MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thấy gì từ “cái bắt tay” giữa BCCI và Khang Điền?

01-10-2015 - 09:03 AM | Doanh nghiệp

Theo ước tính, để trở thành cổ đông lớn của BCCI, Khang Điền đã phải chi ra số tiền gần 377 tỷ đồng để mua lại cổ phiếu từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Hôm 25/9 vừa qua, CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (mã KDH) bất ngờ công bố đã trở thành cổ đông lớn, nắm giữ 20,41% cổ phần vốn điều lệ của CTCP Đầu tư Xây Dựng Bình Chánh (BCCI - mã BCI). Trước giao dịch này, KDH chưa hề nắm giữ cổ phần nào tại Bình Chánh.

BCI và KDH đều là những nhà phát triển bất động sản có tên tuổi trên thị trường. Khả năng hai doanh nghiệp “về một nhà” là vấn đề được thị trường bàn tán nhiều và thu hút không ít sự chú ý của giới đầu tư trong thời gian qua.

KDH là doanh nghiệp bất động sản có thế mạnh trong việc phát triển các dự án căn hộ, nhà liền kề và biệt thự với địa bàn chính ở khu vực phía Đông Sài Gòn (Quận 2, Quận 9).

Đặc biệt, từ khi có sự tham gia của các quỹ đầu tư ngoại như Dragon Capital, Vina Capital, Saigon Asset Management … chiến lược kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp này có sự thay đổi rõ nét.

Năm 2014, công ty lãi ròng 102,1 tỷ đồng trong khi các năm trước, con số này khá khiêm tốn; lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2015 cũng đã tương đương với lợi nhuận năm trước (đạt 101,54 tỷ đồng). Tại ĐHCĐ năm 2015, KDH đã cho biết tham vọng mở rộng quỹ đất để gia tăng số lượng dự án trong các năm tới.

Về phía BCI, theo thông tin từ CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), đây là doanh nghiệp có lợi thế nhờ quỹ đất sạch lớn nhất nhì TP. HCM với hơn 300 ha. Năm 2015, BCI đặt kế hoạch doanh thu thuần tăng 57% (379,2 tỷ đồng), trong đó có sự đóng góp của KDC Phong Phú 4 (80 tỷ đồng), các căn hộ còn lại của chung cư Nhất Lan 3 (40 tỷ đồng), cho thuê đất và cung cấp dịch vụ (90 tỷ đồng) và chuyển nhượng khu đất trên đại lộ Đông Tây và Nhất Lan 5 (150 tỷ đồng). Kế hoạch lợi nhuận sau thuế tương ứng là 120 tỷ đồng, tăng 23% so năm 2014.

Dù khá lạc quan, con số tăng trưởng lợi nhuận năm 2015 chủ yếu đến việc thanh lý các dự án cũ. Trong khi đó, việc xây dựng và kinh doanh các dự án mới hầu như chưa có bước tiến.

Như vậy, có thể thấy, với cái "bắt tay" này, hai doanh nghiệp bất động sản có thể sẽ được hưởng lợi từ những điểm mạnh của đối phương. Thứ nhất, trong khi BCI chủ yếu dựa vào lợi thế quỹ đất giá rẻ để kinh doanh các sản phẩm đất nền không mang nhiều giá trị gia tăng, KDH lại có nhiều kinh nghiệm trong việc các dự án phân khúc trung và cao cấp.

Thứ hai, hoạt động BCI những năm qua chỉ dùng ở mức ổn định mà thiếu sự đột phá. Trong khi đó, KDH dường như có thừa sự năng động để nắm bắt nhu cầu thị trường tạo ra những sản phẩm có khả năng kinh doanh cao như chuỗi dòng dự án thương hiệu Mega (Mega Residence, Mega Ruby, Mega Village …).

Thứ ba, khu Đông đang trở nên chật chội do sự tham gia của nhiều công ty bất động sản. Ngược lại, nguồn cung ở khu vực phía Nam và Tây Nam thành phố (Nhà Bè, Bình Chánh, quận 8…) không quá lớn và giá bất động sản cũng chưa tăng nhiều. Do vậy, sự tham gia của KDH được kỳ vọng sẽ mang lại “luồng gió mới” trong hoạt động kinh doanh của BCI và giúp mỗi doanh nghiệp khai thác được tối đa những thế mạnh của mình.

Theo TRẦN THÚY

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên