MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Phạm Đình Soạn: Lỗ hổng lớn trong giám sát tài chính DNNN

04-06-2012 - 17:59 PM | Doanh nghiệp

Sau câu chuyện lãng phí, thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Vinashin, Vinalines, mới đây Bộ Tài chính lại công bố số nợ “khủng” của các doanh nghiệp Nhà nước là 415.347 tỷ đồng, chiếm khoảng 16,9% tổng dư nợ tín dụng.

Đất Việt đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Đình Soạn, nguyên Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), xung quanh vấn đề này.

Theo ông Phạm Đình Soạn, số dư nợ lớn của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước(DNNN) cần phải được phân tích thật kỹ, xem trong số nợ này đâu là bình thường, đâu không có khả năng hoàn trả. Phải thừa nhận thời gian qua đã có một lỗ hỏng quá lớn về giám sát tài chính tại các DNNN. DN thiếu vốn, phải đi vay để trang trải hoạt động kinh doanh, đầu tư là bình thường, nhưng sử dụng vốn đó không hiệu quả, dẫn tới thua lỗ thì lại là lỗi của DN.

- Một trong những nguyên nhân dẫn đến yếu kém về tài chính hiện nay mà các DN đưa ra đó là việc cổ phần hóa (CPH) rất chậm chạp và vô cùng khó khăn. Theo ông, đây có phải là nguyên nhân?

- Cũng không phải là không có cơ sở. Tôi cho rằng các đề xuất tái cơ cấu DNNN đưa ra mới chỉ tập trung giải quyết phần ngọn. Trong khi vấn đề cốt lõi là quan điểm chi tiết mang tính rõ ràng, nhất quán của quá trình này là gì thì chưa định hình và chưa “thông” từ các cấp quản lý, cho đến các DN. Đây là nguyên nhân cốt lõi khiến quá trình tái cơ cấu, CPH các DNNN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang rơi vào bế tắc.

Việc thông suốt quan điểm tái cơ cấu DNNN có ý nghĩa mở đường cho xây dựng các chính sách đúng và hiệu quả, đảm bảo cho quá trình tái cơ cấu khối DN này thành công. Nếu không, sẽ cứ loay hoay ở phần ngọn như hiện tại, trong đó, phần nhiều vẫn là kiểu sắp xếp cơ học.

Theo các chuyên gia, việc vay vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN là bình thường, nhưng sử dụng đồng vốn vay không hiệu quả thì chính DN phải chịu trách nhiệm. Ảnh: Lê Quân.

- Vậy giải pháp giúp các DN có thể CPH thành công theo ông là gì?

- CPH sẽ có những khó khăn, nhưng chúng ta phải biết tìm ra các giải pháp. Hiện nay, việc CPH còn đang diễn ra một cách “nửa vời”. Theo tôi, phải đẩy mạnh quá trình CPH, trong đó phải hướng dẫn cụ thể phương thức, như: xác định giá trị DN, tài sản hữu hình, vô hình, xử lý các khoản công nợ… trên nguyên tắc chia sẻ rủi ro. Tất cả những cách thức trên nếu làm tốt mới có thể đẩy nhanh được tiến trình CPH. Ngoài ra, phải xem xét kỹ vấn đề DNNN nắm vị trí then chốt, nhưng hai chữ “then chốt” phải được hiểu như thế nào.

Nếu hiểu đơn thuần về định lượng thì không ổn, mà phải hiểu theo định tính, tức là theo cách quản lý để xử lý những vấn đề then chốt của nền kinh tế, với sự can thiệp của Nhà nước trong khuôn khổ nền kinh tế thị trường. Còn vẫn chỉ hiểu một cách mơ hồ, cái gì DNNN cũng phải chiếm tỷ trọng cao, cái gì cũng phải nhiều thì vô cùng nguy hiểm.

- Việc thoái vốn của các DNNN đầu tư ngoài ngành cần được xử lý thế nào để giảm bớt những rủi ro và thất thoát, thưa ông?

- Theo tôi, những chỗ hoạt động không hiệu quả, gây thất thoát và thiệt hại cho Nhà nước thì cần phải “thoái” sớm. Nhưng nếu thoái vốn mà kèm theo yêu cầu vẫn phải bảo toàn được vốn thì chắc chắn sẽ rất khó khả thi, thậm chí là bế tắc.

- Với những DNNN đầu tư ngoài ngành nhưng vẫn làm ăn có hiệu quả thì có nhất thiết phải thoái vốn không?

- Tôi cho rằng trước hết hãy thực hiện từng bước: những DNNN nào kinh doanh không hiệu quả thì lập tức phải thoái vốn ngay, còn DNNN hoạt động có hiệu quả thì cứ “thoái từ từ”, không nhất thiết phải thoái vốn khi DN đó đang hoạt động tốt. Tiêu chí thoái vốn trước tiên phải nhìn vào hiệu quả, và quyết định ở nhân sự, tổ chức.

- Đến tháng 9/2011, dư nợ vay ngân hàng của các DNNN là 415.347 tỷ đồng, chiếm tới 16,9% tổng dư nợ tín dụng. Theo ông, những yếu kém về tài chính của DNNN do đâu?

- Chúng ta đang có một lỗ hổng về giám sát tài chính DN. Chẳng hạn, khi thành lập Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), tức là chuyển vốn Nhà nước từ cấp trực tiếp sang kinh doanh vốn, có một cơ quan quản lý vốn trực tiếp về phần vốn Nhà nước tại DN đối với các công ty cổ phần, nhưng mới chỉ nắm được một phần rất nhỏ, chủ yếu là với các DN trực thuộc các Bộ hay UBND tỉnh, mà sau khi CPH những DN đó thì mới nắm được phần vốn đó. Chúng ta vẫn chưa thực hiện quản lý vốn theo mô hình mới của SCIC, mới chỉ thực hiện ở một mảng DN rất nhỏ. Cho nên đã “buông” khâu quản lý, giám sát tài chính đối với các DN.

DNNN lỗ cao gấp 12 lần DNTN

Trong số nợ "khủng" 415.347 tỷ đồng của các DNNN, tập đoàn, tổng công ty, dư nợ cho vay của 12 tập đoàn kinh tế của Nhà nước lên tới 218.738 tỷ đồng, tương đương 8,76% tổng dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng và chiếm 52,66% dư nợ cho vay DNNN. Bên cạnh đó, có đến 30/85 tập đoàn và tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao hơn 3 lần, đặc biệt có 7 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ này trên 10 lần.

Tình hình tài chính tại nhiều tập đoàn, tổng công ty chưa đảm bảo các yêu cầu về an toàn tài chính, tiềm tàng nhiều nguy cơ rủi ro và đổ vỡ khi kinh doanh không hiệu quả. Mức lỗ bình quân của các tập đoàn, tổng công ty cao gấp 12 lần so với DNTN. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, DNNN phải sử dụng tới 2,2 đồng vốn để tạo ra 1 đồng doanh thu năm 2009, trong khi đó DN ngoài quốc doanh chỉ cần 1,2 đồng vốn và DN FDI là 1,3 đồng (mức trung bình của toàn bộ DN Việt Nam là 1,5 đồng).


Theo Phương Trà
Đất Việt

cucpth

Trở lên trên