MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

STK – Liệu giá niêm yết có hấp dẫn?

28-09-2015 - 08:00 AM | Doanh nghiệp

Ngày 30/9/2015, 42,3 triệu cổ phiếu của Công Ty Sợi Thế Kỷ (MCK: STK) sẽ chính thức được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM với mức giá khởi điểm 29.000VNĐ/cổ phần.

Tại buổi Roadshow ngày 23/9/2015 ở KS Sheraton, ông Đặng Triệu Hòa, Chủ Tịch HĐQT Công ty cho biết mức giá khởi điểm được xác định trên cơ sở triển vọng lợi nhuận của STK trong năm 2015, tiềm năng tăng trưởng của công ty trong các năm tới cũng như hệ số P/E chung của thị trường hiện nay. Ban Lãnh Đạo STK tin tưởng với giá khởi điểm này, nhà đầu tư (“NĐT”) mua cổ phiếu sẽ thu được mức lợi nhuận hấp dẫn nhờ tiềm năng tăng trưởng của STK trong các năm tới và chính sách chia cổ tức tối thiểu là 15%/năm của Công ty.

Theo đánh giá của ông Đinh Đức Minh – Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư của Công ty CK SSI (“SSI”), mức giá 29.000VNĐ/CP là mức giá hợp lý khi tính đến tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của Công ty trong những năm tới với EPS 2015 dự kiến đạt 2.978 VNĐ/CP và EPS 2016 dự kiến đạt 3.888 VNĐ/CP (trước khi chia cổ phiếu thưởng 10% cho năm 2014) và 3.534 VNĐ/CP (sau khi chia cổ phiếu thưởng 10% cho năm 2014).

Ở mức giá chào sàn 29.000VNĐ/CP, Công ty CK Đông Á (“DAS”) dự báo NĐT sẽ thu được lợi nhuận khá tốt, đặc biệt đối với NĐT nắm giữ cổ phiếu đến năm 2016 hoặc 2017. Theo định giá của DAS, giá mục tiêu cho các năm 2015, 2016 và 2017 sẽ lần lượt là 35.340 VNĐ/CP, 40.685 VNĐ/CP và 47.286 VNĐ/CP, tương ứng với mức P/E 9,9, 8,1 và 7,0 trong cùng thời kỳ. Ông Phạm Thái Bình, Phó TGĐ DAS cho biết hiện trên TTCK Việt Nam, STK là doanh nghiệp sản xuất sợi Polyester duy nhất sắp niêm yết. Nếu so sánh với các công ty tương tự được niêm yết trên thị trường quốc tế, hệ số P/E của các công ty này hiện trung bình khoảng 15,4 lần, cao hơn nhiều so với STK.

Về nguy cơ cạnh tranh từ các đối thủ nước ngoài có thể làm tỷ suất lợi nhuận của Công ty giảm sút, ông Đặng Triệu Hòa khẳng định, với doanh thu xuất khẩu chiếm 70%-80%, STK đã cạnh tranh ngang ngửa với các công ty hàng đầu trên thị trường quốc tế trong suốt 15 năm qua, nên việc có thêm đối thủ vào thị trường Việt Nam sẽ không ảnh hưởng nhiều đến khả năng bán hàng và lợi nhuận của công ty.

Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về việc liệu sức cầu yếu trong các tháng vừa qua và khả năng khách hàng chuyển sang sử dụng sợi cotton hiện đang có giảm giá có ảnh hưởng đến doanh thu của công ty hay không, ông Đặng Triệu Hòa nhận định việc khách hàng chuyển sang sử dụng cotton nhiều hơn và giảm tiêu thụ sợi Polyester là không có khả năng, vì trong thời gian qua không riêng gì cotton hạ giá mà nguyên liệu cho Polyester (PTA/MEG) cũng hạ giá. Hiện nay giá thành nguyên liệu Polyester vẫn thấp hơn Cotton ở mức USD 0,50~0,60/Kg. Ngoài ra, sự ổn định về nguồn cung và các tính năng ngày càng ưu việt đã làm cho sợi Polyester trở thành vật liệu sử dụng chính trong thiết kế sản phẩm may mặc của các hãng hàng hiệu. Ông Hòa cho biết thêm, nhu cầu sợi Polyester ở Việt Nam sẽ tăng đáng kể trong năm 2016 khi một loạt các nhà máy dệt nhuộm của nước ngoài sẽ chính thức đi vào hoạt động với tổng nhu cầu khoảng 50.000~70.000 tấn/năm, gấp 3 lần so với công suất tăng thêm của dự án Trảng Bàng 3 & 4 của STK.

Một nhà đầu tư khác quan ngại về nguy cơ lỗ tỷ giá của các khoản vay ngoại tệ. Tại ngày 30/06/2015, STK đã ghi nhận 17,9 tỷ VNĐ lỗ tỷ giá. Tuy nhiên, ông Hòa phân tích “cho dù lỗ tỷ giá có thể làm tăng chi phí tài chính, việc vay bằng USD vẫn có lợi hơn vay bằng VNĐ. Lãi suất vay USD thực tế, đã tính đến mức trượt giá, cũng chỉ khoảng 6,2% thấp hơn lãi suất bình quân của VNĐ là 7,5%. Điều đáng lưu ý là 100% trong tổng số lỗ tỷ giá 2015 của STK là lỗ chưa thực hiện của khoản vay dài hạn. Các khoản lỗ chưa thực hiện này chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận báo cáo chứ không ảnh hưởng đến dòng tiền của Công ty.” Ông Hòa cho biết thêm với tỷ trọng doanh thu xuất khẩu từ 70%-80%, STK có dư ngoại tệ để chi trả cho việc nhập khẩu NVL, chi trả nợ vay gốc và lãi ngoại tệ.

Về mức độ sở hữu cô đặc có thể ảnh hưởng tới thanh khoản và giá cổ phiếu, bà Đặng Mỹ Linh, thành viên HĐQT, cho biết rất nhiều cổ đông cá nhân đã mua cổ phiếu STK từ khi Công ty mới cổ phần hóa. Những người này chưa có cơ hội bán cổ phần ra thị trường vì công ty chưa niêm yết. “Khi cổ phiếu được niêm yết và với mức giá hợp lý, các cổ đông này sẽ bán ra để hiện thực hóa lợi nhuận. Tôi tin rằng thanh khoản của công ty sẽ tốt khi mức giá cổ phần được xác định hợp lý”, bà Linh nói .

Liệu giá cổ phiếu của STK có phù hợp với kỳ vọng của thị trường hay không? Hãy để thị trường quyết định khi cổ phiếu chính thức được niêm yết.

A.D

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên