MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loan tin có lãi rồi bất ngờ báo lỗ, những doanh nghiệp này đã cho nhà đầu tư nếm mùi cay đắng

06-08-2016 - 08:14 AM | Doanh nghiệp

"Quả ngọt" lợi nhuận chưa kịp thưởng thức, nhà đầu tư và cổ đông đã phải ngậm "trái đắng" với các con số lợi nhuận quý 2 khác xa quá đỗi với con số công bố trước đó của doanh nghiệp.

Không phải vô cớ mà trên TTCK các thông tin liên quan đến doanh nghiệp niêm yết – sở hữu những cổ phiếu mà nhà đầu tư đặt niềm tin lại trở thành những thông tin luôn được tìm kiếm trong đó thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh đặc biệt quan trọng. Để có thông tin về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể không cần phải chờ đến khi ra báo cáo mà trước đó doanh nghiệp có những công bố sơ bộ, ước tính thậm chí tổ chức cả hội nghị tổng kết.

Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng điều này để sớm công bố các báo cáo tài chính của mình, nhiều khi chỉ cần hé lộ một con số lợi nhuận cũng đủ làm cho thị trường trở nên sôi nổi, cổ phiếu của doanh nghiệp được săn đón. Con số đó có thể lãi hoặc lỗ nhưng quan trọng hơn cả là phải chính xác.

Tuy nhiên, trong mùa báo cáo tài chính quý 2 năm nay, nhiều nhà đầu tư đã phải "ngã ngửa" vì sự lệch lạc quá đỗi giữa con số ước tính và con số trong BCTC của doanh nghiệp. Với những trường hợp đó, chính doanh nghiệp cũng đã tự tạo ra một lý lịch xấu cho mình.

Từ những trường hợp "lãi thành lỗ"...

Đầu tiên phải kể đến trường hợp của CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình (mã CK: QBS). Trên website của QBS, ngày 26/07, doanh nghiệp này đưa ra thông tin “doanh thu phân bón hóa chất quý 2 ổn định, QBS khẳng định vị thế đầu ngành” với nội dung quan trọng là ước tính doanh thu quý 2 đạt trên 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 28 tỷ đồng. Sau đó đến ngày 29/07, QBS có thư gửi đến cổ đông và tiếp tục tái khẳng định công ty sẽ đạt lợi nhuận khoảng 28 tỷ đồng trong quý 2/2016, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, ngay sau đó vào ngày 30/07, QBS chính thức công bố BCTC hợp nhất quý 2/2016 với mức lỗ hơn 22 tỷ đồng.

Đáng chú ý là nhờ thông tin lãi tích cực này mà trong thời gian từ 26-29/07 - thời điểm mà QBS đưa ra thông tin quý 2 lãi khoảng 28 tỷ đồng - thì khối lượng giao dịch của QBS trên sàn cũng tăng đột biến trên 2,4 triệu đơn vị/phiên, tăng đáng kể so với các phiên giao dịch trước đó.


Diễn biến KLGD cổ phiếu QBS từ 25/7 đến 29/7

Diễn biến KLGD cổ phiếu QBS từ 25/7 đến 29/7

Còn từ ngày 1/8 đến nay, QBS liên tục giảm sàn và giá cổ phiếu chỉ còn 6.000 đồng.

Trong văn bản giải trình với Sở Giao dịch chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh, lãnh đạo QBS cho biết, theo thông tin đã đăng, ước tính lợi nhuận 28 tỷ đồng của riêng công ty là con số trước khi trích lập dự phòng vì tại thời điểm đó, QBS chưa có số liệu cụ thể cho việc trích lập.

Ngày 30/07, sau khi có số liệu cụ thể, QBS đã công bố báo cáo tài chính với kết quả kinh doanh bị lỗ 14,8 tỷ đồng. Nguyên nhân là do CTCP DAP Vinachem, đơn vị mà QBS đang nắm giữ gần 20% vốn, có kết quả hoạt động kinh doanh lỗ 174,8 tỷ đồng. QBS do đó phải thực hiện trích lập dự phòng 43 tỷ đồng.

Doanh nghiệp này khẳng định: "Các số liệu công bố của QBS là hoàn toàn minh bạch, chúng tôi khẳng định QBS không tiếp tay cho bất kỳ tồ chức, cồ đông nào để ảnh hưởng đến giá cố phiếu, gây tổn thất cho các cồ đông." Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Chủ tịch HĐQT QBS cũng cho biết công ty rất lấy làm tiếc vì thông tin đưa ngày 26/07 và ngày 29/07 đã gây ra hiểu lầm không đáng có cho nhà đầu tư và cổ đông.

Chia sẻ với chúng tôi, rất nhiều nhà đầu tư bức xúc vì cách công bố thông tin này. Theo các nhà đầu tư, không thể nào công bố kết quả lợi nhuận ước tính trước khi trích lập dự phòng mà không "nỡ" nói một dòng về khoản trích lập đó. "Hiểu lầm" này không chỉ là một sự "Đáng tiếc" nữa mà là khoản thiệt hại tiền tươi thóc thật của nhà đầu tư.

Một doanh nghiệp khác thay vì công bố bằng văn bản đã lựa chọn cách công bố thông tin rất cẩn thận, khi tổ chức hẳn một hội nghị tổng kết là Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã CK: DIG), hội nghị của DIG có sự có mặt của Thứ trưởng Bộ Xây dựng cùng một số Lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng; Ban Lãnh đạo Tổng Công ty, Lãnh đạo các Công ty thành viên DIC Group và các cơ quan báo đài địa phương.

Theo đó, tại hội nghị tổng kết công tác 6 tháng đầu năm 2016 diễn ra vào ngày 18/7, DIG công bố mức doanh thu 2.194 tỷ đồng và LNTT đạt 47,5 tỷ đồng tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm 2015.

Tuy nhiên chỉ sau đó nửa tháng tại BCTC quý 2 hợp nhất, 6 tháng đầu năm 2016, DIG chỉ ghi nhận doanh thu thuần 473,3 tỷ đồng, LNST công ty mẹ âm 3,85 tỷ đồng và riêng quý 2, DIG lỗ ròng 13,5 tỷ đồng. Cổ phiếu DIG đã giảm sàn trong ngày 5/8.

... Đến những khoản lỗ nghìn tỷ như từ trên trời rơi xuống

Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã CK: TTF) là scandal lớn nhất những ngày vừa qua. Không giống như 2 doanh nghiệp trên, khi loan tin báo lãi và bất ngờ báo lỗ, nhưng TTF đang là một ngôi sao đang lên với kỳ vọng rất nhiều về kết quả tái cơ cấu và sự tham gia của cổ đông lớn.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã giáng một đòn choáng váng vào các cổ đông của doanh nghiệp với khoản lỗ bất ngờ lên đến cả nghìn tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến kết quả này mới là điều khiến cho cổ đông bức xúc.

Bên cạnh việc chưa trích lập dự phòng đối với khoản phải thu khó đòi thì việc kiểm kê phát hiện thiếu tới gần 980 tỷ đồng hàng tồn kho trong giá vốn hàng bán đã khiến cho giá vốn trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng vọt lên mức 1.690 tỷ đồng – cao gấp đôi doanh thu.

Do đó, TTF lỗ gộp tới 807 tỷ đồng và lỗ ròng 1.073 tỷ đồng, khoản lỗ này cũng đã thổi bay ¾ vốn chủ sở hữu của Trường Thành. Cổ phiếu TTF đã giảm sàn phiên thứ 14 và hiện chỉ còn 16.100 đồng.


Diễn biến giao dịch cổ phiếu TTF trong tuần qua

Diễn biến giao dịch cổ phiếu TTF trong tuần qua

Trường hợp TTF cũng dấy lên nghi ngại là các dư chấn trong mùa báo cáo tài chính quý 2 năm nay sẽ vẫn còn khi thời điểm các doanh nghiệp công bố BCTC soát xét 6 tháng đầu năm 2016 đang đến.

Thanh Tú

HNX&HSX

Trở lên trên