MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguy cơ vỡ quỹ lương hưu là do doanh nghiệp?

30-05-2014 - 08:16 AM | Doanh nghiệp

Cảnh báo nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) khiến việc thảo luận tại tổ của các ĐBQH về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) trở nên rất “nóng”.

Theo các ĐBQH, thực tế các DN luôn tìm cách lách luật, tìm mọi biện pháp để trốn và làm sao để phải trả BHXH thấp nhất. Trong đó phổ biến là ký hợp đồng lao động ngắn  hạn (dưới 3 tháng), thậm chí không ký hợp đồng lao động khiến 20-30% lực lượng lao động bị "đảo" thường xuyên giữa các DN. Sự mất ổn định đó khiến người lao động không được tham gia BHXH, ảnh hưởng đến quyền lợi.

Hiện, khoảng 5 triệu người chưa đóng BHXH với hàng chục nghìn tỷ đồng tiền BHXH đang bị nợ khiến nhiều ĐBQH đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan quản lý khi chi phí quản lý Quỹ tăng, nhưng nhiệm vụ thu tiền BHXH lại không hiệu quả, "bỏ mặc" cho DN giữ tiền BHXH của người lao động để trục lợi.

Với rất nhiều băn khoăn về dự thảo Luật này, nhiều ĐBQH cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật BHXH chưa căn cứ vào bản chất của hoạt động BHXH, chưa xây dựng được một chính sách BHXH hoàn chỉnh, mà chủ yếu là sửa để "cứu" Quỹ BHXH, nhất là đề xuất kéo dài tuổi nghỉ hưu. 

Một số ĐBQH cho rằng, tuổi nghỉ hưu không phải yếu tố chính để đảm bảo sự an toàn của Quỹ BHXH, mà quan trọng là thời gian đóng, mức đóng và sự công bằng giữa các đối tượng thụ hưởng. Vì đa số người lao động không muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu, trừ những người "làm ít nhưng được hưởng nhiều quyền lợi". Ngoài ra, ĐBQH cũng lo ngại, có "một trào lưu kéo dài độ tuổi nghỉ hưu, trái với Bộ luật Lao động vừa được sửa đổi". 

Vì vậy, các ĐBQH cho rằng, cần có giải pháp quyết liệt ngay trong dự thảo Luật này để chống trốn đóng BHXH mới là giải phán căn cơ giải quyết những vướng mắc trong lĩnh vực BHXH hiện nay.

ĐB Trương Văn Vở (tỉnh Đồng Nai): "Có thể sửa luật để xử lý Hình sự đối với hành vi trốn đóng BHXH"

Theo ông, giữa tuổi nghỉ hưu và Quỹ BHXH có mối quan hệ gì không?

BHXH phải theo nguyên tắc có đóng, có hưởng. Giải quyết các bức xúc hiện nay trong lĩnh vực này là phải xử lý thu chi Quỹ, kiên quyết đối với NSDLĐ không hỗ trợ cho NLĐ đóng BHXH mới là quan trọng, chứ không phải là tuổi nghỉ hưu. Tuổi nghỉ hưu phải áp dụng đồng bộ theo qui định pháp luật. Sửa đổi Luật BHXH là sửa đổi về nguyên tắc và phải đảm bảo về nguyên tắc này.

Theo Chính phủ, do DN không thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH nên Quỹ bị thất thu. Vậy phải giải quyết vấn đề này từ đâu?

Vấn đề này thuộc về quản lý Nhà nước, ở đây là trách nhiệm của ngành và người đứng đầu ngành LĐTB&XH. Còn BHXH là đơn vị sự nghiệp phối hợp cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để thực hiện trách nhiệm của mình về quản lý và thu BHXH. Vì vậy, nếu chủ thể nào không chấp hành thì xử lý theo qui định pháp luật về hành chính và thậm chí nếu qui định về xử lý vi phạm hành chính không có tính răn đe thì có thể áp dụng chế tài hình sự đối với những hành vi này thông qua việc sửa đổi luật.

Để khuyến khích tham gia BHXH tự nguyện, theo ông cần chú trọng giải pháp nào, ngoài tuyên truyền?

Như tôi đã nói, BHXH quan trọng là từ mức đóng và mức hưởng chứ không chỉ tuyên truyền. Nhưng tuyên truyền vẫn rất quan trọng để người dân hiểu được lợi ích của việc tham gia BHXH.





Theo Nhật Thanh

thunm

Báo Pháp luật

Trở lên trên