MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PHR: VDSC dự báo đạt 239 tỷ đồng lợi nhuận

20-08-2009 - 09:24 AM | Doanh nghiệp

Tính theo giá ngày 19/8 thì P/E và P/B forward 2009 của PHR ở mức khá cao, đạt lần lượt 15,3 lần và 3,54 lần.

CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) là một trong 5 doanh nghiệp lớn nhất của ngành cao su tự nhiên và là doanh nghiệp lớn nhất trong số các doanh nghiệp cao su đã cổ phần hóa. Quy mô của PHR vượt trội so với các doanh nghiệp đang niêm yết như DPR hay TRC.

Doanh nghiệp lớn trong ngành cao su

Diện tích khai thác của công ty khoảng trên 15.000ha, đứng sau các công ty Cao su Đồng Nai, Dầu Tiếng, Phú Riềng và Bình Long. Năng suất khai thác vườn cây tương đối ổn định và ở mức cao của ngành (2 tấn/ha). Công ty hiện có 3 nhà máy chế biến với tổng công suất chế biến là 30.000 tấn/năm.

Kết quả kinh doanh 2005-2009 của PHR
(đơn vị: tỷ đồng)

Tuy nhiên, đất trồng cao su của công ty là loại đất ít mà mỡ, trong đó diện tích đất xấu khoảng 20%. Đây là một bất lợi lớn cho PHR vì công ty cần nhiều chi phí để cải tạo đất. Hơn nữa diện tích vườn cây trải rộng qua nhiều huyện khiến công tác quản lý khó khăn. Tỷ lệ mất mủ tại vườn của công ty lên tới 20% trong khi trung bình ngành là 10%.

Diện tích vườn cây ở mức khá vẫn sẽ là lợi thế riêng của PHR trong bối cảnh nguồn đất thích hợp để trồng cây cao su ngày càng hạn hẹp. Trong những năm tới, công ty chú trọng phát triển hoạt động khai thác – chế biến cây cao su, trong đó, việc cơ cấu lại vườn cây là ưu tiên hàng đầu.

Hiện nay, các sản phẩm của PHR chủ yếu được xuất khẩu và bán cho các đối tác chiến lược, trong đó xuất khẩu chiếm khoảng 55% doanh thu. Thị trường xuất khẩu là Hàn Quốc, Đức, Nhật… Các đối tác lớn ở thị trường nội địa bao gồm : Casumina, Công ty thực phẩm miền Nam, hợp tác xã cao su Tấn Thành, Công ty Đức Việt…

Đầu tư tài chính

Tuy diện tích khai thác trong những năm tiếp theo giảm nhưng nguồn mủ thu mua ngoài sẽ giúp công ty duy trì được sản lượng tiêu thụ không sụt giảm mạnh. Về dài hạn, dư án phát triển trồng cao su tại Campuchia do PHR trực tiếp đầu tư 100% khi đi vào khai thác từ năm 2015 sẽ là nguồn đóng góp lớn cho lợi nhuận của công ty.

Bên cạnh đó, công ty cũng đa dạng hóa hoạt động kinh doanh thông qua đầu tư tài chính với mục tiêu sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi một cách có hiệu quả bù đắp cho sự sụt giảm lợi nhuận từ cao su.

PHR đã tham gia vào khá nhiều dự án trong đó có một số dự án đã đi vào hoạt động như Thủy điện Sông Côn, Khu công nghiệp Nam Tân Uyên và dự án khu dân cư Phước Hòa sẽ có những đóng góp quan trọng vào lợi nhuận trong tương lai gần.

Khả năng sinh lời

Đặc điểm xây dựng giá thành sản xuất tại các công ty khai thác và chế biến cao su là có khả năng điều chỉnh giá thành theo biến động doanh thu. Nhờ đó, hoạt động khai thác cao su của các doanh nghiệp luôn có lãi. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp luôn có xu hướng thấp hơn những năm trước do sự biến động tăng của các chi phí khác như phân bón, hóa chất…
So sánh một số chỉ tiêu tài chính của các doanh nghiệp cao su
(Nguồn: VDSC)

So với các doanh nghiệp như TRC, DPR, HRC thì tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu của PHR thấp hơn do phải chịu chi phí chăm sóc vườn cây cao. Tuy nhiên, nhờ có quy mô lớn hơn nên tỷ lệ các chi phí như bán hàng và quản lý trên doanh thu lại tốt hơn ba doanh nghiệp trên.

Không được hưởng ưu đãi về thuế sau cổ phần hóa làm cho tỷ suất LNST/doanh thu của PHR thấp hơn hẳn 3 doanh nghiệp trên.
 
 
Vốn điều lệ
813.0
400.0
300.0
171.6
Giá ngày 19/8
45.3
56.5
58.0
41.0
Vốn hóa thị trường
3682.9
2260.0
1740.0
703.6
P/E (EPS 4 quý gần nhất)
10.9
11.5
9.6
10.7
P/B (BV tại thời điểm hiện tại)
4.2
3.2
3.3
2.1
Doanh thu 6T 2009
330.3
126.5
126.5
60.3
Lợi nhuận 6T 2009
68.4
50.8
47.1
22.5
Nguồn: CafeF, báo cáo tài chính các doanh nghiệp
 
Năm 2009, PHR đặt kế hoạch sản lượng 23.000 tấn mủ quy khô với giá bán trung bình 22 triệu đồng/tấn. Dự kiến công ty sẽ đạt mức lợi nhuận trước thuế là 225 tỷ đồng, sau thuế là 174,5 tỷ đồng và trả cổ tức năm 2009 là 12%.
 
Theo ước tính của CTCP Chứng khoán Rồng Việt, năm 2009, PHR có thể đạt được 239 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 37% kế hoạch PHR đặt ra, tương ứng với EPS ước đạt 2.957 đồng. Vốn chủ sở hữu ước đạt 1035 tỷ đồng, tương ứng với giá trị sổ sách đạt 12.805 đồng (hiện PHR có gần 472 nghìn cổ phiếu quỹ).
Tính theo giá ngày 19/8 thì P/E và P/B forward của PHR ở mức khá cao, đạt lần lượt 15,3 lần và 3,54 lần.
 
Cũng trong một phân tích mới đây, SSI cũng đưa ra nhận định rằng các cổ phiếu cao su (DPR, TRC HRC) đang được giao dịch giao dịch tại các mức P/E forward 2009 từ 12-15 lần. Với mức định giá như vậy, theo SSI, nhiều khả năng đà tăng tiếp của nhóm cổ phiếu này sẽ khó kéo dài lâu nữa, trừ phi thị trường chứng khoán chung tiếp tục tăng mạnh và/hoặc giá cao su tự nhiên thế giới tiếp tục tăng cao và bền vững.
K.A.L
Theo VDSC, SSI

duchai

Trở lên trên