MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhập khẩu 30.000 tấn đường sản xuất tại Lào của HAGL: Khó quản tái xuất đường

27-11-2013 - 16:24 PM | Doanh nghiệp

Nếu đề nghị của HAGL được chấp thuận thì việc tranh giành XK là điều không thể tránh khỏi, và đây là cơ hội để “khách hàng” giảm giá mà câu chuyện con cá tra XK ở ĐBSCL là một ví dụ.

Tiếp sau bài viết “Niên vụ mía đường 2013 - 2014 : Nội xuất khó khăn, ngoại nhập dễ dàng”, hôm nay chúng tôi tiếp tục thông tin tới bạn đọc những ý kiến của các chuyên gia và DN trong ngành mía đường về vụ việc đang được dư luận hết sức quan tâm.

Giao thương giữa VN và Lào có thỏa thuận về ưu đãi thuế quan do có chung biên giới, trong đó một số mặt hàng được hưởng mức thuế ưu đãi bằng 50% so với mức thuế ưu đãi trong Asean. Như vậy, nếu 30.000 tấn đường được đầu tư sản xuất tại Lào của Cty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) được phép nhập khẩu vào VN sẽ là 2,5% so với thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Asean là 5%. Và có lẽ đây là nguyên nhân vì sao HAGL “mặn mà” lại muốn nhập khẩu vào VN ? (Ảnh : Sản phẩm đường của HAGL sản xuất tại Lào).

Theo Hiệp hội Mía đường VN (VSSA), nếu chấp nhận việc nhập khẩu này chỉ làm lợi cho 2 DN là HAGL và Cty CP đường Biên Hòa nhưng lại đe dọa cho ngành mía đường trong nước. Hiện tại, mía đường trong nước đang tồn kho lớn. Mặc dù kế hoạch của hai DN này là nhập về tinh chế và XK nhưng không ai quản lý được họ có tiêu thụ đúng vậy hay không. XK tiểu ngạch qua đây thì được hoàn thuế, nhưng HAGL đầu tư ra nước ngoài được hưởng nhiều ưu đãi, chưa đóng góp gì trong nước mà được ưu đãi XK, được hoàn thuế là không công bằng so với các DN sản xuất trong nước.

Sơ hở chính sách

Câu chuyện về tạm nhập tái xuất (TNTX) đường hiện vẫn đang là đề tài “nóng” đang được các đại biểu Quốc hội chất vấn hai vị bộ trưởng là Bộ Nông nghiệp – PTNT và Bộ Công Thương vẫn chưa có lời giải hữu hiệu thì việc HAGL đề xuất xin nhập về VN 30.000 tấn đường càng làm cho các ngành hữu quan thêm quan ngại. 

Theo ông Nguyễn Đỗ Kim - cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng Cục Hải quan cho biết, do có ưu đãi về thuế, hiện có khoảng 100 DN tham gia TNTX đường, chủ yếu xuất qua thị trường Trung Quốc. Lợi dụng sơ hở chính sách, nhiều DN đã xuất qua đường mòn lối mở rồi mang hàng quay lại bán nội địa. Cũng có DN đưa luôn đường từ kho ra bán vào nội địa mà không tái xuất. Làm được việc này, do Luật quy định DN phải tự chịu trách nhiệm quản lý hàng hóa nên họ lợi dụng để trục lợi. Ông Kim quan ngại và cho rằng, lực lượng chức năng đã khó khăn trong việc chống buôn lậu  và TNTX đường trong suốt nhiều năm qua do lực lượng mỏng nay lại càng khó khăn hơn nếu xuất hiện thêm loại hình nhập khẩu mới để XK mậu biên sang Trung Quốc ?

Đồng quan điểm, ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương cảnh báo, con đường để đường nhập lậu vào VN có rất nhiều, ngày càng tinh vi. Tình hình buôn lậu và gian lận thương mại qua hình thức TNTX đường diễn ra chủ yếu tại khu vực miền Trung và ĐBSCL với số lượng mỗi năm ngày một tăng. Một điểm quan trọng nữa, theo ông Lam, do ưu đãi trong các khi kinh tế cửa khẩu không có hàng rào cứng nên không quản lý được. Lượng đường đưa vào khu kinh tế cửa khẩu hoàn toàn được miễn thuế, nhiều đối tượng đã lợi dụng chính sách này để đưa hàng sâu vào tiêu thụ ở nội địa.

Trước thực trạng đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – PTNT Cao Đức Phát cho rằng, việc nhập khẩu đường chỉ trong trường hợp là bắt buộc theo cam kết quốc tế. Còn các nhập khẩu khác làm ảnh hưởng đến tiêu thụ đường trong nước thì không khuyến khích. Bởi theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trong niên vụ 2013 – 2014, nước ta có 306.000 ha mía và sẽ sản xuất được 19,6 triệu tấn mía, cùng với đó sẽ sản xuất công nghiệp được 1,6 triệu tấn đường. Dự kiến sẽ dư thừa khoảng 500.000 tấn đường.

Phản ứng của VSSA

Quá bức xúc trước việc HAGL thông qua Cty CP đường Biên Hòa xin nhập khẩu đường thô về VN để tinh chế rồi xuất ngược ra cửa khẩu phụ để tranh giành với đường XK trong nước, ông Đỗ Thanh Liêm - Tổng giám đốc Cty CP mía đường Khánh Hòa cho biết, trong bối cảnh khủng hoảng thừa sản phẩm đường như hiện nay, các DN phải chủ động tìm kiếm khách hàng, cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, tiết kiệm chi phí nhằm hạ giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, trước tình cảnh ngành mía đường vẫn cung thừa so với cầu như hiện nay, luôn là áp lực lớn đối với DN thì việc nhập khẩu thêm ngoài hạn ngạch được phân bổ hàng năm được xem như cú “knock out” bồi thêm để ngành mía đường sớm… phá sản. 

Theo phân tích của mình, ông Liêm cho rằng Bộ Công Thương quá ưu ái đối với HAGL bởi lẽ, xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc để giải quyết lượng đường tồn kho cho hơn 40 nhà máy chế biến đường trong nước hiện là lối thoát duy nhất nhưng vẫn luôn gặp khó. Đầu năm 2013, VSSA và Bộ Nông nghiệp – PTNT đã nhiều lần kiến nghị Bộ Công Thương cho phép XK đường nhưng việc giải quyết khá chậm trễ. Ðến khi bộ cho phép XK thì đã quá muộn, vì khách hàng không còn nhu cầu... 

Cụ thể, cuối năm 2012, VSSA xin xuất theo đường tiểu ngạch khoảng 300.000 tấn, nhưng phải đến tháng 3/2013 mới cho xuất chưa đến 200.000 tấn và chỉ cấp phép đến tháng 6. Trong khi lượng đường còn tồn nhiều thì Bộ Công Thương chỉ gia hạn thêm một tháng. Ðứng trước áp lực đường tồn kho, VSSA lại phải xin thêm một lần nữa để bộ mới cấp phép đến hết tháng 12/2013. Ông Liêm dự báo, nếu đề nghị của HAGL được chấp thuận thì việc tranh giành XK là điều không thể tránh khỏi, và đây là cơ hội để “khách hàng” giảm giá mà câu chuyện con cá tra XK ở ĐBSCL là một ví dụ.

Cũng trong tâm trạng lo âu, ông Nguyễn Hoàng Ngoan - Phó tổng giám đốc Cty CP mía đường Cần Thơ cho biết, với giá bán hiện tại từ 14.350 đến 14.400 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg so với đầu vụ. Giá đường thấp, lượng đường tồn kho của các nhà máy lớn như hiện nay và hàng trăm nghìn tấn đường nhập lậu mỗi năm, cộng thêm vụ mía mới bắt đầu, càng làm tăng thêm áp lực cho các nhà máy. Dự báo tới đây giá đường trong nước sẽ còn tiếp tục giảm. Trong điều kiện khó khăn, hiện DN vay vốn ngân hàng phải chịu lãi suất hằng tháng là 550 đồng/kg đường. Vì vậy, xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc đang được DN xem là giải pháp tình thế để giải quyết khó khăn như hiện nay.

Ông Subbaiah - Tổng giám đốc Cty TNHH Công nghiệp KCP VN (Phú Yên) không khỏi băn khoăn, bởi thông tin việc HAGL xin XK đường vào VN đã được cảnh báo ngay từ đầu năm, sao các cơ quan quản lý không xây dựng kế hoạch đưa vào trong hạn ngạch nhập khẩu đường năm 2013 mà VN đã cam kết với WTO trong số lượng 73.500 tấn. Việc nhập khẩu đường do HAGL sản xuất tại Lào cũng là một giải pháp hỗ trợ cho DN VN đầu tư ở nước ngoài. Ông Subbaiah trăn trở, trong khi đường nhập lậu từ Thái Lan chưa được hạn chế thì việc một số DN “núp bóng” qua hình thức TNTX để đưa đường vào tiêu thụ tại thị trường nội địa khiến nhà nước thất thu thuế mà còn đẩy ngành mía đường vào bế tắc. Chính phủ phải nhất quán điều hành XK, nhập khẩu nhằm hỗ trợ, bảo vệ nông dân và ngành sản xuất mía đường trong nước, ông Subbaiah nói.

Ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT : Phải đảm bảo giá mía và sản xuất trong nước ổn định

Hiện một lượng đường lớn trong nước đang thừa và Nhà nước phải hỗ trợ tiêu thụ, giữ giá mía để đảm bảo sản xuất của DN trong nước cũng như nông dân trồng mía ổn định. Những gì phù hợp với mục tiêu này thì ủng hộ, điều gì gây khó khăn cho mục tiêu thì phải loại bỏ.

GS TS Võ Tòng Xuân: Có nhiều lợi thế trong xuất khẩu

Việc đầu tư của HAGL vào Lào là đầu tư vào một trong những nước kém phát triển. Nước này được hưởng ưu đãi về thuế quan bằng 0% khi XK vào những nước phát triển. Ngoài việc nhắm vào thị trường VN, HAGL còn được hưởng ưu đãi một số thị trường khác như EU và Trung Quốc. đây đều là những thị trường có mức tiêu thụ đường lớn.

Ông Nguyễn Thành Long  Chủ tịch VSSA: 
Đánh đổi này không cân xứng

Ngành mía đường VN hiện đang trong giai đoạn khó khăn do cung đã vượt cầu với lượng đường tồn kho lớn. Do vậy việc chấp thuận đề nghị nhập 30.000 tấn đường của HAGL chỉ mang lại lợi ích nhóm cho hai DN là HAGL và Cty CP đường Biên Hòa hưởng lợi, nhưng lại gây thiệt hại cho 40 nhà máy chế biến đường và hàng triệu nông dân và người lao động trong nước. Do đó, việc đánh đổi này là không cân xứng.

Ông Đỗ Thanh Liêm - Tổng giám đốc Cty CP mía đường Khánh Hòa: Coi chừng “Cõng rắn cắn gà nhà”

Đường do HAGL sản xuất tại Lào khi đưa về VN là đường nhập khẩu, không được vượt quá hạn ngạch đã cấp. Câu chuyện tạm nhập tái xuất đường không được hậu kiểm đã tạo ra gian lận thương mại để ngành mía đường VN nguy khốn hiện nay là một minh chứng.

Theo Quốc Chánh

thunm

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên