MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều doanh nghiệp Nhà nước đối mặt với những khoản phải thu quá hạn hàng trăm tỷ đồng

09-07-2015 - 16:20 PM | Doanh nghiệp

Tại Viettel, khoản phải thu quá hạn đối với Tổng công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) 1.960 tỷ đồng (chiếm 17,9% nợ phải thu). Tại DATC, nợ phải thu quá hạn là 507,21 tỷ đồng.

Báo cáo kiểm toán năm 2013 của Kiểm toán Nhà nước đã cho thấy một bức tranh về những khoản phải thu quá hạn và nợ khó đòi đáng e ngại của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước.

Theo đó, tính đến 31/12/2013, các Tập đoàn, Tổng công ty được kiểm toán có tổng tài sản là 507.998 tỷ đồng; tổng doanh thu, thu nhập 384.325 tỷ đồng; lợi nhuận trong công ty liên kết, liên doanh 7.000 tỷ đồng; lợi nhuận kế toán trước thuế 58.172 tỷ đồng; các khoản thuế và khoản khác phải nộp ngân sách nhà nước 13.912 tỷ đồng.

Sau kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã điều chỉnh tăng: tổng tài sản, nguồn vốn 4.437 tỷ đồng; tổng doanh thu, thu nhập 3.574 tỷ đồng; tổng chi phí 2.563 tỷ đồng; lợi nhuận kế toán trước thuế 975 tỷ đồng; số còn phải nộp ngân sách 3.550 tỷ đồng.

Quan trọng hơn, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều khoản phải thu quá hạn tại các Tập đoàn, Tổng công ty này do quản lý tài sản chưa chặt chẽ.

Tại Viettel, khoản phải thu quá hạn đối với Tổng công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) 1.960 tỷ đồng (chiếm 17,9% nợ phải thu). Tại DATC, nợ phải thu quá hạn là 507,21 tỷ đồng. VEAM: công ty mẹ 440,35 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Động cơ và Máy nông nghiệp miền Nam 88 tỷ đồng; CTCP Vận tải và Thương mại VEAM 87,94 tỷ đồng. SATRA 293 tỷ đồng; TCT Viglacera 168,75 tỷ đồng; TCT Dược Việt Nam 101,8 tỷ đồng. Tại TCT Thép Việt Nam – CTCP, nợ phải thu quá hạn thuộc về Công ty cổ phần Kim khí Hà Nội là 55 tỷ đồng (chiếm 28,43%); Công ty cổ phần Kim khí TP Hồ Chí Minh 28,46 tỷ đồng (chiếm 9,59%)…

Một số đơn vị có nợ khó đòi lớn như TCT Thép Việt Nam – CTCP đang bị  CTCP Gang thép Thái Nguyên nợ 594,87 tỷ đồng (chiếm 93% nợ phải thu), Công ty mẹ 54,9 tỷ đồng (chiếm 8,3%); VEAM có khoản nợ khó đòi 293 tỷ đồng (chiếm 18,87%); DOFICO 126 tỷ đồng (chiếm 22%); HANDICO 109,7 tỷ đồng (chiếm 7,2%); VICEM 92 tỷ đồng…

Một số đơn vị xóa nợ phải thu khi chưa đủ điều kiện như Công ty mẹ - TCT Xây dựng Đường thủy - CTCP 1,26 tỷ đồng; VTC: Công ty VTC Dịch vụ truyền hình số 1,09 tỷ đồng.

Bên cạnh đó là các đơn vị đã trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định.

Các doanh nghiệp đã trích lập không đầy đủ: DATC 47,47 tỷ đồng; Công ty mẹ - TCT Xây dựng Sài Gòn - TNHH MTV 30,46 tỷ đồng; Công ty cổ phần Điện tử Biên Hòa thuộc Công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam 3,15 tỷ đồng; Công ty cổ phần Xi măng Fico Tây Ninh thuộc TCT Vật liệu Xây dựng số 1 - TNHH MTV 4,29 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Động cơ và Máy nông nghiệp miền Nam thuộc VEAM chưa trích lập đối với khoản nợ phải thu khó đòi 3.245.422 USD;

Các đơn vị trích vượt như VEAM: Công ty mẹ 11,96 tỷ đồng, Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại Veam 2,57 tỷ đồng.

Các đơn vị trích không có hồ sơ và không đúng đối tượng: Công ty cổ phần Phước Hòa Fico  (thuộc TCT Vật liệu Xây dựng số 1 - TNHH MTV) 3,6 tỷ đồng.

Mai Linh

Tài chính Plus

Trở lên trên