MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quên ngay chuyện Startup đi, nếu bạn không vượt qua được 5 "chướng ngại vật" sau

04-04-2016 - 09:33 AM | Doanh nghiệp

Nếu bạn đang có một công việc ổn định và một ý tưởng lớn, đừng vội đánh đổi công việc lấy tương lai Startup hào nhoáng hơn.

Trong thời điểm hiện tại có lẽ Startup là từ khoá vô cùng nóng khi người người làm Startup, nhà nhà làm Startup. Để định nghĩa về cụm từ này có lẽ mỗi cá nhân, tập thể có những cách thức khác nhau để hiểu về Startup.

Mô hình chung, Startup là những công ty mới được thành lập, thường có liên quan tới lĩnh vực công nghệ và xuất hiện để xử lý những vấn đề còn tồn đọng trong ngành đồng thời có tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai.

Mặc dù vậy, hàng loạt thống kê cho hay có tới 95% các công ty, dự án Startup thất bại thảm hại dẫn tới kết quả tồi tệ cho nhóm thành lập cũng như những nhân sự làm Startup dẫn tới việc "làm Startup" là một trong những đặc thù mạo hiểm nhất thời điểm hiện tại.

Tất nhiên, các dự án hay công ty Startup đều bắt đầu từ một ý tưởng hoàn hảo của người sáng lập sau đó họ huy động thêm bạn bè, người thân để cùng giải quyết các vấn đề, thành lập nhóm/công ty từ đó biến ý tưởng hoàn hảo trở thành sản phẩm kinh doanh và thu về lợi nhuận.

Đơn giản là vậy, thế nhưng tại sao chỉ có 5% các dự án Startup được coi là thành công? Và liệu chỉ với một ý tưởng tuyệt vời bạn có dám từ bỏ công việc hiện tại để dấn thân vào con đường đầy mạo hiểm nhưng cũng vinh quang mang tên Startup?

Bài viết sẽ cung cấp 5 khiếm khuyết từ một câu chuyện có thật để cho những nhà khởi nghiệp thấy rằng đời thật chẳng như mơ.

Đánh đổi sự ổn định để chuốc vạ vào thân

Cảm giác được làm chủ một dự án, người sáng lập đồng thời trực tiếp vận hành sản phẩm quả thật rất tuyệt vời. Trên đời có ai không muốn làm chủ? Đó chẳng phải là lý do chúng ta phấn đấu hết mình suốt từ thời còn quấn tã cho tới tận khi tốt nghiệp đại học?

Mặc dù vậy, đúng như những gì thành ngữ đã nói, chưa làm thợ đừng mong làm được thầy, nếu như không có kinh nghiệm trong lĩnh vực dự định khởi nghiệp, tốt nhất không nên mạo hiểm làm Startup vì bạn sẽ mất rất nhiều thời gian bù lấp kiến thức, kinh nghiệm để có thể hiện thực hoá ý tưởng ban đầu.


Thêm vào đó bạn có thể sẽ không làm việc trong những văn phòng kính đẹp mắt mà thay vào đó là các garage hay tầng hầm tối tăm

Thêm vào đó bạn có thể sẽ không làm việc trong những văn phòng kính đẹp mắt mà thay vào đó là các garage hay tầng hầm tối tăm

Đánh đổi giữa một công việc ổn định hiện tại và làm một dự án Startup cũng giống như việc bán toàn bộ tài sản đầu tư mạo hiểm, chưa ai biết thành công sẽ ra sao trong khi đó chúng ta mất đi khoản thu nhập ổn định hàng tháng.

Tiền, tiền và tiền

Mở một dự án Startup hay một công ty mới yêu cầu bạn cùng những người cùng sáng lập phải có nguồn tài chính ổn định hoặc ít nhất khoản tiền đầu tư đủ lớn để chi trả chi phí hoạt động của công ty cho tới khi công ty sinh lợi.

Trong quá trình làm Startup, đừng nghĩ rằng bạn có tiền và bạn có thể làm mọi thứ. Tiết kiệm trong tất cả mọi khoản chi sẽ giúp bạn kiểm soát tốt hơn tài chính của mình đồng thời dự trữ được khoản tiền đầu tư trong tương lai.

Những ai từng mở công ty hay thậm chí đơn giản chỉ là một mô hình kinh doanh nhỏ đều hiểu rằng tiền đầu tư hết nhanh như lá rụng mùa đông, những khoản chi nối tiếp nhau tới và nếu không duy trì được tài chính, bạn đang gặp vấn đề rất lớn.

Bạn có sẵn sàng tiêu tốn toàn bộ khoản tiền tiết kiệm trong thời gian dài để làm một dự án không có tương lai rõ ràng?
Bạn có sẵn sàng tiêu tốn toàn bộ khoản tiền tiết kiệm trong thời gian dài để làm một dự án không có tương lai rõ ràng?

Từ bỏ công việc ổn định để làm Startup cũng đồng nghĩa với việc bạn không có khả năng xoay vòng vốn, không có thêm thu nhập phụ để đầu tư vào dự án cũng như không có chi phí để duy trì cuộc sống, các mối quan hệ...

Thay vì bỏ tiền đi chơi cùng người thương, mua cho mình một chiếc điện thoại mới hay đơn giản chỉ là đi ăn một bữa thật ngon bạn sẽ phải suy nghĩ tới việc giấy in trên công ty đang hết, chi phí cần để mua thêm trang thiết bị hoặc thậm chí là không còn đủ tiền để ăn trong suốt quá trình làm Startup.

Một số nghiên cứu cho thấy bạn phải có đủ kinh phí duy trì công ty, dự án trong khoảng 2 năm vì trong khoảng thời gian đó, ước mơ trên sẽ hút sạch mọi khoản tiền, thời gian cũng như những công sức mà bạn có thể bỏ vào.

Nếu như không đủ chi phí duy trì, bạn có thể cân nhắc tới nhiều yếu tố khác nhau như xin hỗ trợ từ gia đình, bạn bè hoặc thậm chí mở lời với một số công ty đầu tư mặc dù khả năng chấp thuận của bạn sẽ rất nhỏ.

Đổi giờ hành chính để làm việc đến mất ngủ

Thời gian cũng là một vấn đề lớn khác khi bạn làm Startup, thay vì làm 8 giờ một ngày, 6 ngày một tuần thì bạn sẽ phải bỏ ra ít nhất 10 giờ mỗi ngày và làm việc cả tuần nếu như làm Startup.

Lý do cũng khá dễ hiểu vì khi bạn đi làm thuê cho một công ty, mọi vấn đề đã được vạch sẵn, bạn sẽ chỉ là người thực hiện, là một miếng ghép trong bộ máy đã hoạt động nhuần nhuyễn và bạn biết mình cần làm những gì để hoàn thành công việc.

Đối với Startup, mọi thứ giống như trang giấy trắng, dưới cương vị là người sáng lập, trách nhiệm của bạn sẽ là xây dựng bộ máy nói trên, ghép các chi tiết còn thiếu vào bộ máy để nó có thể hoạt động được.

Cú đêm là những gì người ta hay mô tả về người làm Startup.
"Cú đêm" là những gì người ta hay mô tả về người làm Startup.

Tất nhiên, việc xây dựng quy trình làm việc tiêu tốn rất nhiều thời gian chưa kể tới những phát sinh có thể có.

Từ thành lập workflow cho từng phòng ban, các mẫu giấy tờ, nội quy cho tới những tiểu tiết rất nhỏ mà bạn không thể nghĩ tới đều xuất hiện và nếu như bạn không kịp xây dựng bộ máy trên để nó hoạt động, các khoản chi phí phát sinh sẽ đè lên đầu bạn đồng thời bộ máy nhân sự sẽ trì trệ vì họ chẳng biết mình đang làm gì, mọi thứ họ đang làm có đúng không.

Ngoài việc thành lập quy trình, bạn cũng phải lo vô số vấn đề khác nhau trong quá trình dự án mới được hoạt động, tất cả những công việc đó bạn không thể làm trong khoảng thời gian 8 giờ ít ỏi mỗi ngày, đó chính là lý do khiến làm Startup vất vả hơn nhiều so với việc làm ở một công ty.

Mâu thuẫn với bạn bè, gia đình và có thể bị cả người yêu đá

Nếu như bạn đang có người thương, có lẽ bạn nên chuẩn bị xây dựng tâm lý cho nửa còn lại trước khi bạn làm Startup. Vì sao ư? Vì trong quá trình làm Startup bạn sẽ không có đủ thời gian cho họ, chi phí để thực hiện những buổi đi chơi lãng mạn hay những món quà và nhiều áp lực từ công việc có thể dẫn tới rạn nứt tình cảm.

Ở phía gia đình, có lẽ chẳng mấy gia đình muốn con cái mình làm một công việc đầy tính mạo hiểm và phải đánh đổi quá nhiều. Khi bạn nói với gia đình rằng: "Con sẽ bỏ việc đi mở công ty riêng!", thay vì ủng hộ ý kiến của bạn, đưa ra những lời khuyên... đa phần các gia đình sẽ ngăn cản lập tức đồng thời đưa ra cả tá lý do, những sự mạo hiểm có thể có khi làm Startup.

Trong quá trình làm bạn cũng sẽ gặp phải vô số khó khăn đơn cử như việc... vay tiền gia đình để có vốn duy trì dự án.

Bạn bè cũng sẽ cảm thấy khó hiểu vì bạn, thay vì khoe những thành tựu trong công ty, được lên lương hoặc được sếp khen tại những buổi gặp mặt bạn bè, những gì bạn nhắc đến chỉ là khó khăn trong vấn đề kinh doanh của công ty, việc giấy vệ sinh tăng giá đã làm công ty bạn khốn đốn đến mức nào... Sẽ chẳng ai hiểu những gì bạn nói vì đơn giản thôi, họ không làm những gì bạn đang làm và không sống trong giấc mơ của bạn.

Đứng đầu ngọn giáo

Làm việc ở một công ty, điều tội tệ nhất xảy ra với bạn chỉ có thể là bị đuổi việc. Sếp của bạn đôi khi sẽ giải cứu bạn trong các trường hợp khó khăn hoặc nếu bạn không thể thực hiện một đầu việc nào đó, cấp trên sẽ chỉ định người khác hoàn thiện nó... Chung quy lại, bạn có đường lùi khi đi làm một công việc ổn định trên công ty.

Còn khi bạn làm Startup thì sao? Mọi vấn đề sẽ chỉ đều tập trung vào bạn, từ việc hiệu quả không như mong muốn, anh A cãi nhau với bạn gái dẫn tới giảm hiệu quả công việc, chị B mới lấy chồng nên không thể nhận quá nhiều đầu việc cùng lúc...

Thậm chí, về mặt pháp lý, bạn chính là người chịu hoàn toàn trách nhiệm cho công ty thế nên nếu đội ngũ nhân sự gặp vấn đề ảnh hưởng tới công ty, bạn sẽ phải là người chịu trách nhiệm.

Một ngày khi toàn bộ ý tưởng ban đầu đổ bể và khác với những gì bạn tưởng tượng ra, đó cũng là ngày bạn phải chịu trách nhiệm cho rất nhiều vấn đề trong công ty.
Một ngày khi toàn bộ ý tưởng ban đầu đổ bể và khác với những gì bạn tưởng tượng ra, đó cũng là ngày bạn phải chịu trách nhiệm cho rất nhiều vấn đề trong công ty.

Vấn đề sẽ đơn giản hơn nếu như bạn may mắn chọn đúng người đồng hành có cùng chí hướng, những người sẵn sàng hi sinh lợi ích bản thân vì dự án. Thế nhưng, đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác và không nhiều người gặp may trong quá trình tìm người đồng hành.

Kết

Đánh đổi công việc ổn định để làm Startup có thể nói là quyết định dại dột với rất nhiều người vì rất nhiều yếu tố liên quan có thể khiến bạn khốn đốn và nhận ra bạn đã chọn sai. Mặc dù vậy, nếu bạn có ước mơ, có một ý tưởng đột phá và sẵn sáng vứt bỏ tất cả để theo con đường kinh doanh đầy mạo hiểm, đừng để những yếu tổ trên làm bạn chùn bước.

Theo Van Vu

Trí thức trẻ/CafeBiz

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên