MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhựa Bình Minh muốn cơ quan thuế kết luận “ai đúng ai sai”

15-11-2013 - 22:10 PM | Doanh nghiệp

“49% cổ phần của công ty do đối tác nước ngoài nắm, chúng tôi không thể trả lời họ chung chung như cơ quan thuế trả lời DN là “đã trình Bộ Tài chính” hoặc “cơ quan thuế đang xem xét”.

Tại buổi đối thoại giữa Cục Thuế TP.HCM và người nộp thuế nhân tuần lễ Lắng nghe ý kiến người nộp thuế sáng 15-11, bà Nguyễn Thị Kim Yến, thành viên hội đồng quản trị kiêm phó tổng giám đốc Công ty CP nhựa Bình Minh đã yêu cầu cơ quan thuế sớm có kết luận vụ truy thu thuế 117 tỉ đồng của DN này.

“49% cổ phần của công ty do đối tác nước ngoài nắm, chúng tôi không thể trả lời họ chung chung như cơ quan thuế trả lời DN là “đã trình Bộ Tài chính” hoặc “cơ quan thuế đang xem xét” mà họ muốn biết cụ thể khi nào sự việc được giải quyết. Chúng tôi cũng muốn sự việc được giải quyết dứt điểm để có câu trả lời cho cổ đông”, bà Yến nói.

Bà Yến cũng bức xúc về cách hành xử của cơ quan thuế. “Cơ quan thuế ra quyết định và yêu cầu DN phải nộp 117 tỉ đồng chậm nhất 10 ngày sau khi có quyết định xử phạt. Một số tiền lớn như vậy, bằng với vốn điều lệ của cả một công ty vậy mà cơ quan thuế chỉ cho DN thời hạn 10 ngày. Phải cho DN có thời hạn để làm đơn kiến nghị chứ”, bà Yến bức xúc.

Trước đại diện Tổng Cục Thuế và Cục thuế TP.HCM bà Yến mong mỏi cơ quan thuế sớm có kết luận nhằm làm rõ “ai đúng ai sai” vì đã gần cuối năm, DN cần biết để hạch toán.

Trước kiến nghị của Bà Yến, ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục thuế TP.HCM nói cách giải quyết tình thế trước mắt là khoanh lại phạt cho doanh nghiệp, chỉ yêu cầu DN nộp số thuế truy thu. Ông Tấn cũng cho biết đã chỉ đạo Phòng Kiểm tra nội bộ giải quyết sớm cho DN.

Chính sách thuế: mỗi nơi hướng dẫn một kiểu

Tại buổi đối thoại sáng nay, nhiều cá nhân và DN cũng đã góp ý thẳng thừng với cơ quan thuế những điều "chưa được" trong thời gian qua.

Ông Đặng Văn Thuận (P.Tân Định, Q.1) nói nhiều chính sách thuế thay đổi nhưng Bộ Tài chính chậm ra thông tư gây khó khăn cho DN trong quá trình thực hiện. Điển hình Luật thuế TNCN sửa đổi có hiệu lực từ 1-7 nhưng sau đó mấy tháng Bộ Tài chính mới ra thông tư. Chưa kể nhiều văn bản pháp luật được ban hành nhưng không rõ ràng, đưa đến nhiều cách hiểu khác nhau.

“Nên sớm ban hành bộ thủ tục hành chánh thuế, chứ hiện mỗi nơi hướng dẫn một kiểu", ông Thuận nói.

Đại diện Công ty Điện tử Samsung thì bức xúc vì quy định viết tắt tên công ty. “TP.HCM có rất nhiều văn bản quy định viết tắt địa chỉ công ty. Nhưng ở các tỉnh không có cơ sở nào để nói chuyện”, ông này nói và dẫn ra trường hợp thực tế doanh nghiệp ở Thủ Dầu Một, Bình Dương.

Nếu viết rõ ràng thì dài quá nên DN chọn cách viết là “TTM” hoặc “ThuDauMot”, nhưng chi cục thuế các tỉnh lại nói rằng đây không phải tên tiếng Việt nên không cho khấu trừ. Nhiều DN cùng chung bức xúc này.

Bà Trần Thị Lệ Nga, Cục phó Cục thuế TP.HCM nói vấn đề viết tắt tên DN mới phát sinh gần đây và khiến nhiều DN bức xúc. Đối thoại với DN ngày 5-11 vừa qua Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng đã nói tất cả chỉ tiêu của DN đã được thể hiện trên mã số thuế, nếu nghi ngờ chỉ gần gõ mã số thuế là sẽ ra hết thông tin của DN. Tuy nhiên do có quá nhiều DN vướng mắc nên Cục Thuế đã đề nghị có hướng dẫn chung nhất cho 63 tỉnh thành trên cả nước.

Sắp tới Tổng cục thuế sẽ có hướng dẫn chung về vấn đề này.

Theo ÁNH HỒNG

thanhhuong

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên