MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường Hàn Quốc

23-05-2015 - 15:51 PM | Doanh nghiệp

Tại hội thảo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) do Bộ Công Thương và Bộ Tài chính tổ chức sáng 22-5 ở TP HCM, ông Phạm Khắc Tuyên - Trưởng Phòng Đông Bắc Á, Điều phối viên VKFTA, Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Công Thương - cho rằng cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang rất quan tâm đến VKFTA, vì thế Chính phủ đang nỗ lực chuyển thông tin đến DN

“Hiện toàn bộ thông tin về VKFTA đã được công bố trên các website của Hàn Quốc. Chúng tôi sẽ trình Bộ Công Thương sớm dịch các quy định ra tiếng Việt để DN tiện tham khảo” - ông Tuyên nói.

Theo bà Đào Thu Hương - Trưởng Phòng Hội nhập kinh tế quốc tế, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính - dệt may, gỗ, thủy sản, rau củ quả, trái cây… là những mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất trong VKFTA. Hiện nhu cầu nhập khẩu các nhóm hàng tôm; hoa quả nhiệt đới tươi, đóng hộp; thủy sản; nhóm tỏi, gừng; nhóm rau quả và nông sản; mật ong… của Hàn Quốc rất cao, Việt Nam hiện mới xuất khẩu một lượng rất ít vào Hàn Quốc, nếu tận dụng tốt cơ hội từ VKFTA, Việt Nam sẽ khai thác được thị trường rất nhiều tiềm năng.

Tôm là mặt hàng mà Hàn Quốc có nhu cầu nhập khẩu cao. 
Trong ảnh: Thu hoạch tôm ở ĐBSCL Ảnh: Thốt Nốt

Tôm là mặt hàng mà Hàn Quốc có nhu cầu nhập khẩu cao. Trong ảnh: Thu hoạch tôm ở ĐBSCL Ảnh: Thốt Nốt

Theo ông Tuyên, hiện thuế suất nhóm rau quả tươi, sấy khô vào Hàn Quốc từ 30%-40%. Lộ trình cắt giảm thuế đối với nhóm sản phẩm này là 10 năm, đủ thời gian để các DN Việt nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã, bao bì đóng gói… cho phù hợp với thị hiếu tiêu dùng Hàn Quốc và cạnh tranh được với các nhà xuất khẩu khác.

“Hàn Quốc là thị trường khó tính, không dễ đưa sản phẩm vào nước này. Đa số DN Việt Nam là nhỏ và vừa, yếu về tài chính, nhân lực… nên hạn chế trong tiếp cận thông tin, nắm bắt nhu cầu của thị trường nhập khẩu. Thị hiếu tiêu dùng của Hàn Quốc thay đổi liên tục nên cách dễ nhất là hợp tác với các nhà phân phối lớn của Hàn Quốc như Emart, Lotte Mart và thông qua đó dần dần gầy dựng thương hiệu” - ông Tuyên nói.

Theo phản hồi từ một số DN, xuất khẩu sang Hàn Quốc gặp khá nhiều rào cản không chỉ từ các tiêu chuẩn khắt khe mà còn từ tâm lý tiêu dùng. Thị trường Hàn Quốc khá khó chịu, chưa quan tâm nhiều đến sản phẩm Việt Nam.

“Chúng tôi chưa thể đưa sản phẩm mang thương hiệu riêng vào Hàn Quốc mà chấp nhận gia công cho đối tác. Họ mua nguyên liệu, bán thành phẩm về đóng gói bằng thương hiệu của họ. Hy vọng thời gian tới xuất khẩu vào Hàn Quốc gia tăng, sản phẩm Việt Nam sẽ tìm được chỗ đứng tốt hơn” - ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, nói.

Theo Thanh Nhân

PV

Người Lao động

Trở lên trên