MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Đặng Thành Tâm: “Môi trường đầu tư đã như mơ ước”

04-06-2014 - 14:50 PM | Doanh nghiệp

"Lãi suất rất thấp, làm việc với ngân hàng cũng thoải mái hơn, chính quyền địa phương và người dân đã thấu hiểu với những khó khăn của Doanh nghiệp hơn…”

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) trả lời phỏng vấn phóng viên Thời báo Ngân hàng.

Là DN hoạt động trong mảng kinh doanh cho thuê đất công nghiệp, KBC gặp khó khăn gì?

Nhìn chung, những năm vừa qua đối với chúng tôi quả là có khó khăn. Nguyên nhân là do DN đầu tư “lan man” quá. Nhưng, chúng tôi đã tái cấu trúc và bán hết các dự án thuộc lĩnh vực ngoài ngành. Sau khi thanh lý xong, dù có lời, lỗ thế nào chăng nữa, nhưng ít nhất chúng tôi đỡ mất thời gian hơn, chỉ tập trung chủ yếu vào kinh doanh khu công nghiệp (KCN) để tối đa hóa năng lực. Khi doanh thu khá hơn, tiền bạc thu về tiếp tục tập trung cho xây dựng các KCN sẽ thu hút được nhiều DN hơn. Đặc biệt, cái quan trọng hơn là khi giám sát kỹ lưỡng, quản trị tốt hơn, hiệu quả hoạt động sẽ cao hơn.

Có thể hiểu là hoạt động thu hút đầu tư vào các KCN của KBC vẫn hiệu quả?

Hiện, KCN hoạt động rất tốt. Các KCN miền Trung vẫn còn khó khăn, KCN miền Nam đã bão hòa nên không tăng trưởng cao, nhưng KCN miền Bắc đang thu hút đầu tư rất mạnh. Tuy nhiên, tôi cho rằng, cũng chỉ vài năm nữa thu hút DN vào các KCN tại miền Bắc cũng bão hòa. Vì, đất đai không thể có nhiều mãi được. Khi cả hai đầu đã bão hòa thì tất nhiên NĐT sẽ phải di chuyển vào miền Trung. Tôi vẫn giữ các KCN miền Trung, nhưng sẽ xây dựng chiến lược tập trung để làm sao cho hài hòa và đạt hiệu quả về kinh tế. Bởi, không phải khách hàng đến với mình mà đưa người ta vào vị trí nào cũng được. Họ là người quyết định.

Hiện nay, việc thu hút các DN cả trong và ngoài nước của chúng tôi vẫn rất thành công. Nhiều KCN như Quế Võ (Bắc Ninh), Quang Châu (Bắc Giang), Đại Đồng - Hoàng Sơn, Trà Duệ… có tỷ lệ lấp đầy đều đạt trên 50%. Trong 7 - 10 năm tới, chắc chắn chúng tôi sẽ dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài vào các KCN. Bởi, chúng tôi có lợi thế cạnh tranh do việc đền bù, giải tỏa đất đai cho các KCN đã được thực hiện từ lâu với giá thành khá rẻ.

Khi thu hút đầu tư tốt như ông nói, môi trường đầu tư liệu có cần cải thiện gì nữa?

Chúng tôi rất mong mọi chính sách ổn định và thời hạn dài để DN tính toán phát triển sản xuất kinh doanh dài hạn. Bởi tại thời điểm này, DN chúng tôi thấy điều kiện môi trường đầu tư đã như ước mơ: lãi suất rất thấp, làm việc với ngân hàng cũng thoải mái hơn, chính quyền địa phương và người dân đã thấu hiểu với những khó khăn của DN hơn…

Tuy nhiên, vẫn có những vướng mắc có thể sửa được như cải cách thủ tục hành chính, hay khơi thông dòng vốn. Đặc biệt trong việc khơi thông dòng vốn, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn. Bởi qua suy giảm kinh tế, nhiều DN rơi vào khó khăn, kinh doanh thua lỗ, nhưng không có tài sản thế chấp nên khó tiếp cận vốn vay. Vì vậy, Chính phủ cần có chính sách cho vay dựa trên phương án kinh doanh của DN chứ không yêu cầu họ phải có tài sản thế chấp. Điều này đòi hỏi cơ chế của Nhà nước chứ các ngân hàng cố tình cho vay sẽ là vi phạm. Nhà nước phải có cơ chế xem xét ngành nghề nào đó, đặc biệt là nông nghiệp, thủy sản mũi nhọn, hay các lĩnh vực tạo nhiều công ăn việc làm như dệt may… để thực hiện thí điểm cho vay như trên.

Một trong những yếu tố có lực cản rất lớn khác hiện nay là đền bù giải phóng mặt bằng. Nguyên tắc, một đất nước muốn phát triển là phải đẩy mạnh đầu tư. Nếu ngồi trên máy bay nhìn địa bàn Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ thấy khu vực ngoại vi thành phố đất trống rất nhiều. Nhưng, nhìn vào quy hoạch nó lại kín mít. Hai cái đó mâu thuẫn với nhau và sẽ sinh ra chuyện: năng lực của chủ đầu tư cũ không rõ, nhưng nhà đầu tư lập dự án mới vô cùng khó khăn vì người ta đã lập hết rồi…

Xin cảm ơn ông!

“Chúng tôi thấy điều kiện môi trường đầu tư đã như ước mơ: lãi suất rất thấp, làm việc với ngân hàng cũng thoải mái hơn, chính quyền địa phương và người dân đã thấu hiểu với những khó khăn của DN hơn…”, ông Đặng Thành Tâm.

Theo Trần Hương


thunm

Thời báo Ngân hàng

Trở lên trên