chè tươi đang là trở ngại đối với các doanh nghiệp Việt. Đối với những doanh nghiệp không sở hữu và quản lý được vùng nguyên liệu, năng lực sản xuất bị giảm mạnh và chịu sự cạnh tranh gay gắt.

Chè Hiệp Khánh là một trong số ít các doanh nghiệp chè tại Việt Nam đang có lợi thế vùng nguyên liệu trên các vùng trọng điểm chè sạch, chè chất lượng cao tại các tỉnh Tây Bắc Việt Nam nói trên.

Mặt khác, theo báo cáo của tổ chức Global Research & Data Service, Việt Nam xếp thứ 18 trong số những thị trường tiêu thụ chè tiềm năng nhất thế giới. Hiện tại trung bình người dân Việt Nam tiêu thụ 300 gr chè/người/năm trong khi ở Nhật Bản và Trung Đông là 2 kg chè/người/năm, Anh và Nga đều hơn 2,5 kg chè/người/năm. Xu hướng tiêu thụ chè của người dân Việt Nam đang và sẽ tiếp tục gia tăng, ước tính sẽ đạt 90.000 tấn chè trong vòng hơn 2 năm tới.

Trên thị trường quốc tế, chè đang dần trở thành xu hướng với mức độ tăng trưởng bình quân hơn 10% một năm. Tại thị trường Mỹ, năm 2014, lượng tiêu thụ chè tăng trưởng ở mức 43%. Chè vượt qua nước ngọt và các đồ uống đóng chai khác trở thành đồ uống phổ biến nhất tại Mỹ, là sự lựa chọn của hơn 40% người dân tại đây.

Lượng tiêu thụ tăng trưởng mạnh trong khi nguồn cung đang có xu hướng giảm do khô hạn kéo dài liên tục 2 năm tại Ấn Độ và Kenya (2 nước xuất khẩu chè lớn nhất thế giới) khiến cho giá chè tăng 5,03%. Thâm hụt nguồn cung không chỉ khiến giá chè thế giới tăng, giúp gia tăng lợi nhuận của doanh nghiệp chè mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được các thị trường xuất khẩu tiềm năng khó tính.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, bình quân hàng năm kim ngạch xuất khẩu của ngành chè Việt Nam là hơn 200 triệu USD đứng thứ 6 trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu, quy mô sản lượng đứng thứ 5 thế giới.

Tuy nhiên giá xuất khẩu bình quân của ngành chè Việt Nam hiện chỉ bằng khoảng 60% - 70% giá bình quân của thế giới do hơn 90% lượng chè vẫn xuất khẩu thô ở dạng chè rời và ít doanh nghiệp đầu tư vào thương hiệu, đóng gói gia tăng giá trị cho sản phẩm.

Kim ngạch xuất khẩu chè Việt Nam có thể tăng trưởng mạnh hơn nhiều khi doanh nghiệp chế biến chè đầu tư vào phát triển và quản lý vùng nguyên liệu, công nghệ chế biến và phát triển thương hiệu.

Mai Linh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên