MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

KSA nhận giấy chứng nhận đầu tư nhà máy xỉ Titan đầu tiên của tỉnh Bình Thuận

05-01-2015 - 07:45 AM | Doanh nghiệp

Ngày 26/12/2014, ngành Titan Bình Thuận đón nhận tin vui: Dự án nhà máy chế biến xỉ Titan Bình Thuận công suất 60.000 tấn/ năm của Công ty CP công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận chính thức được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Với trữ lượng Titan trên địa bàn ước gần 600 triệu tấn, chiếm 92% trữ lượng Titan cả nước, tỉnh Bình Thuận được đánh giá là “thủ đô” của Titan Việt Nam. Hưởng ứng chủ trương phát triển ngành công nghiệp chế biến sâu Titan của Thủ tướng chính phủ, Công ty CP Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận (KSA) đã tăng tốc chuẩn bị các yếu tố cần thiết để triển khai dự án chế biến xỉ Titan, trong đó yếu tố tiên quyết chính là được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhà máy xỉ Titan đầu tiên của Bình Thuận công suất 60.000 tấn/ năm.

Ngày 26/12/2014, ngành Titan Bình Thuận đón nhận tin vui: Dự án nhà máy chế biến xỉ Titan Bình Thuận công suất 60.000 tấn/ năm của Công ty CP công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận chính thức được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đây là tiền đề pháp lý quan trọng nhất để công ty bước tiếp những bước phát triển trong ngành công nghiệp khoáng sản nhiều tiềm năng này.

Địa điểm thực hiện dự án nằm tại khu đất B4, Cụm công nghiệp Thắng Hải, nơi được Thủ tướng chính phủ phê duyệt là trái tim Titan của cả nước.

Với hơn 4 năm chuẩn bị, rào cản để gia nhập ngành Titan có thể nói đầy thử thách với những nhà đầu tư kiên trì nhất. Nhưng KSA đã đi từ những bước đầu tiên như thiết kế cơ sở, lựa chọn thiết bị, ký kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, chuẩn bị các khâu thẩm định từ cấp huyện, tỉnh tới bộ và trình Thủ tướng chính phủ. Công ty được UBND, các ban ngành có liên quan của tỉnh Bình Thuận tin tưởng, tạo điều kiện trong quá trình cấp phép xây dựng nhà máy chế biến tinh và sâu sa khoáng Titan tại cụm công nghiệp Thắng Hải – cụm CN chuyên sâu về Titan đầu tiên trên cả nước.

Từ lâu nay khai thác và xuất khẩu quặng Ilmenite (nguyên liệu để sản xuất xỉ Titan) tại Bình Thuận nói riêng, Việt Nam nói chung chủ yếu dưới hình thức xuất khẩu thô với giá trị thấp. Với chủ trương hạn chế xuất thô tài nguyên khoáng sản, từ năm 2013, Titan đã không còn bị “chảy máu” dưới dạng quặng Ilimenite và bị tồn ứ ở trong nước. Vì vậy, nhà máy chế biến được coi như cánh cửa mở ra thế giới để dòng tài nguyên này được xuất đi với hàm lượng giá trị cao hơn, làm giàu ngân sách của nhà nước cũng như đời sống của lao động địa phương.

Trong năm 2015-2019, KSA đề ra mục tiêu sẽ hoàn thiện hai phân kỳ của nhà máy công suất 60.000 tấn/năm. Để triển khai thực hiện kế hoạch này, KSA đã tiến hành các hạng mục hạ tầng cho nhà máy chế biến sâu Titan tại CCN Thắng Hải trên diện tích 10,5 hecta. Về nguồn nguyên liệu, KSA chủ trương mua lại vốn góp của các công ty đã có sẵn mỏ và hợp tác với các mỏ đang có giấy phép khai thác. Toàn bộ sản phẩm xỉ Titan sau chế biến sẽ được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc vốn là các thị trường có nhu cầu tiêu thụ xỉ Titan rất lớn.

Trong buổi lễ trao giấy chứng nhận đầu tư, lãnh đạo địa phương cho biết: "Nhà máy chế biến xỉ Titan do KSA làm chủ đầu tư chính là cánh cửa đầu tiên để đưa nguồn tài nguyên quý hiếm của Bình Thuận đi ra thế giới với hàm lượng khoa học kỹ thuật được nâng cao. Đây cũng chính là sự kỳ vọng đã nhiều năm nay của Thủ tướng chính phủ đối với thủ đô của ngành công nghiệp Titan và là một mốc son đáng nhớ trong thực hiện chiến lược phát triển Titan Việt Nam”.

>>>KSA thông qua chủ trương thoái vốn ngoài ngành, tập trung nguồn lực cho nhà máy Titan
Minh Anh

thanhhuong

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên