MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những ông chủ hào phóng trên sàn chứng khoán

19-06-2015 - 08:57 AM | Doanh nghiệp

Xóa nợ thì hiếm, nhưng cho doanh nghiệp vay, hoặc thậm chí lấy tài sản cá nhân để bảo đảm các khoản vay cho doanh nghiệp - không phải là quá khó tìm. Trên thị trường luôn sẵn có những ông chủ hào phóng như thế!

Khi Thuận Thảo (Công ty cổ phần Thuận Thảo - GTT) công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2014, không ít nhà đầu tư bất ngờ. Thay vì khoản lợi nhuận, dù ít ỏi - 642 triệu đồng như báo cáo công ty tự lập, báo cáo kiểm toán ghi nhận khoản lỗ lên tới gần 187 tỷ đồng.

Bỏ qua những nghi ngại về khoản lỗ khổng lồ năm 2014, điều đáng chú ý ở báo cáo kiểm toán năm 2014 chính là khoản vay mà bà Chủ tịch Võ Thị Thanh đã đồng ý xóa nợ trước đó. Theo báo cáo kiểm toán năm 2014, Bà Thanh không xóa một đồng nợ nào cho công ty.

Năm 2013, cũng với "nghiệp vụ" xóa nợ của bà Võ Thị Thanh, số nợ lên tới trên 79 tỷ đồng - GTT thoát lỗ với khoản lợi nhuận vỏn vẹn 703 triệu đồng.

Câu chuyện cho vay - xóa nợ, thậm chí vay tiền để trả nợ cho chính công ty cho vay (là công ty riêng của bà Thanh) - cũng là việc mà Thuận Thảo đã làm. Những chỉ số tài chính về đòn bẩy, khả năng thanh toán, khả năng sinh lời của GTT cũng thay đổi từ những nghiệp vụ tưởng chừng như đơn giản đó.

Về mặt nguyên tắc, có nhiều cách để một cá nhân/tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cho vay nợ. Khi mất khả năng thanh toán, số nợ nói trên có thể chuyển thành cổ phần - ít nhiều cũng là cách đỡ thiệt thòi hơn cho chủ nợ, cho dù cổ phiếu có mất giá đến thế nào đi chăng nữa.

Xóa nợ vì thế là một việc làm hi hữu trên sàn chứng khoán, nhất là khi con số lên đến hàng chục tỷ đồng.

Ngay cả Quốc Cường Gia Lai (QCG), khi bà Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Thị Như Loan cho vay đồng thời lấy tài sản riêng để đảm bảo các khoản vay, kết quả, các khoản vay của bà Loan và con gái Nguyễn Ngọc Huyền My dành cho QCG cũng được chuyển đổi thành cổ phiếu - cấn trừ công nợ.

Tính đến trước khi chuyển đổi cổ phiếu, ại thời điểm cuối quý 3/2014, Quốc Cường Gia Lai có khoản phải trả đối với bà Loan và Huyền My lần lượt 305 tỷ đồng và 390 tỷ đồng - đều dưới hình thức nhận tạm ứng. Như vậy, trong thời gian từ 30/9/2014 đến lúc cấn trừ, Quốc Cường Gia Lai còn nợ thêm bà Loan một khoản ít nhất 108 tỷ đồng - căn cứ vào giá trị cổ phiếu cấn trừ.

Sau cấn trừ công nợ, bà Loan và con gái nắm giữ trên 51% cổ phần của Quốc Cường Gia Lai. Việc liên tục cho công ty nhận tạm ứng, và cấn trừ công nợ, sở hữu quá bán cổ phần của QCG - có thể không phải là tình cờ...

Xóa nợ thì hiếm, nhưng cho doanh nghiệp vay, hoặc thậm chí lấy tài sản cá nhân để bảo đảm các khoản vay cho doanh nghiệp - không phải là quá khó tìm. Trên thị trường luôn sẵn có những ông chủ hào phóng như thế!

Theo báo cáo tài chính năm 2014, HAGL có hàng loạt các trái phiếu phát hành trong nước được đảm bảo toàn bộ hoặc từng phần bằng tổng cộng hơn 166 triệu cổ phiếu HAG do Bầu Đức sở hữu. Việc đứng ra mua 5 triệu cổ phiếu HAG của bầu Đức – có thể hiểu là hành động nhằm “cứu giá” cổ phiếu HAG, nhằm tránh nguy cơ bổ sung tài sản đảm bảo nói trên.

Tại Địa ốc Hoàng Quân (HQC), tính đến cuối năm 2014, dư nợ của công ty đối với HĐQT và Ban điều hành lên tới 313 tỷ đồng.

Tháng 3 năm 2014, ông Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Trương Anh Tuấn đã bán gần hết số lượng cổ phần HQC mà cá nhân ông Tuấn sở hữu với mục đích đầu tư vào Trường Đại học Đồng bằng Sông Cửu Long tại Tp. Cần Thơ do Địa ốc Hoàng Quân làm chủ đầu tư.

Sau khi bán ra, một thời gian sau ông Trương Anh Tuấn lại tiếp tục mua vào cổ phiếu HQC và làm cổ đông lớn của công ty này…

Tương tự, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát (HPG) cũng dùng cổ phiếu cá nhân để đảm bảo cho các khoản vay của công ty con vừa thành lập.

Một điểm dễ nhận thấy ở các ví dụ nói trên, những ông chủ hào phóng luôn giữ vị trí Chủ tịch HĐQT – là chức danh cao nhất, có trách nhiệm trong kết quả hoạt động kinh doanh của công ty, đồng thời là người đại diện công ty đứng ra cam kết bảo vệ quyền lợi của các cổ đông – mà họ là một trong số đó.

Đan Nguyên

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên