MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tái cấu trúc DNNN: Chậm chạp!

30-10-2012 - 09:43 AM | Doanh nghiệp

Các chuyên gia đều nhận định,tái cấu trúc DNNN là lĩnh vực chậm chạp nhất trong 3 “mũi giáp công” đề án tái cấu trúc nền kinh tế.Nguyên nhân dễ thấynhất là do việc xác định vai trò của các DNNN trong nền kinh tế.

Bài 3: Tái cấu trúc DNNN: Chậm chạp!

Nhìn lại bức tranh DNNN

Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê về sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2007 - 2009 cho thấy, tỷ suất lợi nhuận trên vốn sản xuất kinh doanh của các DNNN là từ 3,5% đến 4,3%, trong khi đó của các doanh nghiệp có vốn FDI là 9,1 - 11,7%. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu cũng của giai đoạn trên của các loại hình doanh nghiệp tương ứng là từ 6,3 - 8,2% và 10,6 - 13,1%. 

Tái cấu trúc kinh tế: Giờ đang ở đâu?

Bài 1: Tái cấu trúc ngân hàng: Mới chỉ "khởi động"
Bài 2: Tái cấu trúc đầu tư công: “Có tiếng, mà không có miếng?”

Số liệu trên cho thấy hiệu quả hoạt động của các DNNN chỉ bằng khoảng 50% so với các doanh nghiệp FDI, theo đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trả nợ của các DNNN. Ngay năm 2010, tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các TĐ, TCT chỉ đạt 16,5%. Trong suốt 10 năm qua, con số này trên tổng nguồn vốn của khu vực DNNN chưa khi nào vượt quá 6%, trong khi các DN FDI luôn duy trì ở trên mức trên dưới 10%.

Theo số liệu thống kê năm 2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khối DNNN chiếm đến 70% vốn đầu tư của toàn xã hội, chiếm 50% vốn đầu tư của Nhà nước, chiếm 60% tín dụng của ngân hàng thương mại, chiếm 70% nguồn vốn ODA nhưng chỉ đóng góp chưa đến 38% GDP của nền kinh tế. Trong khi đó, khối doanh nghiệp tư nhân ít được quan tâm so với doanh nghiệp nhà nước, nhưng lại đóng góp hơn 45% GDP của nền kinh tế.

Các tập đoàn , tổng công ty do nhà nước sở hữu chiếm tỷ trong khá lớn trong cơ cấu kinh tế của đất nước. Tính đến tháng 10/2011, cả nước có 1.309 doanh nghiệp nhà nước gồm 11 tập đoàn, 11 tổng công ty đặc biệt và 74 tổng công ty. Tổng quy mô tài sản đạt 1.760 ngàn tỷ đồng và vốn chủ sở hữu gần 700 ngàn tỷ đồng.

Về kết quả hoạt động kinh doanh, đa số các DNNN có lãi và đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Các tập đoàn lãi lớn là PetroVietnam, VNPT, Vinacomin, Viettel, Sông Đà, các TCT Lương thực Miền Bắc, Miền Nam và Thương Mại Sài Gòn.

Tuy nhiên một số tập đoàn có lỗ lớn như EVN ( năm 2010 lỗ 12.313 tỷ, lũy kế hợp nhất 2010 là 24.262 tỷ), Vinashin (năm 2009 lỗ 5.000 tỷ theo kết luận của Thanh tra Chính phủ), TCT Chè Việt Nam, TCT Dâu Tơ tằm, TCT Xăng dầu Quân đội, TCT Xây dựng Công trình đường thủy... Tổng số lỗ lũy kế của các tổng công ty, tập đoàn đến ngày 31/12/2011 là 26.110 tỷ đồng.

Tính đến tháng 9/2011, dư nợ vay ngân hàng của DNNN lớn là 415.347 tỷ đồng tương đương 16,9% tổng dư nợ cả nước. Trong đó, hơn một nửa số nợ tập trung vào 12 tập đoàn kinh tế nhà nước (218.738 tỷ) chiếm 8,76% tổng dư nợ toàn ngành ngân hàng.

Ba điểm cần tập trung trong tái cấu trúc DNNN

Chính phủ yêu cầu tập trung tái cấu trúc vào ba điểm: (1) Hoàn thiện cơ chế chính sách để doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoạt động hiệu quả theo cơ chế thị trường; (2) Thúc đẩy, xây dựng cơ chế để thực hiện tốt quá trình tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty; (3) Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động đầu tư của tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), hoàn thiện cơ chế cho tổng công ty này hoạt động tái cấu trúc khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Theo Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015, được Thủ tướng phê duyệt ngày 17/7/2012. Đề án đề ra những nhiệm vụ cụ thể. Doanh nghiệp vốn nhà nước phân loại theo 3 nhóm: Doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Doanh nghiệp cổ phần hóa mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và nhóm các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài, không có khả năng khắc phục. Mỗi nhóm doanh nghiệp trên lại có những quyết sách cụ thể.

Đề án cũng xây dựng 6 giải pháp cụ thể. Trong đó có khẩn trương hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới DNNN đến năm 2015 của các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Đồng thời, xác định số lượng, danh sách cụ thể các DNNN nắm giữ 100%, nắm giữ trên 75%, nắm giữ từ 65% đến 75%, nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ và các doanh nghiệp khác.

Đề án tái cơ cấu của các DNNN phải duyệt trong quý III/2012.

Nhìn vào các động thái mới về quản lý khối DNNN, có thể thấy Chính phủ đang tỏ ra sốt sắng với việc tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty, với việc đặt ra các thời hạn khá ngắn cho việc nộp đề án, phê duyệt đề án từng đơn vị.

Quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước tiến hành vào đầu thập niên 1990 với 12.000 doanh nghiệp nhà nước, đến cuối năm 2011 còn khoảng 5000 DNNN trong đó có khoảng 1300 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, và trên 3500 doanh nghiệp mà nhà nước có cổ phần chi phối (> 51%). Các doanh nghiệp nhà nước khác được chuyển sang hình thức cổ phần hóa, công ty TNHH một thành viên,…

Việc đổi mới khu vực DNNN trong thời gian qua đã thu được một số thành tựu đáng kể. So với thời điểm những năm 90, số lượng DNNN giảm đi nhiều, đến năm 2010 tổng số DNNN đã giảm hơn 2/3, chỉ còn khoảng 1.500 doanh nghiệp có 100% của Nhà nước, thành quả đó là nhờ vào quá trình cổ phần hóa chiếm hơn 55% tổng số doanh nghiệp được tái cơ cấu.

Một số doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả đã bị giải thể, phá sản, giao, bán hoặc sáp nhập lại với nhau nhằm tăng tính bền vững cho hệ thống. Đồng thời, những doanh nghiệp có tiềm lực lớn mạnh được sắp xếp lại hình thành nên các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế nắm giữ vai trò quan trọng trong các ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia như: điện lực, dầu khí, xây dựng…

Tuy nhiên, việc Đề án tái cơ cấu DNNN đã đề ra lộ trình khá rõ cho các doanh nghiệp thuộc nhóm 1 (Nhà nước nắm giữ 100% vốn) và nhóm 2 (sau cổ phần hóa nhà nước nắm giữ một phần vốn hoặc không nắm giữ). Riêng các doanh nghiệp nhóm 3 (thua lỗ kéo dài, phải tái cơ cấu lại nợ để chuyển đổi mô hình hoạt động hoặc phá sản, giải thể) lại chưa thấy lối ra.

Cụ thể, hiện nay có bao nhiêu doanh nghiệp nhóm 3? Đang ở đâu? Thực trạng thế nào? Hướng giải quyết ra sao? Câu trả lời được chờ đợi ở các đề án thành phần. Nhưng rà soát các dự thảo do Bộ Tài chính soạn thảo nhằm phục vụ đề án tái cơ cấu DNNN lại không thấy có văn bản nào tổng kết số lượng, thực trạng các doanh nghiệp nợ nần lớn, thua lỗ, đứng trên bờ vực phá sản hoặc thực tế đã phá sản, nhưng chưa được giải quyết.

Hơn nữa, theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu tại một cuộc hội thảo hồi tháng 5 vừa qua, chất lượng nhiều đề án tái cơ cấu mà DNNN đã trình nặng về báo cáo thành tích, chung chung. Các ý tưởng, phương án tái cơ cấu không thuyết phục, chưa thực sự là tâm huyết của doanh nghiệp.

Kinh nghiệm cho thấy, ngoài việc thiếu hàng loạt hành lang pháp lý để xử lý nợ, xử lý doanh nghiệp thua lỗ, Nhà nước cũng thiếu những biện pháp mạnh tay để giải quyết triệt để số doanh nghiệp này.

Hơn nữa việc, cổ phần hóa chỉ mới là hình thức chuyển đổi chủ sở hữu của DNNN chứ chưa thực sự đúng nghĩa, chưa mang lại kết quả như mong đợi. Tư tưởng quản lý và kỹ năng quản trị chưa được cải thiện, vẫn mang nặng phong cách cũ.

 Một số chỉ tiêu về vốn và tài sản của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước[1]

Chỉ tiêu

ĐVT

2006

2010

Vốn chủ sở hữu

Tỷ đồng

317.647

653.166

Tổng tài sản

Tỷ đồng

751.698

1.799.317

Nợ phải trả

Tỷ đồng

419.991

1.088.290

Tỉ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu

%

132,22

166,62

Tỉ lệ nợ phải trả trên Tổng tài sản

%

5,87

60,48






Nguồn: Tính toán từ báo cáo của Chính phủ (2012)

Một thông tin quan trọng vừa được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đưa ra tại buổi họp báo Chính phủ chiều tối 28/10 về tiến độ sắp xếp, cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty, hiện nay, trong số 21 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì có 11 đơn vị là tập đoàn kinh tế, có 10 doanh nghiệp là tổng công ty 90, 91.

Trong số 11 tập đoàn kinh tế hiện nay, tới đây Chính phủ sẽ sắp xếp lại theo hướng là Thủ tướng chỉ có quyền hạn, trách nhiệm trực tiếp đối với một số ít các tập đoàn, số còn lại sẽ giao cho các bộ chuyên ngành, UBND cấp tỉnh và các bộ liên quan cùng quản lý và có trách nhiệm trực tiếp.
Về số lượng “chốt” các tập đoàn, tổng công ty, người phát ngôn Chính phủ khẳng định, “trong số 21 tập đoàn, tổng công ty thì tới đây chắc chắn sẽ còn dưới 10 doanh nghiệp nữa mà thôi”.

Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty cũng không có nghĩa là làm ngay mà phải có lộ trình. Bởi lẽ, việc tái cơ cấu này có liên quan đến việc bán phần vốn nhà nước đang nắm giữ. Nếu thị trường đang tốt thì bán cổ phần ra ngoài sẽ có lời, nhưng nếu thị trường xấu mà vẫn bán sẽ lỗ.



[1] Vinashin đang trong quá trình tái cơ cấu nên tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh không được thống kê trong bảng

Trí An

cucpth

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên