MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Sóng gió” mới tại Descon

18-06-2012 - 18:52 PM | Doanh nghiệp

Khá ồn ào với cuộc “chuyển giao quyền lực” vào cuối năm 2010, rồi bị hủy niêm yết bắt buộc từ tháng 10/211, nay DCC lại có một đợt “sóng gió” mới.

Khá ồn ào với cuộc “chuyển giao quyền lực” giữa những người cũ và người mới tại CTCP Xây dựng Công nghiệp Descon (DCC) vào cuối năm 2010, sang tháng 10/2011, cổ phiếu DCC đột ngột bị hủy niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng quy định về công bố thông tin.Từ đó, thông tin về DCC gần như bặt tăm cho đến khi mới đây, Ban kiểm soát DCC và một nhóm cổ đông có đơn thư kêu cứu cơ quan quản lý và cáo buộc các sai phạm tại Công ty.

Chủ tịch không được bầu triệu tập ĐHCĐ

Ngày 11/6 vừa qua, 3 thành viên Ban kiểm soát DCC đã ký tên vào văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở GDCK TP. HCM… Theo văn bản này, Ban kiểm soát DCC trình bày về hành vi của HĐQT vi phạm pháp luật và Điều lệ Công ty.

Cụ thể, Điều lệ Công ty quy định, HĐQT DCC gồm 5 người được bầu theo phương thức dồn phiếu tại ĐHCĐ. Năm 2011, hai thành viên HĐQT là ông Nguyễn Cửu Long và Thân Xuân Thịnh có đơn xin từ nhiệm. Ngày 5/9/2011, ba thành viên còn lại là ông Trịnh Xuân Huy, bà Nghiêm Bách Hương và ông Vũ Huy Hoàng họp HĐQT và tự ý bầu ông Nguyễn Trung Hậu và bà Nguyễn Thị Hạnh Hương làm thành viên HĐQT. Ban kiểm soát DCC đã cảnh báo việc làm này là vi phạm Luật Doanh nghiệp, tuy nhiên, các sai phạm vẫn chưa dừng lại. Ngày 27/2/2012, HĐQT DCC nhóm họp, chấp thuận ông Hậu nhận ghế Chủ tịch HĐQT chuyển giao từ vị trí của bà Hương.

Mặc dù không phải là thành viên HĐQT được ĐHCĐ DCC bầu ra hợp lệ, nhưng ngay sau khi nắm chức Chủ tịch HĐQT, ông Hậu đã tổ chức thực hiện việc đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty, cũng như thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh. Lấy danh nghĩa Chủ tịch HĐQT DCC, vừa qua, ông Hậu ký văn bản triệu tập ĐHCĐ thường niên. Đại hội được tổ chức tại TP. HCM vào cuối tháng 4, nhưng bất thành, vì nhiều cổ đông không chấp thuận vị Chủ tịch HĐQT là thành viên HĐQT không do ĐHCĐ bầu.

Đầu tháng 6 vừa qua, ông Hậu tiếp tục ký văn bản triệu tập ĐHCĐ lần thứ hai. Lần này, địa điểm tổ chức là hội trường của CTCP Beton 6 ở Bình Dương, nơi ông Hậu đang là Tổng giám đốc.

Trước các sự việc bất bình thường và kéo dài nêu trên, Ban kiểm soát DCC đề nghị Phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch đầu tư TP. HCM kiểm tra và thu hồi giấy phép kinh doanh của DCC. Mục đích là để ngăn chặn các tổn thất có thể xảy ra trong tương lai, nhằm bảo vệ quyền lợi của cổ đông DCC.

Trong văn bản “kêu cứu”, ngoài chữ ký của 3 thành viên Ban kiểm soát, còn có chữ ký của 35 cổ đông khác của DCC, bao gồm cả cổ đông lớn, cổ đông tổ chức, cựu lãnh đạo DCC, CB-CNV DCC hiện thời… Đáng lưu ý là có cả chữ ký của những người đã từng một thời ủng hộ các nhân tố mới phế truất ông Nguyễn Xuân Bảng ra khỏi ghế Chủ tịch HĐQT DCC vào cuối năm 2010.

Ba thành viên HĐQT DCC tự ý bầu 2 thành viên khác, khiến cổ đông bức xúc

Các bên nói gì về các diễn biến bất bình thường?

Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Ngọc Côn, cổ đông lớn, cựu Phó chủ tịch HĐQT DCC cho biết, mặc dù đang sở hữu và được ủy quyền gần 8% cổ phần, nhưng tại ĐHCĐ lần 1 vừa qua, các cổ đông bên ngoài như ông mới được biết nhiều việc làm sai trái của HĐQT.

Đề cập đến việc ĐHCĐ lần hai dự kiến tổ chức vào ngày 22/6 tới ở Bình Dương, ông Côn bất bình cho rằng, đây là một “tiểu xảo” của HĐQT DCC. “Việc này chắc chắn nhằm ngăn cản những cổ đông nhỏ lẻ và già cả như tôi tham dự đại hội. Họ làm vậy để dễ bề thao túng Công ty”.

Một cổ đông khác đang sở hữu 180.000 cổ phần DCC chia sẻ, ông không chỉ bất bình vì ĐHCĐ được triệu tập bởi một Chủ tịch HĐQT không do ĐHCĐ bầu ra, mà còn ở cách thức tổ chức. “Tại trụ sở của Công ty ở số 146 Nguyễn Công Trứ (TP. HCM), hội trường vẫn có thể sử dụng, tại sao phải đi tổ chức ĐHCĐ nhờ ở Công ty khác?”, cổ đông này nêu câu hỏi.

“ĐHCĐ DCC phải được triệu tập đúng luật do các thành viên HĐQT được ĐHCĐ bầu ra hợp lệ”, ông Triệu Văn Lâm, thành viên Ban kiểm soát DCC nói.

Luật sư Trần Phương Bắc, Công ty Luật hợp danh Luật Việt cho biết, theo quy định hiện hành, thành viên HĐQT không thể chỉ định, mà phải được ĐHCĐ bầu ra một cách hợp lệ. “Các quyết định liên quan đến hoạt động của CTCP xuất phát do các vị trí không được bầu ra hợp lệ ban hành, ký tá đều không có giá trị về mặt pháp lý. Các cổ đông CTCP có thể nhờ Tòa án can thiệp để bảo vệ quyền lợi của mình”, luật sư Bắc khuyến nghị.

Trao đổi với ĐTCK, bà Nguyễn Thị Hạnh Hương, Tổng giám đốc DCC cho hay, về các “sóng gió” mới nổi lên tại DCC, Công ty sẽ có phản hồi chính thức bằng văn bản trong vài ngày tới. ĐTCK sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Theo Giang Thanh
ĐTCK

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên