MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

​Nhà nước phục vụ, khó nhưng phải làm

25-02-2015 - 13:08 PM | Doanh nghiệp

Định hướng chuyển sang mô hình nhà nước phục vụ và phải hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh (Tuổi Trẻ ngày 24-2) được nhiều người quan tâm.

Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến của TS TRẦN ĐÌNH THIÊN - viện trưởng Viện Kinh tế VN - bàn thêm về vấn đề này.

Theo tôi, sẽ rất khó và có rất nhiều việc phải làm để thực hiện được hai định hướng đó... Bởi cho đến nay, VN vẫn còn tình trạng được nói đến rất nhiều, như “hành là chính”, “coi doanh nghiệp như bò sữa”...

Nó cho thấy mục tiêu nhà nước phục vụ dân, phục vụ doanh nghiệp vẫn còn khá xa...

Phục vụ là chức năng của nhà nước. Nó không cho thấy nhà nước ở trên hay ở dưới người dân. Đơn giản, nhà nước sinh ra phải làm đúng công việc của mình theo mong muốn của xã hội

TS TRẦN ĐÌNH THIÊN

Nhiều thử thách

Theo tôi, để chuyển sang mô hình nhà nước phục vụ không quá khó, vì nhiều nước đã làm rồi. Những quốc gia chuyển được sang mô hình nhà nước phục vụ thường rất năng động và nhanh chóng trở nên thịnh vượng, người dân ngày càng giàu.

Trong điều kiện VN, để đạt được mục tiêu này có nhiều việc cần làm, có những vấn đề quan trọng không thể không làm. Những việc này đã được nói tới nhiều, nhưng đến nay mới làm được ít, thậm chí chưa được.

Tại thời điểm mang tính bước ngoặt hiện nay, những việc đó cần được Nhà nước đặt ra nghiêm túc để có lộ trình thực hiện tích cực và hiệu quả. Khi đó, Nhà nước sẽ từng bước trở thành “nhà nước phục vụ” đúng nghĩa.

Thứ nhất, Nhà nước phải tuyên bố rõ các quyền chính đáng của người dân và phải là người bảo vệ các quyền đó. Đây là chức năng bao trùm, quan trọng nhất của nhà nước đối với dân, với các công dân của mình, những người đã không còn là “thần dân” trong nhà nước cai trị trước đây.

Thứ hai, cần định nghĩa lại cho rõ chức năng nhà nước trong hệ thống kinh tế thị trường - toàn cầu hóa. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng “hành là chính” hay tham nhũng, là do chức năng của bộ máy nhiều nơi không rõ, làm cho bộ máy “lạm quyền”, “chồng chéo”, dẫn tới chỗ xung đột và vô hiệu hóa lẫn nhau.

Đó cũng là cơ sở cho việc lạm dụng quyền lực của các cán bộ, thậm chí cả công chức.

Chức năng không rõ thì quyền lực cũng không rõ, trách nhiệm cũng không rõ. Hệ quả là đẻ ra vô số “quyền lực - phi chức năng - vô trách nhiệm”, tập trung vào việc “hành dân” chứ không phải là thực thi công vụ, tức là không thực hiện chức năng “tự nhiên”, vốn có, mang tính nghĩa vụ và phải chịu trách nhiệm của mình.

Thêm vào một hệ thống hay cơ chế giám sát quyền lực kém hiệu quả - do không có người dân tham gia - càng khiến nhiều vị trí “hét ra lửa”. Sẽ có nhiều người “kiếm ăn” dễ dàng nhờ vị trí “đắc địa - đặc quyền” đó.

Thứ ba, mục tiêu phục vụ, hỗ trợ phát triển của nhà nước cần tập trung vào tạo kết cấu hạ tầng đầy đủ và thuận lợi nhất để phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội. Cả hạ tầng “cứng” (hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp và đô thị) lẫn hạ tầng “mềm” (hệ thống thể chế, hạ tầng thông tin).

Nhà nước phải nắm được quy luật, đưa ra chiến lược, đón trước vấn đề để giải quyết, chứ cứ để dân tự lo, chọn cái thuận tiện nhất thì sinh nhiều hệ lụy.

Thứ tư, để có nhà nước phục vụ, cần tổ chức bộ máy để thực thi được các nguyên tắc của hiến pháp, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. Nhà nước phục vụ phải có hệ thống pháp luật minh bạch, thích hợp với dân, chứ không phải vì lợi ích quản lý của một số ngành.

Nếu pháp luật quá chi li, phức tạp, đến mức người dân “không biết đằng nào mà lần” thì theo tôi, dù mục đích tốt đẹp bao nhiêu, đó cũng không phải là luật phục vụ dân theo đúng nghĩa.

Dân không hiểu, Nhà nước không kiểm soát được thì người ta xử với nhau bằng luật rừng, hoặc có thể giúp công chức tư túi, lạm quyền, rồi lộng quyền.

Hỗ trợ doanh nghiệp tư phải đồng bộ

Việc Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu định hướng phải hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, theo tôi, là một hướng đúng. Không có hệ thống khuyến khích tốt đúng kiểu, khu vực tư nhân sẽ thiên sang đầu cơ, không ham muốn đầu tư vào sản xuất, không đầu tư dài hạn.

Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư vừa được thông qua có thể giúp doanh nghiệp ở một số khâu thôi. Để doanh nghiệp có thể “bung ra”, đi liền phải là cạnh tranh, thị trường và bình đẳng.

Phải sửa tiếp Luật ngân sách nhà nước vì đây là nền tảng quyết định Nhà nước thu từ xã hội bao nhiêu, cơ chế phân bổ thế nào... Rồi cần sửa Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật quy hoạch, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật...

Nếu chúng ta thiết lập được cơ sở pháp lý đúng cho vận hành bộ máy nhà nước thì đây sẽ là cơ hội cho cải cách, giảm biên chế, cải cách thủ tục hành chính. Doanh nghiệp VN không bị làm khổ thì sức bật sẽ mạnh lên rất nhiều...

Để hỗ trợ doanh nghiệp tư, quan trọng nhất là Nhà nước bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng. Nói thế nhưng làm không dễ. Chỉ khái niệm “công bằng” thôi, nghị quyết quy định rất rõ, lãnh đạo cũng rất quyết tâm.

Nhưng giờ rà lại thì thấy doanh nghiệp tư vẫn chưa thể có được sự công bằng cần có. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện được hưởng nhiều ưu đãi rất lớn do có ưu thế về vốn, công nghệ... Doanh nghiệp nhà nước thì sở hữu nhiều ưu thế trong tiếp cận đất đai, tài nguyên...

Doanh nghiệp tư vẫn tự xoay xở là chính, và để cạnh tranh với những doanh nghiệp FDI được ưu đãi nhiều là điều không đơn giản. Nhiều chính sách của chúng ta tốt, nhưng doanh nghiệp phải thấy họ được tôn trọng, Nhà nước nói là làm thật, làm triệt để thì họ mới bỏ vốn ra kinh doanh.

 

* Ông DIỆP THÀNH KIỆT (phó chủ tịch Hiệp hội Da giày VN - Lefaso):

Cơ quan nhà nước phải thay đổi cách ứng xử

Tôi cho rằng quan trọng nhất là cần thay đổi cách đối xử, suy nghĩ của một số bộ phận cơ quan nhà nước, quan chức đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi họ vẫn rất ngần ngại tiếp xúc, dẫn đến một số quyết định, hoặc tạo những điều kiện để thực thi một số chính sách đối với thành phần này vẫn còn khoảng cách khá lớn.

Chẳng hạn như trong tâm lý của các cán bộ nhà nước, khi giao đất cho doanh nghiệp nhà nước lỡ có chuyện không hay xảy ra thì hậu quả sẽ không “nặng” bằng doanh nghiệp tư nhân.

Nên xuất phát điểm ban đầu thường nghiêng về phía doanh nghiệp nhà nước, từ đó ít nhiều cũng làm mất đi cơ hội tiếp cận cho khối doanh nghiệp tư nhân.

Ở góc độ khác, việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận thêm nguồn vốn từ nhiều nguồn khác nhau chứ không nhất thiết chỉ từ kênh ngân hàng, bằng cách cung cấp thông tin, phương thức tiếp cận, kiến thức của các tổ chức xã hội, ngành hàng trong và ngoài nước có thể tài trợ, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần được xem xét.

TRẦN VŨ NGHI ghi

* Bà ĐẶNG MINH PHƯƠNG (chủ tịch Câu lạc bộ CEO):

Cần thông tin cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Thời gian qua, nhiều cải tiến, sửa đổi mà Nhà nước nỗ lực thực hiện đã hỗ trợ nhất định cho doanh nghiệp dù chưa nhiều. Tuy nhiên, việc chuyển tải thông tin, quá trình hội nhập kinh tế thế giới, những thay đổi về mặt chính sách có lợi cho doanh nghiệp vẫn còn hạn chế.

Các doanh nghiệp tư nhân đa số đi lên từ mô hình gia đình, không được đào tạo bài bản, họ cũng chưa chủ động tiếp cận những chính sách mới. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc tuyên truyền, phổ biến thêm những thông tin mới về các vấn đề mở cửa thị trường, tận dụng cơ hội cũng như đón nhận thách thức thông qua các hiệp hội, tổ chức ngành nghề...

Trong thời gian tới, theo cam kết WTO, VN sẽ từng bước mở cửa nhiều thị trường như trong ngành logistics, phân phối, bán lẻ các doanh nghiệp nước ngoài được đầu tư 100% vào VN, các doanh nghiệp tư nhân trong ngành này rất cần được sự định hướng phát triển, thông tin từ phía cơ quan nhà nước.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nói họ vẫn chưa hiểu tác dụng cũng như hiệu quả từ những FTA mang lại, sân chơi sẽ lớn như thế nào, cơ hội nắm bắt, hay quy định này sẽ có hiệu quả ra sao... Theo tôi, nếu được hỗ trợ từ phía Nhà nước với những định hướng lâu dài, khối kinh tế tư nhân sẽ đóng góp rất nhiều cho phát triển kinh tế đất nước.

N.BÌNH ghi

Theo C.V.KÌNH

PV

Tuổi trẻ

Trở lên trên