MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Đoàn Nguyên Đức không phải người Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay

13-05-2008 - 10:43 AM | Doanh nghiệp

Cách đây gần một thế kỷ, khi tư nhân mua ôtô còn đếm được trên đầu ngón tay thì Công tử Bạc Liêu đã sở hữu máy bay cá nhân, chỉ sau vua Bảo Đại.

Công tử Bạc Liêu (còn nhiều tên khác như cậu Ba Huy, Hắc công tử…) là tên gọi mà giới ăn chơi “phong” cho Trần Trinh Huy, con trai của ông Trần Trinh Trạch, một đại điền chủ nổi tiếng giàu có ở xứ Nam Kỳ thời những năm 1930.

Trần Trinh Huy sinh năm 1900 tại Bạc Liêu, mất năm 1973. Ông được nhiều người biết đến với cái tiếng ăn chơi của mình. Nhiều giai thoại, sự kiện gắn liền với tên ông như đốt tiền nấu chè, đốt tiền kiếm nhẫn cho nghệ sĩ Phùng Há, đánh canh bạc 30.000đ ở Sài Gòn làm cả giới ăn chơi phải choáng váng…và đặc biệt là hai sự kiện mua ô tô và mua máy bay đã làm chấn động cả nước lúc bấy giờ.

Từ những năm 1925 -1930, ông được gia đình cho đi du học Pháp để lấy bằng kỹ sư, bác sĩ. Sau khi về nước thì những gì mà ông học được không phải là kỹ sư, bác sĩ mà chủ yếu là học lái xe, nhảy đầm và một chút về “nông nghiệp”.

Ông đã bàn bạc với gia đình về việc mua máy bay, vì theo như ông nói, ở bên Pháp thấy người dân Pháp đi thăm ruộng, xịt thuốc sâu cho ruộng vườn bằng máy bay vì thế ông muốn áp dụng cho điền sản nhà mình. Điền sản của gia đình Trần Trinh lúc bấy giờ có đến 145.000 hecta ruộng lúa, hơn 10.000 hecta ruộng muối cho nên mỗi lần đi thăm rất mệt, vì thế việc xúc tiến mua máy bay càng trở nên gấp gáp hơn.

Chính sự kiện mua máy bay này (cả nước chỉ có 2 chiếc: một của vua Bảo Đại và một của Công tử Bạc Liêu) và sự kiện kèm theo đó là trong một lần đi thăm ruộng ở Rạch Giá, Công tử Bạc Liêu thấy lái máy bay dễ quá cho nên đã giành lái với viên phi công người Pháp mà ông thuê và ông hứng chí lái máy bay ra Hà Tiên chơi.

Nhưng do mải miết bay đến khi kim đồng hồ chỉ hết nhiên liệu thì ông mới đáp xuống nhưng không ngờ mình đã qua địa phận Xiêm (Thái Lan) và bị chính quyền Xiêm bắt giữ. Sau đó ông Trần Trinh Trạch đã phải chở 200 ngàn dạ lúa sang chuộc Công tử Bạc Liêu và máy bay về. Cần biết thêm lúc đó chỉ có vua Bảo Đại mới có máy bay riêng.

Một tờ báo lúc bấy giờ có tên Le Courrier Saigonnais cũng đã có đăng tin về sự kiện mua máy bay này.

Cậu Ba Huy cũng đồng thời có một chiếc xe hơi thể thao Peugeot sản xuất năm 1922 mà lúc bấy giờ cả nước chỉ có 2 chiếc: một của vua Bảo Đại và một của cậu Ba Huy. Sự kiện này cũng được một số nhà văn, nhà nghiên cứu về Công tử Bạc Liêu viết trong một số sách và được cho vào phần giai thoại. Chính vì thế thực hư của nó vẫn còn được xem như một ẩn số.

Cuốn “Công tử Bạc Liêu” của nhà văn Nguyên Hùng (NXB Công an Nhân Dân năm 2001) cũng có nói đến các sự kiện này và còn nói đến một chi tiết là gia đình ông Trạch có lựa chọn giữa mua thuỷ phi thuyền Cataliana và máy bay, nhưng rồi Công tử Bạc Liêu đã quyết định nên mua máy bay.

Như vậy có thể nói “bầu” Đức không phải là người đầu tiên sở hữu máy bay cá nhân ở Việt Nam. Nhưng trong thời điểm hiện nay khi chưa có ai sở hữu máy bay cá nhân thì cũng có thể coi “bầu” Đức là người tiên phong mở màn cho việc sở hữu máy bay cá nhân tại Việt Nam.
 
Cảm ơn độc giả Hoàng Long của CafeF đã cung cấp thông tin.

Huỳnh Hải – Phạm Tâm
Dân trí

ngocdiep

Trở lên trên