MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ lương, BHXH 20 tỉ đồng, Giám đốc Cty bỗng dưng... biến mất: Hơn 1.000 công nhân khốn đốn

28-09-2015 - 09:10 AM | Doanh nghiệp

Từ ngày 26.9, cơ quan chức năng của huyện Hóc Môn (TPHCM) đã thiết lập các điểm hướng dẫn công nhân Cty Keo Hwa Vina chốt sổ BHXH và làm thủ tục khiếu kiện Cty ra tòa. Trước đó, dù còn nợ lương công nhân và BHXH gần 20 tỉ đồng, Giám đốc Cty Keo Hwa Vina (100% vốn Hàn Quốc, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TPHCM) bỗng dưng... “biến mất”.

“Tôi mất hết cả rồi”

Liên quan đến vụ việc này, ông Huỳnh Văn Tuấn - Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn - cho biết: Giám đốc Cty Keo Hwa Vina là Koo Sun Heau hiện đã về Hàn Quốc. Ngoài nợ lương hơn 6 tỉ đồng và nợ BHXH hơn 13 tỉ đồng, Cty còn nợ hàng chục đối tác khác với số tiền rất lớn. Nhiều CN cho biết, mấy tháng qua, Giám đốc Koo không xuất hiện ở Cty.

Ông Tuấn nói thêm, theo kết quả kiểm toán cuối năm 2014, hiện tài sản của Cty còn một số máy móc trị giá 245.000 USD, trong kho còn khá nhiều nguyên phụ liệu, hàng thành phẩm ước tính trị giá khoảng 1 tỉ đồng và một số máy móc thiết bị, xe tải trị giá ước tính khoảng 1 tỉ đồng. Có mặt tại Cty, nhiều CN nước mắt ngắn dài: “Tôi mất hết cả rồi”. Chị Ngọc - CN Cty, đang mang bầu tháng thứ 5 - bật khóc: “Cả hai vợ chồng làm CN ở đây 5 năm, giờ thì tay trắng. Em sắp tới kỳ sinh, lương không có, việc không có, BHYT không có… rồi chẳng biết sẽ phải sinh con như thế nào nữa”.

Trước tình cảnh chủ DN “biến mất”, nhà xưởng bị niêm phong, cơ quan chức năng huyện Hóc Môn đã hướng dẫn CN làm thủ tục chốt sổ BHXH, làm đơn khiếu nại và ủy quyền cho LĐLĐ huyện Hóc Môn khởi kiện ra tòa đòi quyền lợi. Vừa nộp đơn cho cán bộ CĐ huyện, một CN thở dài: “Nộp đơn kiện là coi như… thả tay. Bởi tình trạng này, thành phố này có hàng trăm trường hợp rồi kết quả thế nào? CN chưa bao giờ đòi được quyền lợi từ những vụ kiện chủ DN bỏ trốn cả.

Chúng tôi biết đấy nhưng phải làm dù ngậm đắng nuốt cay, uất ức vô cùng”. Chị Hoa - làm việc ở Cty gần 2 năm - cho rằng, trước đây chị từng làm việc ở Cty Kyung Sung Vina (100% vốn Hàn Quốc, huyện Hóc Môn), năm 2013, chủ DN “biến mất”, CN khốn khổ vô cùng và cũng đi kiện. UBND TPHCM còn “ứng” cho CN mỗi người 1 triệu đồng ăn tết. Nhưng 2 năm trôi qua, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ, máy móc bị niêm phong chắc hư hết. “Cty Keo Hwa Vina rồi cũng vậy thôi. Mọi cái khó, thiệt hại CN cũng phải gánh chịu hết” - chị Hoa thở dài.

Đẩy hết cái khó về cho công nhân!

Nguyên một cán bộ CĐ huyện Hóc Môn bức xúc, các vụ việc tương tự như Cty Keo Hwa Vina không còn là chuyện hiếm, báo chí nói về tình trạng “chủ DN bỏ trốn” không sót chỗ nào nhưng có vẻ như các luật pháp vẫn vậy, cách giải quyết vẫn bế tắc. Quyền lợi của hàng ngàn CN tiếp tục bị xâm phạm mà chính quyền, pháp luật bất lực. Vị này chia sẻ: “Có một CN cay đắng nói với tôi rằng, mình mở cửa cho người ta vào nhà mình làm ăn. Người ta bắt con mình đi làm quần quật, lấy đất đai của mình đặt nhà xưởng, vay tiền của mình làm ăn, bao nhiêu lời lãi họ bỏ túi rồi biến mất. Con mình bơ vơ, đói khát mà mình cũng mặc kệ. Mình làm cha mẹ như vậy thì có được không?”.

Mặt khác, trong hoàn cảnh bi đát không có công việc, không lương, hơn 1.000 CN Cty Keo Hwa Vina có khả năng sẽ không nhận được trợ cấp thất nghiệp dù đã tham gia BHXH, BH thất nghiệp nhiều năm liền vì vướng phải Điều 2, khoản 1 thông tư 04/2013 bổ sung một số điều của thông tư 32/2010 của Bộ LĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 127/2008. Với quy định này, người đang đóng BH thất nghiệp là người có “tháng liền kề” trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt bản HĐLĐ đã đóng BH thất nghiệp. Chưa kể, thủ tục để NLĐ được hưởng trợ cấp thất nghiệp bắt buộc NLĐ phải có được quyết định chấm dứt HĐLĐ từ người sử dụng LĐ. Chị Khuyên - CN Cty - quệt nước mắt: “Tham gia BH thất nghiệp nhiều năm đến khi chúng tôi lâm vào cảnh khó khăn thì không được cái gì hết mà lỗi này đâu phải là lỗi của CN chúng tôi. Sao lại đẩy hết cái khó về cho CN như thế?”.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng: Trên thực tế, đến nay vấn đề chủ DN bỏ trốn mới chỉ được quy định tại thông tư liên tịch 06/2009 của Bộ LĐTBXH và Bộ Tài chính. Theo đó, “DN được coi là có chủ bỏ trốn là DN không có người đại diện hợp pháp đứng ra giải quyết quyền lợi của NLĐ và được UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan được UBND cấp tỉnh ủy quyền xác dịnh”. Tuy nhiên, quy định này quá chung chung, chưa đưa ra được các tiêu chí cụ thể để xác định DN có chủ bỏ trốn là như thế nào. Tình trạng chủ DN bỏ trốn hiện nay là rất phổ biến, vì thế cần luật hóa biện pháp xử lý dân sự, hình sự đối với đối tượng này. Cần xác định cơ quan nào được quyền tuyên bố chủ DN bỏ trốn, quyền xử lý tài sản của DN, thời hạn xử lý tài sản và hoàn trả tiền nợ lương, nợ BHXH cho NLĐ. Có như vậy mới đảm bảo được quyền lợi của NLĐ.

Liên quan đến tình trạng chủ DN là người nước ngoài bỏ trốn, để lại những khoản nợ lương, BHXH hàng trăm tỉ đồng, tại cuộc họp báo thường kỳ quý III của UBND TPHCM, trả lời PV Báo Lao Động, ông Võ Văn Luận - Chánh văn phòng UBND TPHCM thừa nhận tình trạng chủ DN bỏ trốn hiện nay đang gây ra rất nhiều hệ lụy cho NLĐ và thành phố. Tuy nhiên, ông Luận cũng thừa nhận hiện nay, cái khó là pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể để giải quyết tình trạng này và thành phố cũng đang kiến nghị.

 

Theo LÊ TUYẾT

Lao động

Trở lên trên