MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiệm vụ "bất khả thi"?

06-08-2014 - 12:08 PM | Doanh nghiệp

Đó là cách giám đốc một doanh nghiệp "dự báo" về quyết tâm của Bộ Tài chính trong thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đó là trong vòng một năm nữa, đến tháng 6/2015, giảm được thời gian dành cho thủ tục thuế của doanh nghiệp về mức 171 h/năm, ngang với chuẩn của ASEAN.

Theo Báo cáo Doing Business 2014 của Ngân hàng Thế giới (WB), bình quân thời gian nộp thuế của doanh nghiệp tại Việt Nam là khoảng 872 h/năm, cao gần nhất khu vực. Và WB khuyến cáo các cơ quan chức năng Việt Nam phải tìm được phương án nhanh chóng giảm thời gian dành cho nộp thuế của doanh nghiệp xuống bình quân còn 300h/năm.

Phát hiện cách làm mới

Để hiểu các doanh nghiệp Việt Nam mất thời gian như thế nào cho việc làm thủ tục thuế, có thể lấy số thời gian cho thủ tục tương tự tại các nước trong khu vực để so sánh. Theo đó, tại Indonesia, doanh nghiệp mất 259 h/năm, Thái Lan là 264 h/năm, Philippines là 193 h/năm, Malaysia là 133h/năm, Brunei là 96 h/năm. Thấp nhất là Singapore, doanh nghiệp tại nước này chỉ mất 82h/năm để thực hiện các thủ tục thuế. Tính trung bình, thời gian nộp thuế của các nước ASEAN-6 là 171 h/năm.

Thế nên, không quá khó hiểu khi doanh nghiệp thường phàn nàn nhiều nhất về ngành thuế. Bản thân người đứng đầu Chính phủ – Thủ tướng – cũng không giấu thái độ bức xúc trước sự trì trệ của lĩnh vực thuế. Và đó là nguyên nhân khiến Thủ tướng trực tiếp yêu cầu ngành thuế phải tìm mọi cách giảm được thời gian thủ tục thuế của doanh nghiệp, xuống ngang bằng với chuẩn ASEAN-6.

Công bằng nhận xét, thì từ nhiều năm qua, ngành thuế đã rất nỗ lực thay đổi để vừa phục vụ doanh nghiệp tốt hơn, vừa nâng cao được hiệu quả quản lý của ngành. Hàng năm, Tổng cục Thuế đều đặn tổ chức hội nghị, hội thảo gặp gỡ doanh nghiệp, chuyên gia bàn cách cải tiến thủ tục thuế. Các Cục Thuế địa phương cũng đều thực hiện thủ tục này.

Các nỗ lực hiện đại hóa như rút bớt số thủ tục, cho nộp thuế qua mạng, qua ngân hàng, kê khai thuế bằng phần mềm… đã được áp dụng, với rất nhiều giấy khen, bằng khen được phát cho các cán bộ ngành thuế, cục thuế, chi cục thuế, và thậm chí là nhiều doanh nghiệp có thành tích nộp thuế. Và, rất nhanh sau chỉ đạo của Thủ tướng, lập tức Bộ Tài chính đã tìm được cách để… tiếp tục giảm thời gian thủ tục thuế cho doanh nghiệp.

Nếu số giờ làm thủ tục thuế giảm xuống, sẽ không còn cảnh chen chúc này?

Ngày 31/7/2014, tại hội thảo "Cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam", Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định, phải thay đổi cách tiếp cận, theo hướng từ góc nhìn của doanh nghiệp thì mới có cơ hội cải cách hành chính thành công. "Doanh nghiệp và cơ quan nhà nước phải bình đẳng. Nếu không thay đổi cách tiếp cận thì không thể đạt được mục tiêu nộp thuế 171 giờ" – ông Tuấn nói. Sau rất nhiều năm nỗ lực cải cách, cách tiếp cận lấy doanh nghiệp làm trung tâm lần đầu tiên được Bộ Tài chính xem như phát hiện mới, để rút ngắn thời gian thủ tục thuế.

Nói vẫn dễ hơn làm

Về cách triển khai cụ thể, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ sẽ xem xét bỏ hàng loạt thủ tục liên quan tới tờ khai, rồi thay đổi tần xuất khai báo, nộp tờ khai thuế, đồng thời sửa lại các thông tư liên quan đến thủ tục thuế… Theo ông Tuấn, chỉ với cách này đã có thể giảm được hơn… 60% thời gian thủ tục thuế của doanh nghiệp, từ mức 872 h/năm như hiện tại xuống còn 354 h/năm. Tuy nhiên, làm thế nào hạ tiếp thời gian bình quân cho thủ tục nộp thuế xuống còn 171h/năm thì ông Tuấn vẫn… bí.

Vì theo đại diện của Bộ Tài chính, việc sửa đổi, giảm thủ tục không phụ thuộc vào duy nhất ý chí của ngành thuế. Có nhiều thủ tục, chủ yếu là những thủ tục then chốt, thì phải trình phương án sửa đổi, thay thế để Chính phủ, Quốc hội xem xét, quyết định. Mặt khác, do quy trình thủ tục liên quan tới thuế có tính liên hệ, liên kết với hàng chục, hàng trăm thủ tục hành chính chuyên ngành khác như hải quan, bảo hiểm, kiểm định, môi trường… Nên nếu các thủ tục của các ngành liên quan không giảm, thì thời gian thủ tục dành cho thuế cũng vẫn sẽ bị kéo dài.

Thuế là một ngành độc lập như Hải quan, Môi trường, Bảo hiểm… nhưng thẩm quyền hoạt động của ngành thuế lại chi phối mọi hoạt động của người dân, doanh nghiệp liên quan tới những ngành quản lý còn lại. Và suốt nhiều năm, ngành thuế vẫn chưa tìm ra phương án cải cách nào khả dĩ "tích hợp" được các thủ tục này lại với nhau, để từ đó giảm thời gian thủ tục cho các đối tượng chịu quản lý thuế. Thậm chí, ngay trong nỗ lực nộp báo cáo thuế, các doanh nghiệp vẫn phải chen nhau để nộp cho đúng ngày. Đó là chưa bàn tới các thủ tục nhiêu khê khác để nộp được thuế, lấy được xác nhận nộp thuế để đưa vào hồ sơ của các thủ tục khác sau đó…

Vậy thì ngành thuế có thể đạt được mục tiêu giảm thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp xuống bằng đúng với yêu cầu của chính phủ là 171h/năm? Câu trả lời là… có thể. Vì ngay trong những ngày đầu tháng 8/2014, Tổng cục Hải quan – cơ quan liên quan có hoạt động liên kết chặt chẽ với ngành thuế – cho biết, đã giảm được 12 thủ tục liên quan tới nghiệp vụ Hải quan, 164 thủ tục còn lại đang tiếp tục được rà soát để giảm tiếp. Và ngay ngành thuế cũng… tự tin sẽ giảm được hơn 60% thời gian thủ tục thuế chỉ nhờ vào cắt giảm đầu thủ tục của ngành.

Như vậy là về các quy trình, quy định thủ tục, việc rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp là hoàn toàn khả thi. Phần còn lại của thách thức giảm thời gian thủ tục chỉ liên quan tới thái độ phục vụ của các cán bộ ngành thuế – khâu mà chính Bộ trưởng Bộ Tài chính phải thừa nhận là… yếu nhất. Mà để các cán bộ ngành thuế có thể thay đổi hẳn tư duy và thói quen làm việc, hướng tới quan điểm phục vụ doanh nghiệp, thì lại là điều mà thời gian chỉ vỏn vẹn một năm sẽ khó có thể thực hiện được.

Lý do là vì cả chục năm trước đó ngành thuế đã muốn thay đổi cung cách làm việc của cán bộ thuế mà kết quả còn chưa đạt yêu cầu, thì chưa có gì hứa hẹn một năm tới sẽ có một thế hệ cán bộ thuế mới dám đặt quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp lên trên quyền lợi ngành. Việc rút ngắn thời gian thủ tục thuế trở thành nhiệm vụ bất khả thi là vì lý do ấy.

Thủ tướng yêu cầu giảm thời gian nộp thuế xuống 300 giờ/năm

Theo Tư Hải

thanhhuong

Thời báo kinh doanh

Trở lên trên