MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phát triển công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao: Doanh nghiệp chưa sẵn sàng

12-06-2014 - 14:23 PM | Doanh nghiệp

Các DN điện tử có mặt tại Việt Nam phần lớn là lắp ráp, tích hợp các thành phần tạo thành sản phẩm, cụm linh kiện, trên cơ sở nhập khẩu các sản phẩm điện tử cơ bản...

Tính đến nay, tỷ lệ nội địa hóa với nhóm ngành công nghệ cao có mức thấp nhất so với ngành khác, chỉ chiếm khoảng 15-20% giá thành sản phẩm. Thực trạng này cho thấy các DN Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, dẫn tới tình trạng cung ít hơn cầu.

Chưa đáp ứng nhu cầu

Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) - ông Lê Hoài Quốc - cho biết, tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm công nghiệp mới chỉ chiếm khoảng 20%, còn 80% lại phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Đơn cử với ngành điện - điện tử, nhóm ngành hàng đang phát triển rất mạnh tại TP.HCM, với số lượng DN chiếm hơn 50% tổng số DN của cả nước về lĩnh vực này, mặc dù tỷ lệ nội địa hóa có tăng, nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 20-30%, vẫn còn quá thấp so với yêu cầu. Các DN điện tử có mặt tại Việt Nam phần lớn là lắp ráp, tích hợp các thành phần tạo thành sản phẩm, cụm linh kiện, trên cơ sở nhập khẩu các sản phẩm điện tử cơ bản, như: bảng mạch, các linh kiện bán dẫn…

Bà Sherry Boger - Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam - cho hay, hiện Intel đã trở thành một trong những nhà đầu tư chiếm tỷ trọng giá trị xuất khẩu lớn nhất tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Tuy nhiên, đến năm 2013, tỷ lệ nội địa hóa của tập đoàn này chỉ mới đạt trên 10% tổng chi tiêu cho các nhà cung cấp nội địa, tương đương khoảng 11 triệu USD. Mặc dù tập đoàn muốn tăng cường tỷ lệ nội địa hóa nhiều hơn nữa nhưng khả năng đáp ứng của các DN Việt Nam còn khá khiêm tốn.

TP.HCM cần phối hợp với Ban quản lý các khu công nghệ cao hỗ trợ từ 10-50% chi phí đào tạo cho DN công nghiệp hỗ trợ nằm trong diện các DN đã được thẩm định về hỗ trợ đào tạo của ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học…

Tương tự như Intel, ông Osato Kazuhiko - Giám đốc điều hành JETRO tại TP.HCM - cho biết, năm 2013, Nhật Bản có hơn 500 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn gần 6 tỷ USD, thế nhưng tỷ lệ cung cấp nội địa cho các công ty Nhật tại Việt Nam chưa đến 32%, chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc và Thái Lan. Đây là điều hết sức đáng tiếc!

Cần thêm chính sách

Bà Lê Bích Loan - Phó Trưởng ban SHTP - phân tích: Các DN công nghệ cao tại SHTP đã ý thức được tầm quan trọng của việc nội địa hóa nguồn cung ứng nên đã ưu tiên nhiều hơn để tìm kiếm các đối tác trong nước. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu nội địa hóa hiện chủ yếu là đáp ứng cho các sản phẩm đơn giản như bao bì, khay nhựa…, còn các linh kiện điện tử có giá trị gia tăng cao đòi hỏi trình độ công nghệ cao như linh kiện bán dẫn, linh kiện cơ khí điện tử… DN Việt Nam chưa sản xuất được. Nếu có mới chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm nhỏ lẻ, như wafer FRED của Trung tâm R&D khu công nghệ cao, cảm biến áp suất hợp tác giữa ICDREC và khu công nghệ cao…

Theo bà Phó Nam Phượng - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Đầu tư TP.HCM, trước thực trạng trên, ngoài những ưu đãi hiện có dành cho DN công nghiệp hỗ trợ, TP. HCM đã yêu cầu các sở, ban, ngành, trong đó có Ban quản lý khu công nghệ cao nghiên cứu và đề xuất các gói ưu đãi tốt hơn về thuế, hạ tầng, đào tạo nhân lực để khuyến khích DN trong nước tham gia công nghiệp hỗ trợ.

Về hạ tầng phải có chính sách ưu đãi về việc thuê đất. Ðối với vị trí đất chưa có hạ tầng thì nên tính với giá thuê ưu đãi như áp dụng chính sách cho thuê đất hiện đang được thực thi tại Khu công nghệ cao quận 9, với giá cho thuê từ 12.300-18.500 đồng/m2/năm; còn đối với đất đã có hạ tầng thì từ 17.200-26.000 đồng/m2/năm; giá thuê nhà xưởng khoảng 4-5USD/m2/năm, tùy thuộc vào vị trí.

>> Lộ trình cắt giảm thuế đến 2018: Mối lo cho ngành công nghiệp phụ trợ

Theo Ngọc Thảo

thunm

Báo công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên