MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

NCT mất dần lợi thế

05-11-2015 - 13:16 PM | Doanh nghiệp

CTCP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (NCT) có nhiều lợi thế cả về kinh nghiệm lẫn thị phần trong một môi trường kinh doanh gần như độc quyền tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài. Thế nhưng, lợi thế này đang dần bị thu hẹp bởi sự xuất hiện của các doanh nghiệp có loại hình kinh doanh tương tự.

Chiếm thị phần chi phối

NTC là thành viên của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), được thành lập năm 2005. Đây là công ty có hoạt động lâu đời nhất tại Sân bay Quốc tế Nội Bài và mạng lưới khách hàng rộng lớn. Hoạt động kinh doanh của NCT bao gồm 4 mảng chính: phục vụ hàng hóa (49%), xử lý hàng hóa (33%), lưu kho (8%) và các hoạt động khác (10%).

Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài hiện có 3 hãng hàng không khai thác đường bay nội địa là Vietnam Airlines, Jetstar PacificVietjet Air.

90% doanh thu của NCT đến từ phục vụ hàng hóa quốc tế. Ảnh hưởng từ việc phải san sẻ thị phần với nhà ga mới của ALS từ quý IV-2015 và bắt đầu thực sự rõ rệt hơn kể từ năm 2016, sẽ khiến cho đà tăng trưởng của NCT chậm lại. Nhiều khả năng thị phần quốc tế của NCT sẽ giảm từ 80% xuống còn khoảng 67%.

Trong đó, NCT phục vụ hàng hóa cho 2 hãng Vietnam Airlines và Jetstar Pacific với sản lượng phục vụ hàng hóa ổn định ở mức khoảng 90.000 tấn/năm. Thị phần phục vụ hàng nội địa của NCT chiếm 80% toàn thị trường.

Tuy nhiên, sản lượng hàng hóa nội địa chỉ đóng góp doanh thu khiêm tốn 10% cho NCT, trong khi đóng góp chính đến từ mảng quốc tế. Năm 2014, NCT phục vụ 26/36 hãng hàng không quốc tế tại Sân bay Quốc tế Nội Bài với sản lượng phục vụ 257.000 tấn, chiếm 83% thị phần hàng hóa quốc tế tại Nội Bài. Trong đó, đáng chú ý nhất chính là hàng hóa vận chuyển đến từ SamsungMicrosoft, chiếm đến 36% sản lượng phục vụ quốc tế của NCT.

Chính nhờ lợi thế này NCT luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. BCTC quý III vừa được doanh nghiệp công bố cho thấy, sau 9 tháng hoạt động, doanh thu thuần đạt 599,3 tỷ đồng (tăng 22,6% và hoàn thành 82% kế hoạch năm), lợi nhuận ròng đạt 254 tỷ đồng (tăng 20,3% và hoàn thành 92,9% kế hoạch năm). Doanh thu và lợi nhuận tăng nhờ sự tăng trưởng của sản lượng hàng hóa vận chuyển.

Trong 9 tháng, NCT vận chuyển khoảng 279.905 tấn hàng (tăng 14,7% và đạt 82,1% kế hoạch năm). Hàng quốc tế chiếm 75,4% tổng sản lượng hàng hóa và đóng góp khoảng 95% doanh thu thuần. Trong năm 2015, NCT cũng tăng phí dịch vụ khoảng từ 5-7% so với năm 2014, dẫn đến sự tăng trưởng của doanh thu thuần và lợi nhuận.

Đối thủ cạnh tranh mới

Mặc dù hiện tại NCT vẫn chiếm lĩnh phần lớn thị phần phục vụ hàng hóa tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, nhưng với sự gia nhập ngành của CTCP Logistics Hàng không (ALS) kể từ năm 2015, sẽ phần nào là một trở ngại cho tốc độ tăng trưởng của NCT trong tương lai.

Được biết, công suất thiết kế tại nhà ga Nội Bài là 300.000 tấn/năm, được khai thác bởi NCT và Trung tâm Dịch vụ ga hàng hóa Nội Bài (ACS). Công suất phục vụ tại 2 nhà ga này trong năm 2014 đã đạt 400.000 tấn, vượt quá công suất thiết kế và không đáp ứng đủ nhu cầu hàng hóa không ngừng tăng tại sân bay.

Như vậy, Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài hiện có sự hiện diện của 3 doanh nghiệp tham gia phục vụ hàng hóa là: NCT, ACS và ALS. Sự xuất hiện của ALS là nỗi lo lớn nhất của NCT đến thời điểm hiện tại. Dự báo, kể từ quý IV, NCT có khả năng mất 15% thị phần quốc tế do ngừng phục vụ 2 hãng hàng không quốc tế Cathay Pacific Airways (CX) và Hongkong Dragon Air (KA).

Theo thông tin công bố của NCT, kể từ 3-10, NCT sẽ ngừng phục vụ cho 2 hãng hàng không CX và KA. 2 hãng hàng không quốc tế này đã chuyển hàng hóa sang phục vụ tại ga hàng hóa mới đi vào hoạt động từ tháng 9-2015 của ALS. Hiện tại, chỉ riêng hàng hóa của CX đã chiếm khoảng 15% thị phần hàng hóa qua Sân bay Quốc tế Nội Bài.

Đặc biệt, thị phần hàng hóa của Samsung cũng có thể bị san sẻ khi ALS đi vào hoạt động. Theo phân tích của CTCK Bảo Việt (BVSC), Samsung hiện chiếm khoảng 35-40% thị phần hàng hóa quốc tế vận chuyển qua Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài và khoảng 35% trong thị phần quốc tế của NCT. Do đó, Samsung có ảnh hưởng nhất định đến tăng trưởng kinh doanh của NCT.

Kể từ cuối năm 2014, Samsung đã được chấp thuận xây dựng một nhà ga riêng tại Nội Bài do ALS là chủ đầu tư và được kết nối thẳng đến kho hàng không tại Khu công nghiệp Yên Phong (Thái Nguyên). Cho đến nay, thông tin về việc Samsung đã xin được nhà ga riêng tại Nội Bài hay chưa chưa được xác định.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các đơn vị phục vụ hàng hóa như NCT ký hợp đồng phục vụ hàng hóa trực tiếp với các hãng hàng không chứ không phải với các đơn vị sản xuất kinh doanh. Mỗi hãng hàng không có thể nhận vận chuyển hàng hóa từ nhiều đơn vị kinh doanh khác nhau. Việc hãng hàng không CX từ chối phục vụ tại NCT kể từ tháng 10 là một dấu hiệu cho thấy thị phần của NCT đang mất dần về tay ALS.

Theo BVSC, những vấn đề NCT đang gặp phải chủ yếu xuất phát từ hạn chế về mặt bằng kho bãi và công suất khai thác thiết kế. Đối với doanh nghiệp ngành dịch vụ hàng không, yêu cầu lớn nhất là mặt bằng khai thác và hệ thống kho bãi.

Hiện nay, hầu hết mặt bằng và kho bãi của NCT đều đi thuê với chi phí cao, tại các địa điểm phân tán gây khó khăn cho việc tập trung xử lý hàng hóa. Một yếu tố nữa là công suất. Trải qua 10 năm hoạt động, NCT đã khai thác tối đa công suất mặt bằng kho bãi, thậm chí vượt công suất.

Trong tương lai gần, khá khó để NCT mở rộng thêm quy mô hoạt động khi phụ thuộc vào đơn vị cho thuê cũng như khi Sân bay Quốc tế Nội Bài đang quy hoạch để mở rộng, nâng cấp. Ngay cả ACS, vốn không phải là đối thủ cạnh tranh đáng ngại thì nay cũng khiến NCT bận tâm nhiều.

Kể từ năm 2015, sự xuất hiện của Vietjet Cargo, công ty vận tải hàng không của Vietjet Air, chuyên khai thác dịch vụ hàng không trong nước và quốc tế sẽ cạnh tranh trực tiếp với các hãng hàng không khác, trong đó có Vietnam Airlines và Jetstar Pacific Airlines. Do đó, thị phần nội địa của NCT có khả năng bị san sẻ cho ACS, đơn vị phục vụ hàng hóa cho Vietjet Air.

Theo Kim Giang

Sài Gòn Đầu tư Tài Chính

Trở lên trên