MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lafooco đổi hướng

13-08-2012 - 19:13 PM | Doanh nghiệp

Lỗ 125 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, như lời ông Nguyễn Văn Chiểu, Chủ tịch CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Long An là một “tai nạn” khi Công ty ở tình trạng bị động với diễn biến thị trường điều quốc tế.

Từ ở thế khó kiểm soát chi phí đầu vào và đầu ra, CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Long An (LAF)
đang định hướng lại chiến lược của DN sao cho cho có thể chủ động hơn trong việc kiểm soát giá bán.

    Lỗ do dự báo sai thị trường

    125 tỷ đồng lỗ ghi nhận trong 6 tháng đầu năm nay là một con số bất ngờ với nhiều nhà đầu tư và các cổ đông của Lafooco. Ông Chiểu cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến lỗ là do mùa vụ hạt điều thô thu hoạch ở Việt Nam, Ấn Độ, khu vực Tây Phi tập trung vào cuối quý I đến tháng 6 hàng năm, các công ty sản xuất - kinh doanh hạt điều phải thu mua dự trữ nguyên liệu điều thô đến giáp vụ năm sau.

    Năm 2011, diễn biến giá nhân điều tăng liên tục cho đến cuối tháng 9, đỉnh cao nhất là quý III/2011. Cân đối tính toán cánh kéo giữa giá nhân điều và hạt điều thô, các công ty sản xuất - kinh doanh điều đã thu mua  hạt điều nguyên liệu ở mức giá cao. Lafooco cũng làm theo xu hướng này.

    Tuy nhiên, từ quý IV/2011, các nước tiêu thụ nhân điều chủ yếu (Mỹ, châu Âu) bị khủng hoảng kinh tế, nhu cầu nhân điều giảm dẫn đến giá giảm mạnh liên tục cho đến nay. Đầu năm 2012, do phải tiếp tục sản xuất từ nguồn nguyên liệu tồn kho giá cao từ năm 2011 chuyển sang, nên các DN ngành điều Việt Nam đều lỗ, Lafooco cũng chịu chung cảnh này.

    Lượng điều tồn kho cuối năm 2011 của Lafooco quá lớn (trên 16.000 tấn, khoảng 514 tỷ đồng) là do nhận định “chệch” thực tế mà Công ty đưa ra dựa trên sự chuyển động chính sách và các dự báo chung về ngành. Năm 2011, Hiệp hội Cây điều Việt Nam đưa ra báo cáo, cuối năm 2010 có khoảng trên 200 doanh nghiệp chế biến điều, trong đó 164 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu điều.

    Sản lượng điều trong nước năm 2011 ước chỉ đạt khoảng 300.000 tấn/năm, giảm 20% so với năm 2010, từ đó, ước Việt Nam thiếu từ 300.000-350.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, trên thế giới, Bờ Biển Ngà là quốc gia xuất khẩu hạt điều nguyên liệu lớn nhất thế giới, lại có chiến tranh tranh giành quyền lực giữa Tổng thống cũ và mới. Do đó, nguồn hạt điều nguyên liệu không xuất khẩu được.

    Tháng 3/2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 13/2011/TT-BNNPTNT quy định, từ ngày 01/07/2012 hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo đảm an toàn thực phẩm.

    Theo đó, các quốc gia xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó có hạt điều. Trong khi đó, Bờ Biển Ngà là nước xuất khẩu điều thô lớn nhất thế giới, lại chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo đảm an toàn thực phẩm.

    Trước tình hình trên, Lafooco nhận định, nhiều đơn vị nhỏ sẽ thiếu nguyên liệu sản xuất vào quý IV/2011và quý I/2012. Ngoài việc thu mua, nhập khẩu hạt điều nguyên liệu đủ để sản xuất, Công ty tiếp tục nhập khẩu thêm lượng hạt điều thô để kinh doanh với số lượng 8.000 tấn theo kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2011 được đại hội đồng cổ đông thông qua ngày 19/03/2011, với dự kiến sẽ bán ra kể từ quý IV/2011. 

    Sau thời điểm ký nhập khẩu (tháng 5 và 6 năm 2011), thì giá nhân điều diễn biến theo chiều hướng tăng, kéo theo giá nguyên liệu tăng mạnh. Tuy nhiên, đến khi hàng nhập khẩu về đến Cảng Sài Gòn thì giá nhân điều xuất khẩu từ cuối tháng 9/2011 lại liên tục giảm, thị trường tiêu thụ nhân điều giảm mạnh, phí sản xuất tăng cao, áp lực trả nợ ngân hàng lớn, đã đẩy các doanh nghiệp nhỏ, các DN xuất khẩu không uy tín, không thương hiệu ngừng sản xuất hoặc giảm công suất chế biến vì không có thị trường đầu ra.

    Thực tế này đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch kinh doanh hạt điều nguyên liệu của Lafooco, buộc Công ty từ quý IV/2011phải cố gắng tăng công suất để chuyển 8.000 tấn nguyên liệu mua để kinh doanh, sang sản xuất, xuất khẩu.

    Ngoài việc bị động với thị trường điều thế giới, Lafooco còn phải chịu thêm một rủi ro lớn khác khi giá bán nhân điều bình quân cuối tháng 6/2012 tiếp tục giảm rất mạnh, giảm 30% so với cùng kỳ và giảm 25% so với cuối quý IV/2011, mà nguyên nhân chủ yếu do kinh tế thế giới tiếp tục xấu đi, sức mua suy giảm, trong khi quốc gia cũng xuất khẩu điều là Ấn Độ sẵn sàng bán giá thấp để tiêu thụ hàng. Thuế nhập khẩu hàng biên mậu vào Trung Quốc tăng đột biến trong giai đoạn này, cũng tăng thêm áp lực chi phí cho Công ty.

     Đổi hướng

    Trước tình trạng kinh doanh khó khăn của môi trường kinh doanh chung, HĐQT LAF, với sự xuất hiện của nhiều nhân tố mới, đến từ các cổ đông lớn như SSI, đã quyết định đổi hướng, mở rộng thị trường, mặt hàng, đa dạng hóa sản phẩm.

    Theo đó, Công ty đã xuất khẩu hạt điều rang muối bằng thương hiệu Lafooco, trực tiếp vào các siêu thị Hoa KỳCanada, Hồng Kông, Trung Quốc và đang tiếp tục phát triển sang nhiều thị trường khác. Bên cạnh đó, mở rộng mảng xuất khẩu gạo chất lượng cao, đóng túi nhỏ vào siêu thị Canada… Bằng nhiều nỗ lực, số lượng nhân điều xuất khẩu của Lafooco 6 tháng đầu năm nay tăng 75,69% so cùng kỳ và Công ty luôn nằm trong Top 10 DN xuầt khẩu nhân điều Việt Nam.

    Đối diện với khoản lỗ lớn, trong khi HĐQT vừa có thêm các nhân sự mới, Chủ tịch Lafooco cảm nhận như thế nào về áp lực trong công tác điều hành? Ông chia sẻ, trước đây cổ đông của LAF chủ yếu là những nhà đầu tư nhỏ và vì thế, Công ty không tìm được người vào HĐQT để cùng tham gia điều hành. Trong vòng 2 năm nay, cơ cấu cổ đông có thay đổi mạnh, Lafooco hiện có các cổ đông lớn, nên thành viên HĐQT cũng có các nhân sự mới.

    “Còn quá sớm để  nói rằng, HĐQT mới sẽ thay đổi mô hình kinh doanh của Lafooco trong dài hạn như thế nào, nhưng tôi có thể tin chắc rằng, họ sẽ đề ra được chiến lược dài hạn tốt nhất. Trong 1-2 năm tới, Công ty sẽ hoàn thiện, phát triển tập trung sản xuất - kinh doanh 3 mặt hàng chính, đó là  hạt điều, thủy sản và gạo, đồng thời sẽ phát triển hoạt động hợp tác đầu tư, dịch vụ cho thuê kho bãi”, ông Chiểu nói.


    Xin lỗi cổ đông


    Năm 2007, LAF là cổ phiếu của một DN quy mô nhỏ, nhưng trong nhóm tốt nhất trên TTCK ViệtNam, vì hiệu quả kinh doanh cao và ổn định, do ngành nghề đặc thù. Theo nhận định này, tôi cũng đã mua một số cổ phiếu LAF, với hy vọng LAF sẽ sinh ra những phần thưởng mới hàng năm (cổ tức) và là tài sản đáng tích lũy trong dài hạn. Từ đó đến nay, khoản đầu tư vào LAF của tôi vẫn cứ “bình yên” nằm trong tài khoản, dù Công ty phải trải qua nhiều bối cảnh kinh doanh khác nhau, mà 6 tháng đầu năm nay có lẽ là khó khăn nhất, khi phải ghi nhận khoản lỗ lên đến 125 tỷ đồng.

    Khi biết tôi cũng là một cổ đông, dù rất nhỏ của Lafooco, ông chia sẻ, thua lỗ vừa rồi là một “tai nạn”, ngoài sức tưởng tượng của Ban điều hành. “Tôi là người đứng đầu Công ty, tôi xin nhận trách nhiệm về thất bại vừa qua và thành thật xin lỗi cổ đông Lafooco. Không cách nào khác, từ nay đến cuối năm, tôi sẽ tập trung toàn tâm, toàn lực cùng với HĐQT, Ban lãnh đạo để khắc phục hậu quả và tiến lên”, ông nói.

    Phân tích rõ hơn khoản lỗ 125 tỷ đồng, ông cho biết, lỗ thật phát sinh trong kỳ là 57,2 tỷ đồng, còn 67,802 tỷ đồng là trích dự phòng giảm giá cho hàng tồn kho theo chế độ tài chính hiện hành, khi hàng tồn kho giá cao hơn giá tại thời điểm báo cáo (31/6/2012). Nếu thị trường giá nhân điều sau thời điểm báo cáo đảo chiều tăng, thì Công ty khi sản xuất - kinh doanh hết hàng tồn kho sẽ tính lãi (lỗ) thực tế và được hoàn nhập trở lại số dự phòng. Theo ông Chiểu, thông thường, những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ nhân điều sẽ tăng, nên giá cũng tăng, nếu diễn biến ngược lại là bất thường. Ông hy vọng, thời gian tới sẽ tốt hơn cho ngành điều Việt Nam, cũng như với Lafooco mà ông đang chèo lái. 

           

    Quỹ Tầm nhìn SSI bán LAF vì sao?

    Sau khi SSI mua lượng lớn cổ phiếu Lafooco (sở hữu trên 20%) để chuyển Lafooco thành công ty liên kết, gần đây, nhiều nhà đầu tư nghi ngờ khi Quỹ Tầm nhìn SSI (SSIVF) đăng ký bán toàn bộ số cổ phiếu LAF mà Quỹ sở hữu (883.000 cổ phiếu).

    Theo tìm hiểu của ĐTCK, việc SSIVF bán cổ phiếu LAF là do tháng 11 tới, SSIVF hết thời hạn hoạt động, nên bắt buộc phải thoái dần danh mục đầu tư. Hoạt động thoái vốn của SSIVF không làm giảm (mà có thể sẽ tăng) sở hữu của SSI tại Lafooco (vì SSI chỉ nắm 38% tại SSIVF). Trao đổi với ĐTCK, SSI khẳng định, khi đã tìm hiểu và chọn Lafooco làm công ty liên kết là chắc chắn đi cùng Công ty trong dài hạn. Hiện SSI có 3 thành viên trong HĐQT Lafooco.

Theo Phạm Oanh
ĐTCK
ĐTCK

thunm

Trở lên trên