MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Startup: Bữa tiệc nào rồi cũng đến lúc tàn!

29-12-2015 - 12:10 PM | Doanh nghiệp

Bong bóng huy động vốn cho các công ty khởi nghiệp trị giá hàng tỷ USD, mà không có mô hình kinh doanh hay doanh thu đang càng ngày càng phình to và có thể vỡ toang bất cứ lúc nào.

Foursquare - một ứng dụng cho phép người dùng “checkin” tại các nhà hàng và cửa hiệu từng có lễ ra mắt hoành tráng vào năm 2009. Thậm chí, nó đã được vinh danh là “một trong những công ty khởi nghiệp hot nhất tại New York” theo đánh giá của chuyên trang công nghệ TechCrunch. Tuy nhiên hiện tại, Foursquare đang gặp khó khăn.

Họ đã thu về 162 triệu USD trong vòng huy động vốn trước đó. Không rõ số này còn bao nhiêu và đã được sử dụng bao nhiêu. Tuy nhiên, hiện tại Foursquare đang rơi xuống đáy - trong những điều kiện hết sức khó khăn.

Có lẽ đây cũng là hồi chuông cảnh báo đối với bong bóng huy động vốn cho các công ty khởi nghiệp trị giá hàng tỷ USD mà không hề có mô hình kinh doanh hay doanh thu. Hiện tượng này đã trở nên khá quen thuộc nhưng hiện tại nhiều nhà đầu tư đột nhiên nhìn các công ty này bằng con mắt nghiêm trọng hơn.

Theo một vài nguồn tin tiết lộ thì Foursquare “gần hoàn tất” vòng huy động vốn mới và giá trị của họ có thể ở mức 250 triệu USD. Trong khi đó, thời điểm huy động được 35 triệu USD vào năm 2013, họ đã nâng giá trị của mình lên mức 650 triệu USD. Như vậy vòng huy động vốn lần này đã sụt giảm tới 61%.

Thời kỳ đỉnh điểm vào năm 2012, Foursquare đã huy động thêm được vốn và nâng mức giá trị của mình lên 760 triệu USD. Với mức đó, giá trị của họ đã tăng tới 67%.

Được biết Foursquare hiện tại đang đàm phán với những người mua tiền năng. “Họ rất có thể sẽ bán mình thay vì kết thúc vòng huy động vốn mới khi chỉ có thể mang về được 20 triệu USD hay nhiều nhất là 40 triệu USD”.

Có một thời gian dài thông tin đồn đoán cho rằng Yahoo sẽ mua Foursquare. Nhận định này càng thêm chắc chắn trong bối cảnh Yahoo đang hướng tới lĩnh vực mới nhằm đánh lạc hướng các nhà đầu tư khi họ gặp khó khăn trong mảng kinh doanh hiện tại.

Theo Re/ code thì “ít nhất một nhà đầu tư mới sẽ tham gia vào vòng huy động vốn lần này”. Trong số các nhà đầu tư ở giai đoạn trước đó gồm có: Andreessen Horowitz, DFJ Growth, Microsoft, Silver Lake Partners, Spark Capital và Union Square Ventures.

Trường hợp của Foursquare kể trên được gọi là “vòng huy động giảm” - tức là giá trị hiện tại thậm chí thấp hơn giá trị ở giai đoạn huy động vốn trước đó. Đây là một tình huống thật sự trớ trêu trong cộng đồng khởi nghiệp.

Tất cả những gì nhân viên hy vọng, mơ ước và cả quyền chọn mua cổ phiếu đột nhiên trở nên vô giá trị. Những nhà lập trình triệu phú chóng vánh với kế hoạch nghỉ hưu ở tuổi 30 đột ngột nhận ra rằng họ cũng đang phải làm việc cực nhọc như bất kỳ ai khác. Một vài nhà đầu tư trắng tay còn các nhà sáng lập, nếu không tự bảo vệ được mình sẽ bị thải loại.

Vậy tại sao các công ty này lại trở nên như vậy? Theo trang TechCrunch thì:

Môi trường đầu tư hiện tại khiến rất nhiều công ty khởi nghiệp có tư tưởng phải ăn “bội thực” để chuẩn bị cho thời gian khó khăn phía trước. Kết quả là những công ty này coi trọng việc gọi vốn để phát triển hơn là nguy cơ giá trị công ty sẽ bị sụt giảm trong tương lai.

Tuy nhiên, với những người sở hữu cổ phần hoặc quyền chọn mua cổ phiếu, hiện tượng “vòng huy động giảm” thậm chí có khả năng tàn phá nặng nề hơn. Hàng loạt công ty khởi nghiệp đang phải trải qua những vòng huy động giảm.

Cánh cửa IPO đã đóng lại. Người mua tiềm năng là các tập đoàn lớn cũng trở nên e dè hơn. Các nhà đầu tư và nhân viên tại nhiều công ty khởi nghiệp cũng nhìn thấy ít cơ hội hơn để chuyển nguồn vốn thành lợi nhuận thật sự.

Ngoài ra, còn một vấn đề đặc biệt quan trọng nữa:

Những vòng huy động giảm cũng cho thấy các nhà đầu tư ngày càng có xu hướng thận trọng hơn đối với mảng kinh doanh cốt lõi của các doanh nghiệp. Ngoài ra, đây cũng là dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng của các công ty khởi nghiệp đang chậm lại.

Foursquare là một ví dụ. Họ đang phải tìm ra cách thức mới mẻ để đạt tốc độ phát triển ấn tượng với các nhà đầu tư.

Bản thân công ty này cũng đang nỗ lực đổi mới chính mình. Tháng 5/2014, họ chia tách ứng dụng check-in và chia sẻ địa chỉ Swarm từ ứng dụng tìm kiếm và gợi ý Foursquare. Tháng 8/2014 họ ra mắt phiên bản mới của Foursquare khi không còn ứng dụng check-in và chia sẻ địa chỉ để tập trung vào mảng tìm kiếm.

Tuy vậy những mạng xã hội khác có cùng dịch vụ như Foursquare cũng đã dần chiếm được lượng khách hàng của họ. Và sự chia tách kể trên, theo nhận định của TechCrunch "không mang lại hiệu quả nhiều về lượng truy cập".

Bản thân Foursquare vẫn còn một vài giá trị như: Dữ liệu người dùng. Dù mọi người nghĩ rằng đây là những thứ hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, thực tế nguồn dữ liệu này lại rất có giá trị về mặt kinh doanh và dịch vụ quảng cáo.

Không phải ngẫu nhiên khi Microsoft đã tạo dựng mối quan hệ với Foursquare và một phần trong thỏa thuận này là quyền được truy cập vào kho dữ liệu khổng lồ của công ty. Tới đây, dữ liệu của Foursquare sẽ xuất hiện trong phần nội dung và địa điểm của nền tảng tìm kiếm Bing trên cả Windows 8 và Windows Phone.

Tuy nhiên, quan trọng hơn Microsoft đã tìm ra được hướng đi mới trong tương lai nhờ việc khai thác cơ sở dữ liệu người dùng đó. Kể từ đây, họ sẽ liên tục spam vào những máy tính còn chạy Windows 8 hoặc 7 từ ngày này sang ngày khác cho tới khi khách hàng chấp nhận cập nhập lên Windows 10 bởi hệ điều hành này cho phép họ thâm nhập vào dữ liệu máy tính cá nhân người dùng.

Vì vậy, động thái đầu tư vào cơ sở dữ liệu người dùng của Foursquare là hoàn toàn phù hợp với chiến lược này.

Câu hỏi đặt ra là nếu như công ty nào cũng giống như Microsoft và nguồn dữ liệu người dùng trước đây tưởng chừng như miễn phí bỗng trở thành hàng hóa giao dịch thì giá trị của nó cũng bắt đầu giảm đi. Và điều này trùng khớp với hiện thực "môi trường đầu tư" như TechCrunch đã chỉ ra ở trên.

Hoá ra, bữa tiệc bắt đầu tàn trong cộng đồng khởi nghiệp!

 

Theo Vân Đàm

Trí Thức Trẻ/CafeBiz

Trở lên trên