MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tái cấu trúc thông qua hợp nhất ngành-trường hợp ngành chế biến thủy sản

17-12-2014 - 11:43 AM | Doanh nghiệp

Sự đổ vỡ của nhiều công ty chế biến thủy sản cùng với xu hướng hợp nhất ngành khiến cho thị phần của ngành có xu hướng tập trung hóa vào một số ít công ty mạnh nhất trong ngành.

ThS. Nguyễn Tuấn Dương
ThS. Nguyễn Tuấn Dương
Giảng viên Bộ môn Tài chính doanh nghiệp - Học viện Tài chính
13 bài viết

Bối cảnh ngành dẫn đến xu hướng hợp nhất ngành

Cho đến thời điểm cuối năm 2012, ngành chế biến thủy sản lâm vào tình trạng dư thừa công suất, cạnh tranh khốc liệt dẫn đến giảm biên lợi nhuận và nhiều công ty trong ngành lâm vào tình trạng vỡ nợ.

- Khu vực doanh nghiệp nhà nước trước năm 2011 tồn tại 3 tổng công ty thủy sản nhưng quy mô nhỏ và cạnh tranh lẫn nhau; các công ty nhà nước chỉ còn chiếm một thị phần khiêm tốn trong ngành, từ đó phát sinh nhu cầu hợp nhất nhằm tăng quy mô và năng lực cạnh tranh.

- Việc đầu tư ồ ạt vào chế biến thủy sản dẫn đến dư thừa công suất: Trong giai đoạn 2008 – 2011, do dự báo về triển vọng ngành thủy sản khả quan và tình hình xuất khẩu thuận lợi, hàng loạt doanh nghiệp mới gia nhập ngành cùng với các doanh nghiệp trong ngành cũng đầu tư mở rộng quy mô kinh doanh đã dẫn đến công suất chế biến trong ngành dư thừa.

- Cạnh tranh khốc liệt thông qua thu mua giá cao và hạ giá bán xuất khẩu Nhiều doanh nghiệp trong ngành không chú trọng đầu tư cho vùng nuôi cá nguyên liệu, do đó, khi công suất chế biến dư thừa dẫn đến tình trạng tranh mua cá nguyên liệu, dẫn đến đội chi phí và giá thành. Bên cạnh đó, thị trường đầu ra trong giai đoạn này gặp nhiều khó khăn do Việt Nam liên tục bị kiện bán phá giá và áp dụng các hàng rào kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ và EU, cùng với việc các nền kinh tế lớn trên thế giới gặp khó khăn do đó, để tiêu thụ được sản phẩm, nhiều công ty trong ngành chấp nhận giảm giá bán mạnh để giải quyết hàng tồn kho. Cạnh tranh gay gắt trong ngành khiến biên lợi nhuận sụt giảm.

- Nhiều công ty đầu tư và kinh doanh dựa nhiều vào vay nợ dẫn đến gặp khó khăn trong thanh toán nợ, lâm vào tình trạng vỡ nợ: Nhiều công ty trong ngành, thậm chí là các công ty lớn, do tăng trưởng nóng, đầu tư mở rộng kinh doanh bằng vay nợ, cùng với bối cảnh lãi suất cao giai đoạn 2011 – 2012 và tình hình tiêu thụ gặp khó khăn đã lâm vào tình trạng thua lỗ lớn, không trả được nợ, mất khả năng thanh toán.

Chính vì có số lượng quá nhiều doanh nghiệp gia nhập ngành, cùng với việc cạnh tranh khốc liệt về giá, điều này dẫn đến phá vỡ cơ cấu ngành, giảm mạnh biên lợi nhuận của ngành. Nguồn tài nguyên của ngành, trong đó có diện tích nuôi trồng thủy sản bị xé lẻ và không phát huy được tính kinh tế nhờ quy mô, do đó, hiệu quả không cao. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ gây thiệt hại cho tất cả các doanh nghiệp trong ngành.

Xu hướng tái cấu trúc thông qua hợp nhất ngành

Trong bối cảnh đó, các công ty buộc phải tìm kiếm các biện pháp tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận. Một phương pháp phổ biến thường được thực hiện bởi những công ty hàng đầu trong ngành là việc thực hiện hợp nhất ngành thông qua thâu tóm, sáp nhập và hợp nhất các công ty trong ngành. Phương pháp này sẽ khiến cho số lượng doanh nghiệp trong ngành giảm xuống, giảm bớt cạnh tranh giá cả và gia tăng biên lợi nhuận dài hạn cho toàn ngành. Trong ngành thủy sản, xu hướng này diễn ra một cách mạnh mẽ và một trong những công ty chủ động thực hiện biện pháp này là Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương. Chúng ta có thể thấy một số thương vụ hợp nhất ngành tiêu biểu như:

- Thứ nhất, thương vụ hợp nhất ba tổng công ty thủy sản của nhà nước thành Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam trong năm 2011. Với mục đích hợp nhất về quy mô nhằm tạo nên một tổng công ty nhà nước mạnh của ngành thủy sản và kỳ vọng đem lại hiệu quả cao, Chính phủ đã ra quyết định hợp nhất ba tổng công ty thủy sản trong năm 2011: Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam, Tổng Công ty Thủy sản Hạ Long và Tổng Công ty Hải sản Biển Đông thành Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam.

- Thứ hai, các thương vụ mua lại của Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương (được thực hiện với sự hỗ trợ của cổ đông lớn là Công ty Chứng khoán Sài Gòn) bao gồm: mua lại Công ty cổ phần Agifish An Giang, Công ty cổ phần Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, Công ty cổ phần Lâm thủy sản Bến Tre. Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương dự kiến phấn đấu đến 2015 chiếm 30% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản và chiến lược tăng trưởng là thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập.


Hợp nhất ngành đưa đến sự tập trung thị phần và sự ổn định của cơ cấu ngành và giúp cải thiện biên lợi nhuận của ngành

Sự đổ vỡ của nhiều công ty chế biến thủy sản cùng với xu hướng hợp nhất ngành khiến cho thị phần của ngành có xu hướng tập trung hóa vào một số ít công ty mạnh nhất trong ngành. Giờ đây cạnh tranh trong ngành tập trung vào cạnh tranh giữa một số ít các tập đoàn thủy sản có tiềm lực tài chính mạnh, hoạt động với mô hình khép kín chuỗi giá trị theo hướng tích hợp dọc hoàn chỉnh từ thức ăn, con giống đến nuôi trồng và chế biến, xuất khấu thủy sản. Trong khi đó, các công ty nhỏ và không đủ tiềm lực thực hiện tích hợp dọc sẽ chỉ chiếm được một thị phần không đáng kể và có thể sẽ dần rút khỏi thị trường hoặc bị mua lại. Hiện nay, thị phần của ngành tập trung vào 5 công ty lớn nhất của ngành có quy mô vốn chủ sở hữu trên 1.000 tỷ đồng.

Việc tái cấu trúc thông qua hợp nhất ngành sẽ đem đến ba lợi ích cho các công ty chủ động thực hiện biện pháp này cũng như có lợi chung cho toàn ngành:

- Thứ nhất, đạt được tính kinh tế nhờ quy mô và ảnh hưởng tích cực tử hợp lực. Ảnh hưởng chủ yếu chuyển hóa thành lợi nhuận trong ngắn hạn là việc đạt được tính kinh tế nhờ quy mô, ví dụ như việc tối ưu hóa chuỗi giá trị, cải thiện các điều khoản mua sắm đầu vào, kiểm soát rủi ro, vị thế thị trường tốt hơn và những ảnh hưởng hợp lực. Bên cạnh đó, tiềm lực tài chính mạnh của những tập đoàn thủy sản lớn cho phép các doanh nghiệp đủ sức đầu tư chiều sâu mang tính dài hạn nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

- Thứ hai, làm giảm áp lực cạnh tranh trong ngành, đặc biệt là cạnh tranh giá cả, đưa đến một biên lợi nhuận ổn định và cao hơn hơn cho các doanh nghiệp trong ngành. Bước sang năm 2014, biên lợi nhuận của các công ty thủy sản đều có xu hướng cải thiện tích cực cho thấy hợp nhất ngành đem lại lợi ích tổng thể cho các công ty trong ngành.

- Thứ ba, việc tập trung hóa thị trường cao độ làm giảm rủi ro gia nhập ngành từ phía các đối thủ cạnh tranh trong nước và quốc tế. Để có lợi thế chi phí thấp, các công ty mới gia nhập ngành cần phải tiếp cận được tài nguyên quan trọng nhất là diện tích nuôi trồng cũng như phải xây dựng được mô hình tích hợp dọc hoàn chỉnh với quy mô đủ lớn. Điều này sẽ rất khó khăn và đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn và sẽ làm nản lòng bất kỳ công ty nào có ý định gia nhập ngành.

Ths. Nguyễn Tuấn Dương

thanhhuong

Tài chính Plus

Trở lên trên