MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao cổ đông chiến lược HFIC từ bỏ toàn bộ quyền mua trái phiếu chuyển đổi của CII?

18-06-2014 - 08:33 AM | Doanh nghiệp

Việc HFIC rao bán (và đã bán thành công) toàn bộ quyền mua trái phiếu chuyển đổi CII sắp phát hành khiến không ít nhà đầu tư băn khoăn.

Cuối tháng 5 vừa qua, Công ty tài chính Nhà nước Tp.HCM (HFIC) công bố thông tin bán đấu giá toàn bộ quyền mua trái phiếu chuyển đổi do Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM (CII) sẽ phát hành trong năm 2014.

Sẽ không có gì đáng nói nếu như HFIC không phải là đối tác chiến lược của CII, có tiếng nói trong nhiều quyết định, hỗ trợ rất nhiều cho CII trong quá trình thực hiện các dự án.

Số quyền mua nói trên của HFIC đã được bán toàn bộ, thu về trên 58 tỷ đồng. Tất nhiên, 58 tỷ đồng không phải lý do thực sự cho một đối tác lớn như HFIC.

Xem thêm: Quyền mua trái phiếu chuyển đổi CII 'đắt khách', HFIC thu về trên 58 tỷ đồng

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Diệp Dũng - Tổng giám đốc HFIC xung quanh vấn đề này.

- Xin ông cho biết lý do vì sao HFIC đưa ra quyết định chào bán toàn bộ quyền mua trái phiếu chuyển đổi của CII?

HFIC (trước đây là HIFU – Quỹ đầu tư phát triển TP.HCM) với tư cách là cổ đông sáng lập, luôn ủng hộ và đồng hành cùng CII trong suốt quá trình phát triển, thông qua việc góp vốn đầu tư, tham gia Hội đồng quản trị CII, hỗ trợ vốn trực tiếp và làm trung gian trong việc huy động vốn cho CII để triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật của thành phố.

Hiện nay, về hoạt động đầu tư và cho vay, HFIC phải tuân thủ quy định về giới hạn đầu tư và cho vay tại Nghị định số 37/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28/8/2007 về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.

Việc HFIC tham gia mua TPCĐ 2014 của CII sẽ liên quan trực tiếp đến việc đảm bảo các quy định về giới hạn đầu tư và cho vay của HFIC. Cụ thể, nếu HFIC tham gia mua TPCĐ 2014 của CII, tổng giá trị các khoản đầu tư và cho vay của HFIC tại CII sẽ vượt mức giới hạn tối đa theo quy định là 30% vốn chủ sở hữu. Đó là nguyên nhân khiến chúng tôi quyết định chào bán toàn bộ quyền mua TPCĐ sau khi đã trao đổi bàn bạc với CII.

Trước đây, CII từng tuyên bố xung quanh việc điều chỉnh giá trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ) đã phát hành cho HFIC: “việc có ứng xử tốt với HFIC là cần thiết trong việc duy trì thương hiệu HFIC trong cấu trúc các nhà đầu tư lớn ở CII”. Vậy sau việc này, về lâu dài, tỷ trọng sở hữu của HFIC sẽ giảm, quan hệ nói trên có gì thay đổi không?

Việc HFIC không tham gia đầu tư mua TPCĐ 2014 do CII phát hành không ảnh hưởng đến mối quan hệ chiến lược, lâu dài giữa HFIC và CII. Giá trị các khoản đầu tư trực tiếp vào CII luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong toàn bộ danh mục đầu tư của HFIC. Bên cạnh đó, HFIC và CII đang hợp tác triển khai đầu tư một số dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật trọng điểm của thành phố như: Dự án giảm thất thoát nước vùng 4,5,6; Dự án khai thác tổng hợp nguồn nước Dầu Tiếng - Phước Hòa; Dự án xử lý nước thải Kênh Tân Hóa - Lò Gốm… với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 8.300 tỷ đồng.

Quyền mua TPCĐ 2014 được bán trên giá chào bán, ông có thể hé lộ thông tin về các đối tượng mua thành công quyền mua từ HFIC?

Đối với thông tin về các Nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá, trúng đấu giá và nhận chuyển nhượng quyền mua TPCĐ 2014 từ HFIC, theo cam kết của HFIC đối với các nhà đầu tư, các thông tin này là không được công bố ra bên ngoài. Các thông tin liên quan đến việc tổ chức bán đấu giá và kết quả đấu giá đã được HFIC công khai đầy đủ theo quy định trên các phương tiện thông tin đại chúng và website của HFIC.

Xem thêm: CII: Tổng giám đốc không kịp 'chen chân' vào đợt chào bán quyền mua của HFIC

Bên cạnh việc thu được khoảng lợi nhuận từ việc bán quyền mua TPCĐ 2014, HFIC đã cụ thể hóa vai trò là dòng vốn mồi, thu hút các nguồn vốn khác đầu tư vào CII; gián tiếp giúp CII thực hiện thành công kế hoạch huy động vốn cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố (cụ thể là đợt phát hành TPCĐ 2014) mà không cần trực tiếp góp thêm vốn vào CII.

Việc bán toàn bộ số lượng cổ phiếu của cá nhân ông Đặng Ngọc Thanh nắm giữ tại CII cũng gây ra những băn khoăn cho cổ đông của CII. Ông có thể nói thêm điều gì?

Ông Đặng Ngọc Thanh là người đại diện phần vốn của HFIC tại CII, hiện giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị CII. Với vai trò là tổ chức có liên quan đến cổ đông nội bộ của CII (tổ chức đang niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM), HFIC đã thực hiện công bố thông tin đầy đủ về việc thực hiện chuyển nhượng quyền mua TPCĐ 2014 theo đúng quy định của Luật Chứng khoán. HFIC cũng đã có sự trao đổi và được sự đồng thuận của CII đối với việc bán quyền mua TPCĐ 2014.

Đối với việc ông Đặng Ngọc Thanh thực hiện bán toàn bộ số cổ phiếu CII thuộc sở hữu cá nhân là hoàn toàn vì lý do cá nhân, không liên quan đến đợt chào bán quyền mua TPCĐ 2014 của HFIC và không có ảnh hưởng gì đối với kết quả phiên đấu giá, cũng như mối quan hệ đối tác giữa HFIC và CII.

>> Cổ đông lớn HFIC đăng ký chuyển nhượng toàn bộ quyền mua trái phiếu chuyển đổi của CII

Minh Thư

thunm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên