MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lỗ hổng trong xác định Doanh nghiệp đầu tư mở rộng

13-12-2014 - 10:44 AM | Doanh nghiệp

Nhóm Công tác Thuế - Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam đã chỉ ra khó khăn của cơ quan Thuế trong việc xác định doanh nghiệp (DN) có thực sự rót thêm tiền đầu tư vào dự án đang hoạt động hay không.

Theo hướng dẫn tại Luật thuế Thu nhập DN và Luật Đầu tư, dự án đầu tư mở rộng là dự án đầu tư phát triển dự án đầu tư đang thực hiện nhằm mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng lực kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường.

Trên thực tế, trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, DN phải đầu tư thường xuyên vào tài sản cố định nhằm thay thế, bổ sung tài sản duy trì hoạt động sản xuất bằng chính dòng tiền tạo ra trong nội bộ DN từ nguồn khấu hao hoặc lợi nhuận để lại mà không rót thêm bất kỳ đồng vốn nào từ bên ngoài cả dưới hình thức vay hoặc tăng vốn pháp định.

Tuy nhiên, việc thiếu hướng dẫn rõ ràng về xác định thời điểm DN bắt đầu có đầu tư mở rộng dẫn đến thực tế như: Cơ quan Thuế không dễ dàng xem xét DN có thực sự rót thêm tiền đầu tư vào dự án đang hoạt động hay không. Các doanh nghiệp FDI khi xin cấp phép thành lập hoặc cấp phép dự án đều phải đăng ký tổng vốn đầu tư. Đây được coi là thước đo quy mô đầu tư của DN. Tổng vốn đầu tư bao gồm vốn điều lệ và vốn vay trung dài hạn cho mục đích mua sắm tài sản cố định và không bao gồm vốn lưu động. Vì vậy, chỉ tiêu gần nhất trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp phản ánh mức độ triển khai vốn đầu tư là giá trị tài sản cố định sau khấu hao lũy kế so với số vốn đầu tư đã đăng ký. Nếu con số này thấp hơn số vốn đã đăng ký trên giấy phép thì không thể nói DN có đầu tư mở rộng.

“Tuy nhiên, rất nhiều cơ quan Thuế đang tính mọi tài sản mua mới từ 2009 là đầu tư mở rộng, hoặc so sánh tổng nguyên giá tài sản cố định với số vốn đã đăng ký cho dự án trên giấy chứng nhận đầu tư nếu vượt thì cho là đã có đầu tư mở rộng”- Nhóm công tác thuế chỉ ra.

Mặt khác,có cơ quan Thuế bỏ qua việc xem xét đến nguyên nhân và mục đích của việc tăng tài sản và đang đánh đồng giữa việc đầu tư mở rộng với đầu tư bổ sung, thay thế tài sản để duy trì hoạt động sản xuất, theo đó có quan điểm cho rằng nếu DN có tăng tài sản nghĩa là DN đã đầu tư mở rộng.

Từ đó dẫn tới những bất cập như: Việc đầu tư thường xuyên vào tài sản cố định nhằm thay thế, bổ sung tài sản duy trì hoạt động sản xuất là việc làm tất yếu của bất kỳ DN nào. Nguồn vốn để đầu tư thường xuyên (thay thế tài sản hoặc mua sắm các tài sản văn phòng, phục vụ công tác quản lý hoặc cải thiện điều kiện làm việc của nhân viên) có thể sử dụng từ nguồn khấu hao tài sản hoặc nguồn lợi nhuận mà không cần phải tăng vốn đầu tư. Do đó không thể đánh đồng việc đầu tư thường xuyên với đầu tư mở rộng và càng không thể xác định doanh nghiệp có đầu tư mở rộng chỉ dựa vào chỉ tiêu về tăng tài sản cố định.

Nhóm công tác thuế đề xuất với Chính phủ, Bộ Tài chính, nhà đầu tư nước ngoài khi được cấp phép đầu tư tại Việt Nam cam kết quy mô đầu tư thông qua tổng vốn đầu tư đăng ký. Vì đây là chỉ tiêu quan trọng khi Chính phủ xem xét mức độ và cơ chế ưu tiên cho các dự án.Do vậy, để có sự nhất quán giữa Luật Đầu tư và Luật thuế,Chính phủ và Bộ Tài chính đưa ra căn cứ rõ ràng về tiêu chí xét mở rộng cho giai đoạn trước 2014 phải dựa trên nguồn vốn đầu tư bao gồm vốn điều lệ và vốn vay rót vào DN được phản ánh thực tế qua số liệu giá trị tài sản cố định sau khấu hao trên báo cáo tài chính của DN.

Nếu DN sử dụng dòng tiền tạo ra từ nội bộ DN như quỹ khấu hao để mua sắm tài sản thì chưa nên coi doanh nghiệp đã tiến hành đầu tư mở rộng. Đối với trường hợp DN đã triển khai hết số vốn đầu tư đăng ký nhưng sử dụng lợi nhuận để lại để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động sản xuất, DN không tăng vốn, không tăng công suất, không tăng quy mô thì việc tăng tài sản đó cũng không nên coi là đầu tư mở rộng và được áp dụng chính sách thuế tương ứng trong từng thời kỳ.

Theo quy định hiện nay về ưu đãi thuế thu nhập DN (TNDN) đối với dự án đầu tư mở rộng: Trường hợp DN đang hoạt động trong các khu công nghiệp nằm ngoài địa bàn được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định của pháp luật trước năm 2014, từ ngày 1-1-2014 có thực hiện mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ sản xuất nếu đáp ứng một trong ba tiêu chí xác định dự án đầu tư mở rộng quy định tại Nghị định số 218/2013/NĐ-CP và đáp ứng điều kiện đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 218/2013/NĐ-CP (bao gồm cả điều kiện khu công nghiệp nơiDN đầu tư thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội không thuận lợi) thì thu nhập từ dự án đầu tư mở rộng của Công ty được lựa chọn hưởng ưu đãi thuế TNDN theo dự án đang hoạt động cho thời gian còn lại (nếu có) hoặc hưởng ưu đãi thuế TNDN theo diện đầu tư mở rộng.


Theo Thu Hằng

thunm

Báo Hải quan

Trở lên trên