MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khai thác mỏ thép Thạch Khê: Hoà Phát, TKV đều muốn thêm quyền sở hữu

04-05-2011 - 15:53 PM | Doanh nghiệp

Việc nắm giữ được số lượng cổ phiếu đáng kể nào đó tại công ty cổ phần Thép Thạch Khê (TIC) vào thời điểm này đã là sự may mắn, bởi giá quặng sắt đang ngày càng tăng.

 Hoà Phát không muốn dừng ở việc sở hữu 5% TIC trong khi TKV cũng muốn nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%.

Ngay trong quá trình bóc đất, đá bề mặt của khu mỏ được đánh giá có trữ lượng lên tới trên 540 triệu tấn tại Hà Tĩnh này, người ta đã phát hiện, thu được một số lượng đáng kể quặng sắt. Vấn đề lớn hiện nay là tiến trình góp vốn phải được đẩy nhanh để đủ vốn cho việc đầu tư, khai thác mỏ sắt rất có triển vọng này.

Hoà Phát thay chân BIDV

Ngày 28.4 vừa rồi, một cuộc họp bất thường giữa các cổ đông của TIC đã được tổ chức nhằm kêu gọi các cổ đông phải nhanh chóng góp cho đủ vốn theo quy đinh. Theo phó tổng giám đốc tập đoàn công nghiệp Than và khoáng sản (TKV), kiêm chủ tịch hội đồng quản trị của TIC, ông Phùng Mạnh Đắc, việc hiện nay nhiều cổ đông chưa góp đủ vốn đã là chậm vì theo quy định, cho đến ngày 31.12.2010, các cổ đông phải có trách nhiệm góp đủ 50% vốn điều lệ (tổng vốn điều lệ là 2.400 tỉ đồng) nhưng cho đến hết tháng 4.2011, số tiền góp của các cổ đông mới đạt 700 tỉ đồng.

Trong cuộc họp của các cổ đông TIC ngày 28.4, các bên đã nhất trí thời hạn nộp tiền cuối cùng là ngày 15.5.2011. Ông Phùng Mạnh Đắc nói: “Sau thời điểm này, cứ theo quy định của luật Doanh nghiệp, cổ đông nào không nộp đủ tiền thì nếu cổ đông khác có nhu cầu, có điều kiện sẽ được mua lại để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu ở TIC”.

Trên thực tế, cho dù dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê được cho là một địa chỉ đầu tư rất hấp dẫn, nhưng một số nhà đầu tư dường như không có đủ tiền để tham gia. Ông Phùng Mạnh Đắc xác nhận, trong nhiều cuộc họp gần đây, đại diện tập đoàn Hoà Phát đã đi dự các cuộc họp cổ đông của TIC thay cho BIDV. Hoà Phát đang chuẩn bị các thủ tục để chính thức hoá các hoạt động chuyển nhượng cổ phần của BIDV tại TIC. Nhưng tập đoàn này đang cố gắng sở hữu nhiều hơn con số 5% cổ phần của BIDV tại TIC. Một lãnh đạo của tập đoàn Hoà Phát cho biết, tập đoàn này muốn tiến tới chiếm cổ phần chi phối tại TIC.

Theo đánh giá của bộ Công thương, mỏ Thạch Khê hiện là mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng sản lượng quặng khai thác có thể đạt mức 370 – 400 triệu tấn. Nhưng mỏ này nằm sát biển và quặng ở sâu hơn mặt nước biển từ -30m tới vài trăm mét và thành phần kẽm trong quặng sắt Thạch Khê cao, nên việc khai thác không hề dễ dàng. Công ty TIC được thành lập từ tháng 5.2007, vốn điều lệ 2.400 tỉ đồng để khai thác mỏ sắt Thạch Khê, cung cấp quặng phục vụ nhu cầu trong nước, xuất khẩu một phần. Công ty này còn lập dự án xây dựng một nhà máy luyện phôi thép, với công suất ban đầu 2 triệu tấn/năm để tận dụng nguồn quặng sắt tại Thạch Khê.

Được biết, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn gửi Chính phủ, bộ Công thương đề nghị cho tập đoàn Hoà Phát tham gia đầu tư vào TIC ở tỷ lệ sở hữu cao hơn với đánh giá rằng Hoà Phát đủ năng lực và kinh nghiệm, tài chính để triển khai dự án.

TKV cũng muốn chiếm cổ phần chi phối

Ông Phùng Mạnh Đắc, phó tổng giám đốc TKV cho biết, tập đoàn này cũng đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ xin nắm giữ cổ phần chi phối lại TIC lên 51%. Ông Đắc cũng cho rằng, TKV mới là cổ đông có năng lực triển khai, điều hành dự án tốt nhất do đã có nhiều kinh nghiệm trong triển khai các dự án khai khoáng, không chỉ than mà cả đồng, sắt... trong hàng chục năm qua.

Tỷ lệ sở hữu cổ phần cao nhất 30% giúp TKV có người giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị của TIC. Cho đến cuối năm 2010, sau hơn ba năm thành lập, TIC mới ký hợp đồng thành lập thiết kế kỹ thuật và dự toán dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê với liên danh các nhà thầu, gồm công ty cổ phần Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp – TKV (VIMCC), viện Khoa học và công nghệ mỏ luyện kim (VIMLUKI) và viện Mỏ VIOGEM (Nga) với tổng giá trị hợp đồng xấp xỉ 63 tỉ đồng. Cũng đã có ý kiến lo ngại rằng, đây chưa phải là các nhà thầu có năng lực cao nên khả năng triển khai các gói thầu trên có thể lại bị chậm. Do đó, trong thời điểm này, ngoài TKV, rất cần có thêm cổ đông có tiềm lực tài chính mạnh, giàu kinh nghiệm để tham gia, thúc đẩy việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Theo Mạnh Quân
SGTT

duchai

Trở lên trên