MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý Mekophar

13-07-2011 - 09:05 AM | Doanh nghiệp

Mekophar xin hủy niêm yết là cách làm bất đắc dĩ, bởi theo pháp luật về chứng khoán, việc hủy niêm yết mang đến những hệ lụy không nhỏ.

Không còn cách nào khác, HĐQT CTCP Hóa - dược phẩm Mekophar (MKP - sàn HOSE) đã buộc phải xin ý kiến cổ đông về việc hủy niêm yết trên TTCK, với hy vọng bằng cách này họ có thể "đẩy" được số cổ đông ngoại ra khỏi Công ty và từ đó, con đường xin giấy phép "bán buôn, bán lẻ dược phẩm" sẽ không gặp cản trở pháp lý nữa.

Báo chí đã tốn nhiều giấy mực phản ánh sự bức xúc của Mekophar khi không được cơ quan đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM) cho phép đăng ký ngành "bán buôn, bán lẻ dược phẩm", chỉ vì Công ty có cổ đông ngoại (nắm 4,7% vốn điều lệ - theo quy định hiện hành là DN có vốn đầu tư nước ngoài).

Có ý kiến từng gợi ý Mekophar nên thành lập một công ty con 100% vốn trong nước, để mượn tư cách pháp lý đăng ký ngành nghề "bán buôn, bán lẻ dược phẩm". Tuy nhiên, cách làm này không khả thi, vì ngành "bán buôn, bán lẻ dược phẩm" là ngành kinh doanh có điều kiện, mà một trong những điều kiện đó là DN phải có thời gian hoạt động tối thiểu 5 năm.

Mekophar xin hủy niêm yết là cách làm bất đắc dĩ, bởi theo pháp luật về chứng khoán, việc hủy niêm yết mang đến những hệ lụy không nhỏ. Trước hết, Mekophar vẫn là công ty đại chúng (vốn điều lệ 92 tỷ đồng, với trên 700 cổ đông hiện hữu), nên cổ phiếu của Công ty vẫn buộc phải đăng ký tập trung ở Trung tâm Lưu ký chứng khoán. Khi cổ phiếu đăng ký tại đây mà Công ty lại không tham gia sàn giao dịch nào (niêm yết hay UPCoM) thì cổ đông của Mekophar sẽ không có cửa nào để chuyển nhượng cổ phiếu (trừ trường hợp đặc biệt).

Về cổ đông ngoại, hiện Công ty có 4,7% vốn cổ phần thuộc sở hữu của khoảng 30 cổ đông nước ngoài. Vậy làm thế nào để cả 30 chủ thể này đồng thuận rút vốn khỏi Mekophar? Đây là một câu hỏi khó không với riêng Mekophar, mà cả đơn vị tư vấn và những người có trách nhiệm trong ngành chứng khoán.

Mekophar - một DN mới niêm yết, có nền tảng hoạt động ổn định, hiệu quả, đã buộc phải hủy niêm yết vì sự bế tắc trong đăng ký kinh doanh. Với 4,7% vốn ngoại, Mekophar bị coi là DN có vốn đầu tư nước ngoài và phải chịu những rào cản, hạn chế. Điều nghịch lý là ở chỗ DN này có đến 95,3% vốn thuộc nhà đầu tư Việt Nam, nhưng không được coi là DN Việt Nam.

Nghịch lý nữa là 14 DN dược khác đang niêm yết đều có cổ đông ngoại, nhưng họ vẫn "kinh doanh, buôn bán dược phẩm" bình thường. Chiểu theo trường hợp của Mekophar, phải chăng các DN dược đều vi phạm pháp luật (do đang có cổ đông ngoại), dù họ có giấy phép hoạt động ngành phân phối dược phẩm trước khi lên sàn?

Trước khi đi đến quyết định hủy niêm yết, lãnh đạo Mekophar và đơn vị tư vấn (CTCK Bảo Việt) đã gõ bao nhiêu cửa, qua bao nhiêu cơ quan chức năng để tìm một lối thoát. Ở đâu cũng phân tích, cũng nhận rõ sự phi lý của định nghĩa về DN có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng vượt qua sự phi lý này để cấp phép cho Mekophar là điều không cơ quan nào thực hiện.

Trong khi đó, để sửa quy định pháp lý, nhất là sửa văn bản Luật, cần rất nhiều thời gian. Hủy niêm yết, Mekophar hy vọng có thể đi đường vòng: "đẩy" cổ đông ngoại ra khỏi Công ty, rồi đăng ký thêm ngành kinh doanh "bán buôn, bán lẻ dược phẩm", rồi khi có giấy phép mới, Công ty lại xin niêm yết trên sàn…

Con đường Mekophar đang đi quá gian nan, phức tạp. Nhưng có lẽ đó là con đường duy nhất thể hiện quyết tâm kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật của Công ty, đồng thời đó cũng là cách làm mạnh mẽ nhất thể hiện sự phản ứng của toàn Công ty với những điểm phi lý trong quy định pháp lý, đã và đang cản trở sự phát triển bình yên của một bộ phận doanh nghiệp.

Theo Phạm Oanh
ĐTCK

thanhtu

Trở lên trên