MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà xuất bản Công thương: Nhiều người lao động không được trả lương

07-05-2015 - 09:17 AM | Doanh nghiệp

Mặc dù được ký HĐLĐ, nhưng từ năm 2012 đến nay, nhiều người LĐ tại Nhà xuất bản Công Thương lại không được trả lương. Vì sao có chuyện như vậy?

NLĐ nói “không được trả lương”

Nhà xuất bản Công Thương (NXB) thuộc Bộ Công Thương, được thành lập vào năm 2009, đi vào hoạt động năm 2010. NXB này tách từ phòng xuất bản thuộc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (thuộc Bộ Công Thương).

Theo thông tin phản ánh từ NLĐ gửi đến Báo Lao Động: Trong 2 năm đầu (2010-2011), dù còn nhiều bất cập, nhưng công việc và đời sống của cán bộ, công nhân NXB còn được đảm bảo. Tuy nhiên, từ đầu năm 2012, nhiều NLĐ không được trả lương, trong khi hàng năm, Bộ Công Thương đều cấp kinh phí thường xuyên cho NXB.

Theo phản ánh, một số vị vẫn được trả lương, những người này đều là người thân tín của một số lãnh đạo NXB. Trước tình trạng trên, một số NLĐ đã nghỉ việc và chuyển công tác khác; những người ở lại chấp nhận không có lương, bị chậm nâng lương cả năm trời mà không có lý do.

Tiếp xúc với phóng viên, NLĐ này cho biết: “Không phải là NXB gặp khó khăn dẫn đến NLĐ không có lương. Nếu khó khăn thật thì lãnh đạo phải là người đầu tiên chia sẻ với NXB, đằng này lại vẫn nhận lương đều đặn. Đặc biệt, từ khi thành lập đến nay, NXB không tổ chức hội nghị cán bộ viên chức, không tổng kết hoạt động hàng năm, do đó NLĐ không được nêu ý kiến trước tập thể về những bất cập của NXB”.

Vì “quy chế khoán”?

Chiều 5.5, phóng viên Báo Lao Động đã có buổi làm việc với bà Nguyễn Minh Huệ - Phó Giám đốc phụ trách NXB. Bà Huệ đảm nhiệm chức vụ này từ tháng 10.2014. Bà Huệ cho biết, từ năm 2010, ông Đỗ Văn Chiến - Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại kiêm Giám đốc NXB, bà Đặng Thị Ngọc Thu là PGĐ Trung tâm kiêm Tổng Biên tập NXB và điều hành NXB.

Do là đơn vị sự nghiệp có thu nên quỹ lương hạn hẹp, không thể chi trả lương hết cho người trong NXB, mà chỉ chi trả cho những người trong danh sách biên chế. Những người được ký HĐLĐ có xác định thời hạn thì được chi trả lương bằng nguồn kinh doanh, không được phép trả bằng nguồn ngân sách. Theo bà Huệ, lãnh đạo NXB thời điểm trên cho rằng, nếu duy trì như vậy thì sẽ dẫn đến tình trạng ỷ lại “tại sao cậu kia chả làm gì, trong khi tôi vất vả lại giống nhau”, vì vậy đã đưa ra quy chế các phòng phải năng động, tự tìm nguồn thu cho phòng của mình, và lãnh đạo phòng có trách nhiệm cùng anh em để duy trì hoạt động của phòng. Đối với những người ký HĐLĐ, NXB giao cho từng phòng tự tìm nguồn thu, chịu trách nhiệm; khi có doanh thu, kế toán sẽ căn cứ doanh thu của phòng đó để chi trả lương cho nhân viên của phòng.

Sau khi có cơ chế khoán như vậy, có một số phòng, điển hình là phòng biên tập không đủ lương (vì khó hoạt động theo kiểu kinh doanh hơn, gần như không có doanh thu), khiến một số người không có lương. Họ là những người không trong danh sách biên chế, gần như không có hoạt động gì, không mang lại nguồn thu gì.

Bà Huệ khẳng định, NXB có tổng kết hoạt động hàng năm, nhưng không tổ chức đại hội CNVC. CĐ NXB là một tổ CĐ trong CĐ của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, hoạt động CĐ chung với Trung tâm, nên không tổ chức hội nghị được, mà chỉ có các cuộc họp, tổng kết ở cơ quan.

Theo Tất Thảo

PV

Báo Lao động

Trở lên trên