MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ITA, KBC: Năng lực tài chính đến đâu?

24-09-2010 - 12:45 PM | Doanh nghiệp

Ông Tâm cho hay, dự kiến chi phí đầu tư cho Khu công nghiệp là 400 tỷ đồng, chi phí xây dựng nhà máy xi măng 600 tỷ đồng, doanh nghiệp đã có hướng thu xếp.

Nhiều nhà đầu tư đang đặt câu hỏi về năng lực tài chính của 2 DN niêm yết quy mô lớn trên sàn là CTCP Đầu tư và Khu công nghiệp Tân Tạo (HOSE: ITA); Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HOSE: KBC) sau thông tin các dự án lớn của hai đơn vị này chậm tiến độ. Thực tế ra sao và điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động cũng như kết quả kinh doanh của DN ?.

KBC, SGT: Đủ năng lực tham gia dự án

Ông Đặng Thành Tâm, chủ tịch HĐQT KBC và CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (HOSE: SGT) cho biết, SGT tham gia đầu tư dự án Khu công nghệ cao Thủ Thiêm với tổng vốn đầu tư 1.2 tỷ USD, vốn điều lệ của liên doanh là 800 triệu USD chia thành 3 giai đoạn. SGT tham gia 20% vốn tại liên doanh, tương ứng với phần vốn góp 12 triệu USD trong giai đoạn đầu. Với cam kết tài trợ vốn của các ngân hàng, số tiền này nằm trong khả năng của Công ty. Đề cập đến tiến độ của dự án, ông Tâm cho biết, tháng 4/2010, Teco (đối tác nước ngoài tham gia liên doanh) đã có văn bản gửi UBND TP.Hồ Chí Minh đề xuất không điều chỉnh và sẽ thực hiện đầu tư theo giấy phép, nhưng đến giờ Thành phố chưa có quyết định về vấn đề này.

Dự án Khu công nghiệp Xi măng Sài Gòn – Tân Kỳ có quy mô 600 héc-ta. CTCP Sài Gòn - Tân Kỳ là chủ đầu tư dự án này, KBC tham gia góp vốn 20%. Theo ông Trần Hữu Hồng Trường, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Sài Gòn - Tân Kỳ, chính quyền địa phương đang làm thủ tục thu hồi đất và mới bắt đầu trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn nữa, do thừa công suất toàn ngành, Bộ Xây dựng đang rà soát lại các dự án xi măng và chuyển dự án này sang quy hoạch năm 2015. Do đó, địa phương cũng ngừng cấp phép mỏ đá vôi, mỏ đất sét, nguyên liệu phụ trợ sản xuất xi măng cho Công ty.

Đề cập đến khả năng thu xếp vốn cho dự án, ông Tâm cho hay, dự kiến chi phí đầu tư cho Khu công nghiệp là 400 tỷ đồng, chi phí xây dựng nhà máy xi măng 600 tỷ đồng, doanh nghiệp đã có hướng thu xếp, đồng thời có kế hoạch mời nhà đầu tư Nhật Bản vào tham gia tiếp giai đoạn sau. “Dự án này tỉnh Nghệ An mời chúng tôi về đầu tư. Tuy nhiên, DN đang gặp những rủi ro chính sách như đã kể trên”, ông Tâm cho biết.

Với dự án này, chủ đầu tư đã mất chi phí 50 tỷ đồng, theo như lời ông Tâm, toàn bộ là tiền các cổ đông cá nhân đóng góp, KBC chưa phải chuyển đồng nào.

Tiến độ các dự án bất động sản tại Hà Nội của KBC cũng là mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư. Với dự án 1A Láng Hạ, KBC đã có giấy phép xây dựng, đã ký hợp đồng thi công với Tập đoàn Kumho (Hàn Quốc), quy mô dự án được thông báo là 100 triệu USD là đã tính cả một phần giá trị khu đất. Để tập trung nguồn lực cho dự án Lotus, KBC đã quyết định chuyển nhượng cho CTCP Kum – Ba quyền mua 30% cổ phần CTCP Đầu tư Láng Hạ. Dự án Lotus, KBC cũng đã thu xếp xong phương án tài chính (trong đó có vốn vay trái phiếu, tiền đặt trước thuê chỗ trung tâm tương mại) và đang chờ phê duyệt thiết kế để sớm triển khai. Theo ông Tâm, KBC luôn có sẵn trong tài khoản số tiền ước 625 tỷ đồng.

 
ITA và dự án Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương
Dự án này là công trình trọng điểm của ITA. Theo thông tin từ công ty này, khó khăn trong đền bù giải tỏa mặt bằng đã làm dự án bị chậm tiến độ và buộc ITA phải di dời dự án ra khu lấn biển. Nhưng rắc rối liên quan đến nợ nần của CTCP Vietnam Land, ITA cho rằng, đó là việc của Vietnam Land và đây không phải là công ty con của Tập đoàn Tân Tạo, mà là công ty có pháp nhân hoàn toàn độc lập, đang thi công các công trình cho ITA.

ITA đã ký hợp đồng chọn được nhà thầu EPC cho dự án vào tháng 6/2010. DN đang thu xếp tài chính cho dự án, đàm phán với EVN về giá điện, về vốn vay, về bảo lãnh, mua bảo hiểm, các hợp đồng cung cấp than với các nhà cung cấp trên thế giới… Hiện hợp đồng mua bán điện và giá điện vẫn chưa xong, do vậy ITA chưa thể đóng được tài chính và chưa thể khởi công nhà máy điện. Tính đến nay, ITA đã bỏ ra hàng trăm triệu USD để thực hiện các hạng mục như ký hợp đồng, thuê tư vấn, thực hiện đền bù giải tỏa, nạo vét bùn, san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật …

Còn về dự án Khu đô thị Hải Âu, ITA đã có quy hoạch chi tiết 1/500 vào tháng 12/2009 với quy mô 197 hét – ta. Công ty đã thuê tư vấn xin phép Bộ Tài nguyên - Môi trường và UBND tỉnh Kiên Giang cho phép khai thác cát để san lấp cho dự án Đảo Hải Âu. Nhưng cho đến nay, UBND tỉnh Kiên Giang vẫn chưa cấp giấy phép khai thác cát, chưa giao mặt nước khu vực dự án, nên DN chưa thể thực hiện san lấp, xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho dự án.

Như vậy, chi phí cho 2 dự án trên của ITA tính đến thời điểm hiện nay là ít nhất 2.000 tỷ đồng. Trong trường hợp dự án chậm tiến độ sẽ có ảnh hưởng gì tới hoạt động của Công ty và với chi phí khổng lồ như vậy, năng lực thu xếp vốn cho dự án của ITA ra sao? . ĐTCK đã gửi câu hỏi tới lãnh đạo ITA và sẽ có câu trả lời cụ thể giải đáp bạn đọc.

Theo Anh Việt

Đầu tư chứng khoán

thanhhuong

Trở lên trên