Liên quan đến năng lực tài chính là năng lực sử dụng vốn.
Báo cáo thường niên DN 2010 cho thấy một biểu đồ xu hướng đi xuống của tất cả
các ngành, tính từ năm 2008 đến nay.
Năm 2010, chủ đề tái cơ cấu nền kinh tế được bàn thảo sôi nổi
nhất ở mọi diễn đàn và đã được đưa vào chiến lược trọng tâm của kế hoạch năm
2011-2020. Bởi thế năm này, báo báo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2010, do
VCCI công bố, đã chọn vấn đề tái cấu trúc DN là chủ đề chính để phân tích.
DN "nằm im" không có nghĩa là phá sản
Nhìn bức tranh toàn cảnh của DN Việt Nam qua các con số
thành lập và hoạt động, biểu đồ trong báo cáo đã thể hiện rằng, liên tục trong
5 năm qua, số DN đang hoạt động thường
chỉ bằng một nửa so với số doanh nghiệp đã đăng ký.
Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Phát triển doanh
nghiệp Việt Nam, trưởng nhóm nghiên cứu báo cáo, cho biết, trải qua năm 2010 đầy
khó khăn, cả nước vẫn có trên trên 80.000 DN đăng ký thành lập mới, đưa tổng số
DN cả nước là 540.000 DN, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra là 500.000 DN.
Sau khủng hoảng 2008-2009, tính đến hết 31/12/2009, tổng số
DN thành lập theo danh nghĩa là 455.207 doanh nghiệp nhưng số DN đang hoạt động
lại chỉ là 248.757 DN.
Tuy nhiên, TS Phạm Thị Thu Hằng bày tỏ: "Đây có thể là
số DN sống sót được thống kê chính thức, nhưng không có nghĩa rằng, số các DN
không hoạt động kia là phá sản. Vì lẽ đó, đừng hoảng hốt với con số này. Cũng
có thể, DN đó đến nay đã khởi động lại hoạt động kinh doanh của mình".
Nhìn lại 4 năm trước đó, tỷ lệ này 50:50 lại khá là phổ biến.
Doanh nghiệp đang hoạt động thường bằng một nửa doanh nghiệp đăng ký. Ví dụ như
năm 2007, với số DN đăng ký thành lập là 370.676 DN thì số DN đang hoạt động chỉ
có 155.771 DN. Tương tự, năm 2006, chỉ có 131.318 DN đang hoạt động trên tổng số
246.451 DN đăng ký, con số này ở năm 2005 lần lượt là 112.950 DN so với 199.788
DN được thành lập.
Năng lực sử dụng vốn đi xuống
Phần quan trọng nhất của báo cáo thường niên này là đánh giá
về năng lực doanh nghiệp. Trên 7 lĩnh vực nghiên cứu, năng lực sử dụng vốn của
tất cả các ngành đều có xu hướng giảm đi, còn năng lực công nghệ nhìn chung là
kém.
Việt Nam có 12 tập đoàn kinh tế nhà nước hoạt động trong 11
ngành kinh tế được chia 4 nhóm có mức độ tích tụ doanh thu khác nhau. Ngành
nhóm có độ tích tụ doanh thu cao nhất là khai thác dầu khí, than và viễn thông,
nhóm ngành có độ tích tụ cao ở mức thứ 2 là bảo hiểm, bưu chính và sản xuất điện,
nước, khí đốt.
Nhóm có độ tích tụ doanh thu trung bình là vận tải đường thủy
và sản xuất hóa chất. Thấp nhất về độ tích tụ doanh thu này là nhóm sản xuất
trang phục, sản phẩm từ cao su và plastic và xây dựng.
Thị phần của 20 DN đầu 4 ngành này lại chiếm một tỷ trọng rất
thấp.
Với nhóm ngành có độ tích cụ kém là sản xuất trang phục, sản
xuất từ cao su hay xây dựng, năng lực sử dụng lao động có hiệu quả rất thấp
nghĩa là, đây chính là những ngành có độ thâm dụng lao động lớn.
Năng lực tài chính được thể hiện qua chỉ số bao phủ lãi vay
trong các ngành, có ý nghĩa mức độ lãi trước thuế có thể chi trả cho lãi vay
hay không? Báo cáo cho thấy, nhóm các DN ngành vận tải đường thủy có chỉ số này
thấp nhất. Do đó, đây là nhóm bị báo động về khả năng thanh toán lãi suất các
khỏan vay và cả những khó khăn khi tìm kiếm nguồn vốn vay trong tương lai.
Ngược lại, nhóm Viễn thông, bảo hiểm và sản xuất phân phối
điện lại cho chỉ số này cao, đồng nghĩa việc vay vốn cũng dễ dàng hơn!
Liên quan đến năng lực tài chính là năng lực sử dụng vốn,
Báo cáo thường niên DN 2010 cho thấy một biểu đồ xu hướng đi xuống của tất cả
các ngành, tính từ năm 2008 đến nay. Trong đó, năng lực sử dụng vốn của viễn
thông, sản xuất và phân phối điện là yếu hơn cả.
Về năng lực sinh lợi, một vấn đề đáng lưu ý là DN FDI được
đánh giá có khả năng năng sinh lợi rất cao nhưng số lượng DN báo lỗ lại rất lớn.
Nghịch lý này cho thấy vấn đề thu hút FDI quá tập trung vào ngành chế biến, phải
nhập khẩu nhiều nguyên liệu và đồng thời, cũng có thể là hiện tượng chuyển giá
đã báo động nhiều lần.
Với năng lực công nghệ, báo cáo cho biết, ngoài ngành vận tải
đường thủy và viễn thông thì ở các ngành còn lại, tỷ lệ cán bộ khoa học công nghệ
lại thấp. Không những thế, xu hướng năng lực công nghệ cũng giảm. Chi phí cho
khoc học công nghệ trên tổng vốn đầu tư đều dưới 10%, là mức khiêm tốn. Tuy
nhiên, báo cáo ghi nhận có sự thay đổi tích cực ở nhóm xây dựng và sản xuất điện,
khi chi phí cho đổi mới công nghệ trên tổng chi phí KHCN lại có sự gia tăng
trong năm 2009.
Báo cáo cũng khẳng định, mọi DN đều đã vượt qua được khó
khăn sau khủng hoảng. 55% DN cho rằng mình đã nỗ lực nhưng chỉ có 86% cảm thấy
hài lòng với sự nỗ lực của mình.
Trọng tâm tái cấu trúc DN sắp tới không phải là giảm giá
thành sản phẩm mà lại là nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất lao động, mở
rộng thị trường, tăng giá trị sản phẩm mới. Vấn đề đổi mới công nghệ và chuyển
giao công nghệ, trang thiết bị phải được quan tâm trong thời gian tới.
TS Phạm Thị Thu Hằng bày tỏ, tái cấu trúc DN vừa và lớn có
thể là quá trình dẫn tới sự hình thành các tập đoàn kinh tế. Tuy nhiên, trong
thời gian tới là Chính phủ cần rà soát đánh giá lại việc thí điểm các tập đoàn
kinh tế nhà nước, phải giải quyết được vướng mắc tách bạch vai trò của Nhà nước
là chủ sở hữu với vai trò quản lý. Đồng thời, chính sách cán bộ ở các tập đoàn
kinh tế nhà nước cần xem xét lại.
Với các tập đoàn kinh tế tư nhân, Chính phủ cần có một chính
sách riêng để thúc đẩy các tập đoàn này tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cụ thể hơn, đó có thể là các chính sách hỗ trợ về kinh doanh, thị trường.
Và trên hết, tái cấu trúc cần được coi là nhu cầu tự thân của
doanh nghiệp, dựa trên nền tảng chiến lược phát triển của chính DN đó và phù hợp
với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế quốc gia.
Theo Phạm Huyền
VEF