MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SABECO đề nghị đối tác đổi tên

01-12-2010 - 08:38 AM | Doanh nghiệp

Nếu không "hài lòng" và sợ gây nhầm lẫn, SABECO có thể đề nghị SABECO ASIA PACIFIC thay con dấu.

Về sự việc Tổng công ty Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (SABECO) để thương hiệu đứng trước nguy cơ rơi vào tay đối tác SABECO ASIA PACIFIC tại Singapore, Giám đốc điều hành Marketing của SABECO, ông Lê Hồng Xanh, cho biết: "Phía SABECO đã yêu cầu đối tác của mình thay đổi tên công ty để tránh gây nhầm lẫn".

Đối tác đã đồng ý

Trao đổi với VEF, ông Xanh nói rằng sau những rắc rối liên quan đến thương hiệu SABECO (đã được phản ánh trong hai bài viết trên VEF), phía SABECO đã "đề nghị đối tác đổi tên để tránh gây nhầm lẫn".

"Và đối tác đã đổi tên rồi", ông Xanh khẳng định.

Khi được hỏi tên mới của đối tác, ông Xanh nói ông "không biết họ đổi thành gì".

Khi được hỏi bên SABECO đã giải thích như thế nào để đưa ra lời đề nghị đổi tên với đối tác SABECO ASIA PACIFIC, ông Xanh không trả lời và yêu cầu phóng viên liên hệ với ông Hòa (là Giám đốc Hành chính và Pháp chế của SABECO) để có câu trả lời. Tuy nhiên, khi phóng viên VEF liên hệ với ông Hòa (qua điện thoại) 4 lần vào chiều 30/11, ông Hòa không bắt máy.

Ông Xanh cũng khẳng định tính tới thời điểm này SABECO đã hoàn hành đăng ký bảo hộ cả tên công ty lẫn nhãn hiệu sản phẩm tại Singapore.

Tuy nhiên,việc đăng ký bảo hộ tên công ty mới diễn ra cách đây "khoảng 1-2 tháng" (trích lời ông Xanh), còn nhãn hiệu sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ từ cách đây "lâu rồi". Khi được hỏi "lâu là bao lâu", ông Xanh cho biết "khoảng vài năm rồi".

Trên thực tế, kế hoạch đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho logo con rồng SABECO và 4 nhãn hiệu (Saigon Larger, Saigon Export, Saigon Specicl và lon 33) tại 6 nước (Singapore, Ấn Độ, Campuchia, Myanma, Trung Quốc và Madrid của Tây Ban Nha) mới được Ban Marketing (do ông Xanh làm Giám đốc) trình lên Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Minh vào ngày 01/04/2010.

Còn việc đăng ký bảo hộ tên công ty, theo ông Xanh, là hoàn thành cách đây 1-2 tháng, song vẫn quá chậm trễ so với hợp đồng đã ký với đối tác SABECO ASIA PACIFIC tại Singapore (hợp đồng này ký ngày 11/12/2009). Tuy vậy, muộn còn hơn không!

Khi được hỏi "tại thời điểm SABECO có ý định ký hợp đồng lâu dài và có giá trị lớn với SABECO ASIA PACIFFIC, tại sao SABECO không đăng ký bảo hộ tên và nhãn hiệu trước hoặc có thỏa thuận thế nào đó để tránh xảy ra những rắc rối như thế này", ông Xanh không trả lời và lại yêu cầu phóng viên liên hệ với ông Hòa là Giám đốc Hành chính và Pháp chế của SABECO.

Tuy nhiên, ông Hòa vẫn không bắt máy.

Để xảy ra nhiều sơ suất cơ bản

Trao đổi với VEF, một luật sư chuyên về sở hữu trí tuệ tại Hà Nội (đã từng tham gia nhiều vụ kiện tụng liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ), cho biết: "Nếu ngoài hợp đồng kinh tế ra mà không còn thỏa thuận nào khác thì rõ ràng SATRACO (công ty con) và SABECO (công ty mẹ) đã chủ quan, sơ suất khi ký hợp đồng có giá trị lớn với đối tác SABECO ASIA PACIFIC".

Vị luật sư này sau khi xem xong hợp đồng nguyên tắc số 01EXC/SATRACO-AP ngày 11/12/2009 giữa SATRACO và SABECO ASIA PACIFIC đã tỏ ra khá băn khoăn. Hợp đồng này có 12 khoản, 2 phụ lục. Trong đó có khoản 1 có nội dung là "Các định nghĩa" và khoản 7 có nội dung liên quan đến "Quyền sở hữu trí tuệ".

Liên quan đến nội dung "Quyền sở hữu trí tuệ", hợp đồng này viết: "Bên A (SATRACO) trao cho bên B (SABECOASIA PACIFIC) quyền sử dụng hữu hạn đối với các thương hiệu liên quan đến các sản phẩm tại các vùng lãnh thổ chỉ vì mục đích thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định tại hợp đồng này", "Bên A đảm bảo rằng mình là chủ sở hữu đã được đăng ký các thương hiệu này và có quyền trao cho bên B quyền sử dụng các thương hiệu liên quan đến sản phẩm".

"Trong phần quy định về sở hữu trí tuệ có nhấn mạnh đến "Thương hiệu". Tuy nhiên, trong phần định nghĩa của hợp đồng thì tuyệt nhiên không nhắc đến 2 từ trên.

Nếu không có biên bảo nào khác hợp đồng này có nội dung định nghĩa về "Thương hiệu" thì rõ ràng bên SATRACO và SABECO đã sơ suất khi không đưa ra định nghĩa một cách đầy đủ, chính xác (Thương hiệu là gì, gồm những cái gì). Điều này có thể khiến đối tác "lách" và sử dụng thương hiệu tự do", vị luật sư cho biết.

Về việc không đăng ký bảo hộ tên ngay (hoặc trước) khi hợp đồng có hiệu lực, để đối tác sử dụng tên gọi và con dấu gần giống y hệt mà không có động thái/ý kiến gì (cho đến khi sự việc vỡ lở) là một sơ suất "không đáng có" nhưng lại gây ra rắc rối khá nghiêm trọng (dù việc đăng ký tên và dùng con dấu là việc hoàn toàn theo luật pháp Singapore).

Về khả năng đối tác "đã đổi tên" theo lời ông Xanh nói, hiện đang có những nghi ngờ.

"Nếu không "hài lòng" và sợ gây nhầm lẫn, SABECO có thể đề nghị SABECO ASIA PACIFIC thay con dấu. Còn tên công ty thì tôi cho là khó vì họ đăng ký tên kinh doanh theo đúng luật pháp, tại thời điểm đăng ký tên kinh doanh SABECO ASIA PACIFIC thì cái tên SABECO chưa được bảo hộ tại Singapore. Vì vậy, nếu SABECO nói là đối tác của họ bên Singapore đã đổi tên theo đề nghị của họ thì tôi không biết thực hư thế nào", vị luật sư nói.

Theo Cẩm Quyên

VEF.VN

thanhhuong

Trở lên trên