MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tập đoàn Mai Linh: Đàm phán bán hơn 60 triệu CP cho NĐT chiến lược giá 10.000 đồng/CP

20-05-2014 - 15:34 PM | Doanh nghiệp

Giá trị sổ sách của MLG khoảng 5.000 đồng/CP. Năm 2014, MLG đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế cho toàn hệ thống 39 tỷ đồng.

Sáng ngày 20/05/2014, Đại hội cổ đông thường niên năm tài chính 2013 của CTCP Tập đoàn Mai Linh – MLG đã được tiến hành thành công. Theo đó, tất cả các nội dung trình tại Đại hội đều được ĐHĐCĐ thống nhất thông qua.

Lỗ các năm trước do Mai Linh Express và Đầu tư trạm dừng

Năm 2013, toàn hệ thống Mai Linh đạt gần 10,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, trong đó Tập đoàn Mai Linh đóng góp 4,9 tỷ đồng; Mai Linh Miền Bắc 24,3 tỷ đồng; Mai Linh miền Trung 14,1 tỷ đồng; Mai Linh Nam Trung Bộ - Tây Nguyên lỗ 1 tỷ đồng; CTCP Sản xuất & Thương mại Mai Linh lỗ 22,9 tỷ đồng; Mai Linh miền Nam lỗ 39,9 tỷ đồng; Sài Gòn – Bình Minh 13,4 tỷ đồng, Địa ốc và Vận tải Hàng không lỗ tổng hơn 1,3 tỷ đồng

MLG chưa thể chia trả cổ tức bởi số lỗ lũy kế từ các năm trước để lại. Trả lời câu hỏi của cổ đông, đại diện Mai Linh cho biết: năm nay là năm thứ 7 Đại hội cổ đông mà Mai Linh không thực hiện chia cổ tức. “Chúng tôi thực sự xin lỗi” – Ông Hồ Huy, chủ tịch HĐQT.

Giải thích về nguyên nhân lỗ ông Huy cho biết: Lúc đầu định hướng của MLG xác định là công ty đa ngành nên đã đầu tư vào một số ngành phù hợp như:

(1) Vận tải đường dài – Mai Linh Express: MLG đã đầu tư 500 xe chạy 41 tuyến Bắc Nam với tiêu chí đóng góp cho ngành vận tải nước nhà – xóa bỏ cơm tù. MLG đã hoàn thành sứ mạng với ngành, nhưng đã không hoàn thành nhiệm vụ với nhà đầu tư – không có lợi nhuận. Đến thời điểm này lĩnh vực hoạt động này bị lỗ hơn 200 tỷ đồng.

(2) Đầu tư trạm dừng chân: MLG đã đầu tư 5 trạm dừng chân tại Quảng Bình, Đà Nẵng, Cà Ná – Ninh Thuận, 1 điểm giáp ở Tây Ninh – Tp. Hồ Chí Minh và 1 điểm ở Cái Bè. MLG cũng đã đầu tư nhà xưởng ở Tp. Hồ Chí Minh (đi kèm các dịch vụ dừng). Tổng số tiền đầu tư vào cụm lĩnh vực này là hơn 1.000 tỷ đồng. với lãi suất vay NH có lúc lên đến 36%, đến nay MLG bị lỗ hơn 1.000 tỷ đồng.

Đây là 2 khoản lỗ lớn nhất của MLG. MLG cũng nhận thấy định hướng kinh doanh đa ngành không phù hợp với Tập đoàn.

2 năm qua, MLG đã tái cấu trúc, tinh gọn nhẹ, và phát triển theo hướng ngành nghề mà Mai Linh có thế mạnh - kinh doanh taxi. MLG đã tái cơ cấu, đưa Mai Linh Express thành công ty liên kết; các công ty khác về vận tải, du lịch, thương mại đều chuyển thành công ty liên kết, không còn là công ty con. MLG đã thoái vốn khỏi thủy điện – chỉ còn nắm giữ khoảng 5% vốn.

Riêng về đất, công ty đã thế chấp NH để vay vốn giá trị 50% trong đó vốn vay tương 30% giá trị đất thẩm định được dùng làm vốn lưu động.

Trong quá trình tái cấu trúc, Mai Linh đã tinh giảm hơn 2.500 nhân viên trong hệ thống Mai Linh Express. Riêng hoạt động taxi phải tuyển thêm lái xe và đầu tư thêm đầu xe.

Đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế toàn hệ thống 39 tỷ đồng

Năm 2014, MLG đặt kế hoạch cho toàn hệ thống với chỉ tiêu doanh thu đạt 2.800 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 39 tỷ đồng; riêng Tập đoàn Mai Linh chỉ tiêu doanh thu là 809 tỷ đồng và 3,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Năm nay, MLG có chủ trương phát hành CP tăng vốn điều lệ cho Nhà đầu tư chiến lược với số lượng 60.128.337CP. Dự kiến vốn điều lệ của công ty sau khi phát hành tăng lên 1.618 tỷ đồng từ gần 1.017 tỷ đồng trước đó.

Trả lời câu hỏi về việc phát hành CP cho nhà đầu tư chiến lược, đại diện MLG cho biết: hiện công ty đang đàm phán với một số đối tác chiến lược là Ngân hàng, các đối tác quan tâm  đến ngành vận tải. Quá trình đàm phán vẫn chưa kết thúc nên MLG chưa thể công bố chi tiết cụ thể trong Đại hội này. Giá MLG đang đề nghị với NĐT chiến lược là 10.000 đồng/CP.

Q. Nguyễn

quynhnn

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên