MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PPC khi nào khởi sắc?

30-11-2015 - 09:06 AM | Doanh nghiệp

Dù hoạt động cốt lõi vẫn duy trì được sự ổn định, nhưng vấn đề tỷ giá tiếp tục trở thành trở ngại phát triển đối với CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC). Tuy nhiên, theo dự báo PPC sẽ có nhiều yếu tố tích cực trong năm 2016.

Vỡ kế hoạch

Kết quả kinh doanh kém khởi sắc trong năm 2015 đã ảnh hưởng không nhỏ đến giá CP PPC. Tính từ đầu năm 2015 dến nay, PPC đã giảm từ 27.000 đồng/CP xuống còn khoảng 18.000 đồng/CP (giảm 33%).

Theo BCTC quý III-2015 của PPC, lũy kế 9 tháng, doanh thu hợp nhất đạt 6.046 tỷ đồng (tăng 7,1%), lợi nhuận sau thuế đạt 443 tỷ đồng (giảm 11,2%). Với kết quả này, PPC mới hoàn thành 77% kế hoạch doanh thu và 66% kế hoạch lợi nhuận cho cả năm 2015. Như vậy, khả năng PPC không hoàn thành kế hoạch năm 2015 rất lớn. Điều đáng nói, hoạt động sản xuất kinh doanh của PPC vẫn diễn ra bình thường, thậm chí có nhiều yếu tố tích cực như sản xuất điện ổn định, doanh thu tăng trưởng nhờ tăng sản lượng tiêu thụ.

Tính đến hết quý III, sản lượng điện thương phẩm đạt 4.500 triệu KWh (tăng 7,4%). Trong năm nay, PPC chỉ trung tu tổ máy 6, trong khi năm ngoái đại tu tổ 3 và trung tu tổ 1. Sản lượng bán theo hợp đồng PPA đạt 3.800 triệu KWh (hoàn thành 79% hợp đồng trong năm). So với năm ngoái, giá điện hầu như không đổi do giá than nhập khẩu ổn định. Giá điện chỉ bắt đầu giảm nhẹ từ đầu năm đến nay do chi phí vận chuyển giảm theo giá xăng dầu.

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm đáng kể của PPC? Thực tế câu trả lời cũng không xa lạ đối với NĐT chú ý đến PPC, đó là do lỗ tỷ giá xói mòn lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi. Tính đến hết tháng 9, đồng yên Nhật (JPY) đã tăng 5% so với VNĐ, khiến PPC ghi nhận khoản lỗ tỷ giá 291 tỷ đồng (so với cùng kỳ lãi 166 tỷ đồng).

Như vậy, lỗ từ hoạt động tài chính 139 tỷ đồng đã kéo theo sụt giảm lợi nhuận từ sản xuất điện. Tuy vậy, phân tích của CTCK Vietcombank (VCBS), kết quả kinh doanh 9 tháng chưa phản ánh hết lỗ từ hoạt động đầu từ tài chính, bởi kết quả kinh doanh của CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (PPC đầu tư 817 tỷ đồng) khá bi đát.

Nguyên nhân do doanh nghiệp này ghi nhận 500 tỷ đồng lỗ tỷ giá trong kỳ do đồng USD và JPY tăng giá, cộng với 1.200 tỷ đồng lỗ tỷ giá trong giai đoạn xây dựng phải ghi nhận sau thời hạn 5 năm. Với tỷ lệ sở hữu 16% vào CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh, PPC đáng lẽ phải trích lập dự phòng hơn 222 tỷ đồng từ biến động tỷ giá. Do đó, nếu điều chỉnh lại kết quả kinh doanh 9 tháng (có ghi nhận khoản lỗ từ CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh), lợi nhuận sau thuế của PPC ước đạt 221 tỷ đồng, (bằng 1/2 so với cùng kỳ).

Triển vọng từ năm 2016

Tính đến tháng 11, JPY đã có dấu hiệu hạ nhiệt, chỉ còn tăng 2% so với đầu năm sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) công bố tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng và VNĐ phục hồi do động thái trì hoãn tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED).

Theo BOJ, chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới, khi lạm phát và tăng trưởng GDP vẫn chưa đạt như kỳ vọng và lượng cung tiền dự kiến khoảng 80 tỷ JPY/năm. Theo dự báo của Scotiabank, JPY sẽ ổn định từ nay đến cuối năm so với USD và dự báo tỷ giá USD/JPY cuối năm 125 JPY đổi được 1USD. Sang năm 2016, tỷ giá USD/JPY sẽ tăng hơn 4%. Nếu dựa vào mức tăng này và giả định mức tăng tỷ giá USD/VNĐ của 2 năm giống nhau (tăng 6%), rủi ro tỷ giá của PPC năm 2016 sẽ thấp hơn nhiều so với năm 2015.

Tuy nhiên, dự báo triển vọng từ hoạt động cốt lõi của PPC lại rất tích cực. Theo đó, biên lợi nhuận sẽ được cải thiện do hết khấu hao từ dây chuyền II và từ đóng góp của CTCP Nhiệt điện Hải Phòng. Giai đoạn 2009-2014, PPC đã đầu tư vào Nhiệt điện Hải Phòng 1.451 tỷ đồng (tương đương 25,97% vốn điều lệ).

Cụ thể, sản lượng sản xuất của PPC phụ thuộc vào lịch bảo dưỡng máy móc, sản lượng của các nhà máy thủy điện, nhu cầu tiêu thụ của người dân. PPC đã trình lên kế hoạch đại tu 2 tổ máy và trung tu 2 tổ máy cho năm 2016 nhưng chưa được HĐQT chấp nhận do chi phí lớn (600-700 tỷ đồng). Mặc dù ban lãnh đạo sẽ sớm thay đổi kế hoạch này nhưng việc trì hoãn sửa chữa không khả thi do các tổ máy đã đến hạn bảo dưỡng, trong khi PPC đã không thực hiện bảo dưỡng đầy đủ cho năm 2015.

Giá bán theo hợp đồng PPA đối với dây chuyền 1 sẽ hết hiệu lực sau năm 2015. Giá ký mới cho giai đoạn từ năm 2016 trở đi phụ thuộc vào chi phí đầu tư cho dây chuyền 1. Mặc dù PPC đã có kế hoạch nâng cấp dây chuyền này với tổng vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng, dự án này vẫn trong giai đoạn tư vấn và chưa sớm thực hiện.

Vì vậy, nhiều khả năng giá hợp đồng cho năm sau chưa phản ánh chi phí đầu tư mới mà giảm do nhà máy 1 đã hết khấu hao. Điểm tích cực của PPC nằm ở việc hết khấu hao dây chuyền 2. Ghi nhận khấu hao từ năm 2016 sẽ chỉ còn 50-60 tỷ đồng/năm so với mức 500-700 tỷ đồng như trước. Tổng hợp 2 yếu tố giá ký PPA cho dây chuyền 1 giảm và hết khấu hao, biên lợi nhuận gộp của PPC dự kiến cải thiện từ 9,2% lên 10%.

Điểm đáng chú ý, đóng góp từ CTCP Nhiệt điện Hải Phòng sẽ lớn hơn từ năm 2016 do không còn phân bổ lỗ tỷ giá trong thời gian xây dựng. Theo dự báo của VCBS, CTCP Nhiệt điện Hải Phòng sẽ có lãi sau thuế 857 tỷ đồng trong năm 2016. Với tỷ lệ sở hữu 25,97%, PPC có thể ghi nhận 223 tỷ đồng lãi từ hoạt động liên doanh liên kết này. Như vậy, dự báo kết quả kinh doanh năm 2016 của PPC, nếu loại trừ yếu tố tỷ giá ước đạt 7.325 tỷ đồng doanh thu (giảm 3%) và 882 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 145%), EPS năm 2016 đạt 2.747 đồng/CP.

Theo Kim Giang

Sài Gòn Đầu tư Tài chính

Trở lên trên