MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

MPC: Lợi nhuận dương thành âm

01-04-2009 - 21:49 PM | Doanh nghiệp

Sau kiểm toán lợi nhuận của CTCP Thủy hải sản Minh Phú (mã CK: MPC) bị giảm hơn 43 tỷ đồng, kéo lợi nhuận năm 2008 của công ty âm 31,8 tỷ đồng.

Trước khi có báo cáo kiểm toán, MPC cho biết, doanh thu quý IV của Minh Phú đạt 921 tỷ đồng, giảm 82 tỷ đồng so với quý trước. Lũy kế cả năm, doanh thu của công ty đạt 2.890 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế của công ty quý IV đạt 35,1 tỷ đồng, lũy kế cả năm đạt 11,8 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trong quý IV đạt 29,82 tỷ đồng và lũy kế cả năm đạt 152 triệu đồng, tương ứng với EPS đạt 2 đồng.

Tuy nhiên, theo kết quả kiểm toán của công ty TNHH Ernst&Young Việt Nam thì lợi nhuận trước thuế của MPC giảm 43.632.792 ngàn đồng, theo đó lợi nhuận trước thuế của MPC sẽ là - 31,8 tỷ đồng.

Theo giải trình từ phía MPC, nguyên nhân có sự chênh lệch này là do:

- Trích bổ sung dự phòng giảm giá chứng khoán: Do phương pháp tính giá trị các khoản đầu tư tài chính của công ty cho các cổ phiếu chưa niêm yết công ty tính theo giá trị sổ sách thực tế đầu tư, vì các cổ phiếu này không có giá trị trường hoặc có giá nhưng không đảm bảo độ tin cậy.

Trong khi đó công ty kiểm toán Ernst&Young thì tính theo phương pháp dựa trên giá tham chiếu của công ty chứng khoán, hoặc theo giá cổ phiếu của các công y cùng ngành nghề, hoặc lấy giá tại thời điểm công ty kiểm toán đang tiến hành kiểm toán tại công ty, khi cổ phiếu của công ty đó đã được niêm yết sau ngày 31/12/2008.

- Trích dự phòng giảm giá hàng tồn kho: Do công ty kiểm toán thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2008 của công ty vào cuối tháng 02/2009 nên họ đã soát xét giá bán hàng tồn kho của công ty sau niên độ để căn cứ tính dự phòng giảm giá hàng tồn kho vào cuối năm tài chính 2008.

Trong khi đó ngày công ty lập báo cáo quý IV/2008 chưa xảy ra phát sinh đó, nên công ty không có giá hàng bán hàng tồn kho tại ngày lập báo cáo để dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Trong tổng chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho bao gồm một số hàng tồn kho chậm luân chuyển.

- Do phương pháp hợp nhất của công ty với công ty kiểm toán đối với cơ sở kinh doanh ở nước ngoài (công ty Mseafood) có sự khác biệt.

Khi công ty hợp nhất cơ sở kinh doanh ở nước ngoài, công ty đã hợp nhất kết quả kinh doanh nguyên năm tài chính 2008, nhưng công ty kiểm toán họ căn cứ vào ngày công ty thực sự sở hữu cơ sở kinh doanh ở nước ngoài là 01/06/2008. Vì vậy họ chỉ hợp nhất kết quả kinh doanh của cơ sở kinh doanh ở nước ngoài là công ty Mseafood từ ngày 01/06/2008 đến ngày 31/12/2008.

Như vậy, với kết quả kinh doanh sau khi kiểm toán phát sinh âm, ngày 01/04/2009, SGDCK Tp.HCM đã có thông báo đưa cổ phiếu MPC vào diện bị kiểm toán, nâng tổng số mã bị kiểm soát trên Hose lên 17 mã.

Trước đó, một loạt các doanh nghiệp cũng đã có kết quả kiểm toán "vênh" với kết quả trước khi có kiểm toán như tập đoàn ngân hàng Sacombank sau khi có kiểm toán thì lợi nhuận sụt còn gần 1.110 tỉ đồng, chênh lệch nhau 133 tỉ đồng.

Lợi nhuận trước thuế năm 2008 của công ty cổ phần XNK Khánh Hội (KHA) cũng giảm từ 56,96 tỉ còn 50,65 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế từ 46 tỉ còn 38,4 tỉ đồng. Kế tiếp là công ty cổ phần XNK Petrolimex (PIT) vừa bổ sung dự phòng các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn thêm 3,57 tỉ đồng…

Công ty XNK thuỷ sản Bến Tre (ABT) lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán chênh lệch 18,9 tỉ đồng. Còn công ty cổ phần hàng hải Sài Gòn (SHC) thì không đồng ý trích lập 1,13 tỉ đồng cho khoản đầu tư vào chứng khoán Âu Việt theo quyết định của công ty kiểm toán AC&C.

Rõ ràng, thông tin về kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết rất “vênh” nhau giữa các quý, giữa báo cáo của doanh nghiệp và các kết quả kiểm toán hiện đang là vấn đề “nóng” của TTCK thời điểm hiện nay.

Thanh Tú

thanhtu

Trở lên trên