MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mía đường ở Lào đi vào hoạt động, HAG phơi phới kỳ vọng?

21-01-2013 - 10:09 AM | Doanh nghiệp

Nhà máy mía đường của HAGL đi vào hoạt động đem lại không ít kỳ vọng cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, vẫn còn bài toán quota và bài toán thị trường mà công ty cần giải đáp.

Hồ hởi báo tin

Những ngày đầu tháng 1, Hoàng Anh Gia Lai (HAG) hồ hởi báo tin nhà máy mía đường, nhiệt điện ở Lào đi vào hoạt động.

Sau gần 14 tháng khẩn trương xây dựng, Cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh Attapeu đã hoàn thành và chính thức đưa vào hoạt động 2 hạng mục: nhà máy mía đường 7.000 tấn mía/ngày và Trung tâm nhiệt điện 30 MW vào những ngày cuối tuần trước.

Sẽ có thêm hơn 980 tỷ đồng doanh thu từ đường năm 2013?

Bản phân tích thị trường cuối tuần của HSC nhận xét, nhà máy đi vào hoạt động muộn hơn kế hoạch ban đầu khoảng 1 tháng (kế hoạch ban đầu là vào tháng 12/2012). Nhà máy có công suất 7.000 tấn mía đường/ngày và nằm ngay trong khu trồng mía có diện tích 6.000 ha. TGĐ của CTCP Mía đường HAGL là ông Nguyễn Ngọc Ánh (trước đây là TGĐ của SEC). Theo HSC, công nghệ và quy trình sử dụng khá giống với các nhà máy mía đường Bourbon tại Việt Nam.

Trong bản nhận định của mình, HSC cũng cho biết: "còn quá sớm để nói về năng suất vụ trồng vì HAG vừa mới chỉ thu hoạch 1ha diện tích mẫu (140 tấn/ha). HAG dự kiến năng suất bình quân đạt 120 tấn/ha, cao hơn nhiều so với mức 65 tấn/ha ở Tây Ninh, Việt Nam.

Với giả định năng suất 120 tấn/ha thì sản lượng đường RS sản xuất sẽ khoảng 72.000 tấn/năm trong năm 2013. Với giá đường hiện tại tại Việt Nam là 14.000 đồng/kg, HSC ước tính doanh thu từ đường của HAG sẽ là 983 tỷ đồng trong năm 2013 NẾU công ty xin được hạn ngạch nhập khẩu đường về Việt Nam. HSC cũng cho biết, giá thành đường RS của HAG dự kiến 7.500 đồng/kg sau khi đã cộng cả chi phí vận chuyển 400-500 đồng từ Lào về TP.HCM và thuế nhập khẩu là 2,5%.

(Theo BCTC quý 4/2012 của SEC -Công ty Cổ phần Mía đường Nhiệt điện Gia Lai, giá bán đường bình quân quý 4 công ty bán ra là 13.857 đồng/kg (trước thuế)).

Lại nhớ, hồi tháng 4/2012, trong bản phân tích của mình, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng đề cập  yếu tố công nghệ sản xuất của HAG tạo ra đường RS. Đây là loại đường không còn thông dụng trong ngành công nghiệp chế biến. VCSC cũng nhận định sau giai đoạn thử nghiệm, HAG sẽ nâng cấp dây chuyền để sản xuất đường RE là loại đường chất lượng cao hơn và giá bán cũng tốt hơn.

Vẫn còn 2 bài toán cuối

Dù nhận định gì chăng nữa, việc nhà máy mía đường đi vào hoạt động khiến không ít người kỳ vọng vào HAGL. Tuy nhiên, vẫn còn 2 bài toán cuối công ty cần giải
Bài toán cuối nằm ở từ: Quota và thị trường.
 
Bài toán quota: Trả lời TBKTSG hồi tháng 11, Ông Đoàn Xuân Hòa, phó cục trưởng Cục chế biến thương mai nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển (NN&PTNT) cho biết, theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, năm 2013 hạn ngạch đường nhập khẩu là 74.000 tấn. Tuy vậy, do sản lượng đường sản xuất trong niên vụ mía đường 2012-2013 đáp ứng nhu cầu trong nước nên hiện vẫn chưa tính đến việc cấp hạn ngạch nhập khẩu đường.

Ông cho biết thêm, phải đến tháng 8-2013, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương sẽ căn cứ trên tình hình cung cầu trong nước rồi từ đó mới tính đến việc cho doanh nghiệp nhập khẩu đường theo hạn ngạch đã cam kết hay không.

Đây là những thông tin trao đổi với báo chí, tuy nhiên, có thể thấy một điều rõ ràng: Quota nhập khẩu đường, theo định hướng của các cơ quan chức năng, là thận trọng bởi lẽ sản xuất đường trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu.

Bài toán thị trường đường: Theo những thông tin trên, thị trường đường của Việt Nam đã dư cung khá nhiều. Như vậy, bài toán tìm đầu ra cho đường sẽ là bài toán khó HAG phải giải.

Hải An

thanhhuong

Trở lên trên