MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn lại TTF và phán quyết phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá

05-01-2013 - 10:08 AM | Doanh nghiệp

Phát hành dưới mệnh giá, bản thân TTF sẽ phải chịu một khoản thâm hụt không nhỏ. Tuy nhiên, đổi lại công ty sẽ có một nguồn tiền mặt tức thời.

Những ngày cuối năm 2012, Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành(TTF) đang gấp rút chuẩn bị kế hoạch chào bán 19,7 triệu cổ phiếu phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1. Giá phát hành được đưa ra 5.000 đồng/cổ phần, bằng một nửa mệnh giá và thấp hơn 100 đồng so với mức giá đóng cửa 4/1/2013.

Chúng tôi xin cung cấp thêm một số thông tin liên quan đến TTF giúp nhà đầu tư có thể có thêm thông tin.

Mục đích phát hành thêm

Như các công ty khác, việc phát hành thêm cổ phiếu của TTF lần này không ngoài mục đích huy động vốn cho các hoạt động kinh doanh của công ty. Nếu việc chào bán thành công, vốn điều lệ của TTF sẽ đạt gần 590,6 tỷ đồng, số tiền thu về ước đạt 98,43 tỷ đồng.

So với số dư tiền mặt cuối các kỳ kinh doanh gần đây, 98,43 tỷ đồng là một con số không hề nhỏ.

Tỷ lệ Nợ/vốn chủ sở hữu của TTF những năm gần đây có xu hướng tăng dần. Tuy được nhận định đó là “hợp lý”, ban lãnh đạo TTF cũng không phủ nhận tỷ lệ nợ/vốn chủ như vậy “chưa phải là điều tốt”.

Trước năm 2008, khi lãi suất vay ngắn hạn thấp hơn 12%/năm, giá trung bình nguyên liệu lại tăng đến trên 18%/năm, công ty đã dùng đòn bẩy nợ cao để đầu tư dự trữ nguyên liệu. Rất không may, sau đó toàn cầu rơi vào khủng hoảng, thị trường hàng gỗ bị thu hẹp, công ty vẫn phải mua thêm nguyên liệu mới phù hợp với thị trường, do vậy không thể giảm vay ngắn hạn được và hàng tồn kho bị ứ đọng khá nhiều.

Cơ cấu Nguồn vốn TTF qua các năm (Tỷ đồng)

Hàng tồn kho chưa được “giải phóng” có xu hướng tăng khá đều đặn qua các năm gần đây:

Hàng tồn kho (Tỷ đồng)

Một trong những giải pháp nằm trong kế hoạch 2012 – 2013 của TTF là giảm hàng tồn kho từ trên dây chuyền đến thành phẩm nhưng quan trọng nhất là nguyên liệu phải giảm xuống ít nhất 200 tỷ đồng nhằm đưa vốn vào luân chuyển. Việc này có thể gây lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh tuy nhiên sẽ giúp công ty giảm chi phí lãi vay, chi phí kho bãi…

Áp lực chi phí tài chính

Không ngoài dự đoán, với tình hình nợ nần của công ty, chi phí tài chính đè nặng kết quả kinh doanh của TTF. Trong 3 năm trở lại đây, chi phí tài chính chiếm không dưới 50% lãi gộp trong kỳ của TTF. Đặc biệt, năm 2011, tỷ lệ này lên tới 80,7%, lãi ròng của công ty chỉ còn vỏn vẹn 11 tỷ đồng, giảm 80% so với năm 2010.

Có thể thấy rõ tác động của Chi phí lãi vay lên kết quả kinh doanh của công ty qua biểu đồ dưới đây:

LNST và Chi phí tài chính TTF (Tỷ đồng)

Kế hoạch sau khi tăng vốn

Phát hành dưới mệnh giá, bản thân TTF sẽ phải chịu một khoản thâm hụt quỹ thặng dư vốn không nhỏ. Tuy nhiên, đổi lại công ty sẽ có một nguồn tiền mặt tức thời. Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của TTF đang xấu đi, nhưng chưa đến mức “bi đát” để phải đánh đổi quá nhiều. Việc phát hành đã được HĐQT công ty cân nhắc kỹ càng. Đây rõ ràng là một chiến lược đón đầu, lường trước cụ thể các khó khăn công ty có thể phải gặp trong thời gian tới.

Như đã phân tích ở trên, hàng tồn kho là một vấn đề không nhỏ đối với TTF, đặc biệt với nguyên liệu gỗ Teak. TTF dự định sẽ giải phóng hàng tồn kho, chấp nhận bán dưới giá trị sổ sách, qua đó có thể cải thiện thanh khoản, giảm chi phí kho bãi.

Đặc biệt, TTF đã chuẩn bị cho mình một kế hoạch thu hẹp quy mô sản xuất và nhiều hoạt động khác để giảm bớt thiệt hại, hay chí ít là duy trì sự tồn tại đến giai đoạn khá hơn của thị trường. Thiệt hại từ kế hoạch này mang lại có thể khiến TTF mất tới 209 – 268 tỷ đồng vốn chủ, dự định sau khi được Chính phủ “giải cứu”, con số sẽ ở mức 154 tỷ đồng. Việc phát hành thêm cổ phiếu, chấp nhận pha loãng để phát hành thêm trái phiếu chuyển đổi là nhằm mục đích giảm thiểu thiệt hại nói trên.

Phát hành cổ phiếu bổ sung với tỷ lệ 2:1, tuy nhiên, tỷ lệ pha loãng của TTF không quá cao. Theo tính toán, EPS của công ty trước khi phát hành thêm cổ phiếu đạt 1.178 đồng, sau phát hành, chỉ số này đạt 1.074 đồng, giảm 8,8%.

Với kết quả kinh doanh không nhiều khả quan gần đây, cổ tức của TTF giảm dần từ 10% năm 2009 xuống còn 5% trong năm tiếp theo. Trong 2 năm 2011 và 2012, các cổ đông của TTF không được nhận cổ tức từ công ty. TTF cho biết sau khi tăng vốn cải thiện hoạt động kinh doanh, bức tranh của TTF sẽ “sáng” hơn với tăng trưởng cả về lợi nhuận và cổ tức.

Theo kế hoạch trong bản cáo bạch phát hành thêm đợt này, LNST 2012 và 2013 của TTF ước đạt lần lượt 40 tỷ đồng và 48 tỷ đồng. Cổ tức 2013 dự kiến chi trả 10%. Kế hoạch này được hỗ trợ bởi việc giảm vốn vay ngân hàng qua thanh lý hàng tồn kho và phát hành trái phiếu, cổ phiếu…Cũng cần lưu ý, 9 tháng đầu năm 2012, LNST của TTF đạt 16,65 tỷ đồng. Như vậy, dự kiến quý 4 năm 2012, TTF sẽ đạt con số 23,35 tỷ đồng LNST.

Bản cáo bạch của TTF

Minh Thư

thunm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên