MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Muốn hay không, Thế giới vẫn kéo đến "sân" nhà bạn chơi, phải tham gia sân chơi cùng với họ"

19-02-2015 - 00:00 AM | Doanh nghiệp

"Chúng ta không phải đi ra ngoài mới là hội nhập mà thế giới đã đến tận nơi để hội nhập với chúng ta. Và chúng ta không còn con đường nào khác là phải tham gia sân chơi chung với họ".

“Cho dù doanh nghiệp Việt có muốn hay không thì thế giới vẫn kéo đến sân nhà bạn chơi, bạn chỉ có lựa chọn, hoặc chạy ra chơi cùng, hoặc trốn vào xó nhà và trở thành đứa bé tự kỷ”. – Tiến sĩ Trần Phương Lan, Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh FSB – Đại học FPT, trao đổi với chúng tôi.

Bà có nghĩ rằng, năm 2015 là một thời điểm rất đặc biệt với các doanh nghiệp Việt Nam?

Nếu như thời điểm Việt Nam gia nhập WTO được coi là một làn sóng mở cửa biên giới thì năm 2015 thực sự là một làn sóng hội nhập toàn cầu sâu rộng.

Sự kiện lớn đầu tiên là Việt Nam chính thức tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay cùng 9 quốc gia trong khu vực, tạo nên một khu vực kinh tế lớn, với quy mô hơn 600 triệu người.

Thứ 2, Việt Nam đang trong những nỗ lực kết thúc đàm phán hiệp định Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Đây là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất khu vực, gồm 12 nước, bao trùm gần 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu.

Thứ 3, trong tháng 1 vừa qua, vòng đàm phán cuối cùng về Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh châu Âu (EVFTA) đã kết thúc.

Với hàng loạt những hiệp định như vậy, có thể nói, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước một làn sóng hội nhập rất sâu và sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến cấu trúc nền kinh tế Việt nam.

Có nghĩa là doanh nghiệp Việt đang có rất nhiều cơ hội mới trong làn sóng hội nhập này, thưa bà?

Cơ hội đang đến với những người có tư duy và sẵn sàng cho việc hội nhập. Với những Hiệp định thương mại này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ không chỉ có thị trường Việt Nam, nguồn nhân lực Việt Nam, mà đó là cả thị trường thế giới, rộng lớn và mênh mông. Nếu chỉ tính riêng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thì 10 quốc gia đã tạo nên một khu vực kinh tế lớn gấp gần 7 lần thị trường Việt Nam hiện nay.

Hiệp định TPP sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản của Việt Nam để mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu do thuế suất giảm sâu. Hiệp định Việt Nam - EU đang được đánh giá là có thể giúp Việt Nam tăng GDP thêm từ 10-15% và giúp xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng từ 30-40%, nhập khẩu vào Việt Nam tăng từ 20-25%.

Đó là câu chuyện với những doanh nghiệp sẵn sàng tham gia hội nhập, còn với những doanh nghiệp không muốn hội nhập thì sao, thưa bà?

Một sáng đi làm, tôi giật mình khi thấy trong thang máy chỉ có duy nhất tôi là người Việt Nam. Bao quanh tôi toàn người Hàn, họ nói cười thoải mái như đang ngồi trong nhà họ, khiến tôi phải bấu vào tay mình tự hỏi “Mình đang ở Hà Nội hay Hàn quốc?”. Những câu chuyện tương tự đang trở thành một sự thật hiển nhiên diễn ra xung quanh chúng ta.

Như vậy, chúng ta không phải đi ra ngoài mới là hội nhập mà thế giới đã đến tận nơi để hội nhập với chúng ta. Và chúng ta không còn con đường nào khác là phải tham gia sân chơi chung với họ. Các doanh nghiệp giờ đây chỉ có 2 con đường, hoặc là trở thành cá kình cưỡi sóng ra khơi hoặc bị sóng ập đến và nhấn chìm….

Theo bà, các doanh nghiệp mong muốn trở thành cá kình cưỡi sóng thì phải có những hành động gì?

Đầu tiên là các doanh nhận cần nhìn nhận hội nhập như một cơ hội chứ không chỉ có thách thức. Rất nhiều doanh nhân đang tham gia học tại FSB là các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi được hỏi về hội nhập, câu trả lời của họ đã làm tôi thực sự lo lắng. Họ không thực sự quan tâm xem sẽ có cơ hội gì và thách thức gì để chuẩn bị cho việc nắm bắt thời cơ hoặc tìm cách hoá giải các thách thức.

Thứ 2 là các doanh nhân cần có tư duy toàn cầu về thị trường và nguồn nhân lực. Trong năm 2014 tôi đã mất 3 nhân viên chuyển sang Philipines làm việc cho một công ty chuyên về Casino, và nhiệm vụ của họ là làm marketing cho khách hàng Việt nam hoặc khách nói tiếng Việt. Vậy sao doanh nghiệp Việt Nam lại không có tư duy toàn cầu trong việc tuyển dụng và bán hàng?

Thứ 3 là cần nghiên cứu cả chuỗi giá trị và đánh giá xem chúng ta ở đâu trong chuỗi giá trị đó và sẵn sàng cho việc trở thành đối tác liên kết kinh doanh với các doanh nghiệp nước ngoài. Mỗi nước sẽ có những lợi thế so sánh khác nhau vì khi liên kết sẽ tạo ra được sự hợp lực giúp cho doanh nghiệp phát triển nhanh hơn. Tuy nhiên tôi cũng phải cảnh báo về nguy cơ bị thôn tính trong những cuộc “kết hôn” như vậy.

Đứng trên cương vị một đơn vị đào tạo, Viện Quản trị Kinh doanh FSB có thể giúp gì cho các doanh nhân Việt vươn ra biển lớn?

Chúng tôi sẽ đồng hành với doanh nghiệp trong cả 3 vấn đề trên bằng cách chỉ ra những khó khăn, thuận lợi trong các ngành khi tham gia hội nhập; Trang bị tư duy, kiến thức, kỹ năng toàn cầu hóa cho các doanh nghiệp; Chia sẻ những bài học thành công, thất bại của chính FPT quá trình toàn cầu hóa.

Minh Anh thực hiện

Thanh Hương

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên