MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Thế hệ con tôi không có ý chí bằng chúng tôi, vì…cha chúng nó giàu hơn cha chúng tôi”

09-10-2014 - 11:30 AM | Doanh nghiệp

Không quan trọng điểm xuất phát của họ là gì nhưng họ đều có hoài bão, khát khao kinh doanh và tính chính trực

Trong vài năm trở lại đây, trong danh sách lãnh đạo tại các công ty nổi tiếng xuất hiện càng lúc càng nhiều những cái tên trẻ tuổi. Họ thu hút dư luận không chỉ bởi trẻ tuổi tài cao mà còn vì xuất thân trong những gia đình “danh gia vọng tộc”. Chính vì thế, có nhiều ý kiến cho rằng đó là sự bất công khi một con người sinh ra đã được thừa kế một gia sản to lớn, không cần phấn đấu nhiều mà vẫn giàu có, giữ chức vụ cao. Trong khi đó, bao nhiêu người khác phải vật lộn đi lên từ hai bàn tay trắng vô cùng vất vả.

Thế hệ doanh nhân “cũ” – những doanh nhân nổi tiếng đã khẳng định được thương hiệu của mình trên thương trường nói gì về điều này?

Ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen chia sẻ, từng có người nói với ông rằng “nếu giao Tập đoàn Hoa Sen cho con ông thì sẽ không bằng ông được”. Ông Vũ chỉ trả lời vì “ba nó giàu hơn ba tôi”. Nói như vậy phải chăng ông Vũ cho rằng một người trẻ sinh ra trong giàu có sẽ không thể nỗ lực và làm việc hiệu quả bằng một người đi lên từ khó khăn? Không nói nhiều về điều này, Chủ tịch của Tập đoàn Hoa Sen đơn giản khẳng định lại:

“Tập đoàn tôi không phải tập đoàn gia đình. Tôi theo đạo Phật nhưng thư ký là người công giáo, nhiều lãnh đạo khác trong công ty cũng là người công giáo. Về quan điểm cá nhân tôi, thừa kế hay đi lên từ tay trắng không quan trọng mà quan trọng hơn cả, đã là doanh nhân thì phải có trí tuệ, trách nhiệm và bản lĩnh.”

Ông chia sẻ rất thật lòng, việc kinh doanh đầu tiên cũng xuất phát từ việc phải lo cho cuộc sống bản thân và gia đình. Ai cũng muốn để lại tài sản cho con cháu nhưng với điều kiện, con cháu mình phải là người có tâm, có tầm, xứng đáng được thừa hưởng những tài sản đó.

“Người nào chính trực nhất, người nào đóng góp nhiều nhất, có trách nhiệm xã hội nhất sẽ được giao quyền cao nhất” – Ông Lê Phước Vũ nêu quan điểm của mình.

Không nhìn đời bình thản như ông Lê Phước Vũ, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Tập đoàn FPT thể hiện một nỗi lo lắng thực sự đối với một số “thiếu gia”.

“Tôi rất buồn lòng khi có những thiếu gia, không biết học bao nhiêu tiếng một ngày, dành bao nhiêu thời gian cho công việc, họ tạo dựng được giá trị gì hay có trách nhiệm gì, họ có ước mơ hoài bão gì nhưng chỉ thấy họ có rất nhiều siêu xe và … những thứ khác”

Tuy nhiên, việc cha mẹ để lại tài sản cho con cái thiết nghĩ là điều hoàn toàn bình thường trong cuộc sống này. Và những người con cũng không được lựa chọn cho mình việc sinh ra trong gia đình giàu có hay chỉ cần một gia đình “bình thường”.

Tại Việt Nam, do đặc thù lịch sử trải qua nhiều cuộc chiến tranh và những chế độ chính trị khác nhau nên không có những công ty gia đình truyền đời mấy trăm năm. Nhưng ở các nước phát triển, không lạ lẫm gì những thương hiệu đã tồn tại hàng trăm năm và được truyền từ đời này qua đời khác giữa những người chung một dòng máu.

Không phải chỉ trong phim ảnh, mà thực sự, những đứa trẻ trong gia đình đó phải chịu "chế độ" đào tạo khắc nghiệt từ nhỏ để có thể tự lập và đủ bản lĩnh gánh vác cơ nghiệp ông cha để lại.

“Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, câu tục ngữ này đã đi sâu vào văn hóa Việt Nam nhưng ông Bình quyết liệt cho rằng Việt Nam phải rời khỏi văn hóa này vì doanh nghiệp gia đình đóng góp 80% giá trị cho xã hội (theo một thống kê mà ông Bình đọc được), tức là phải cha truyền con nối nhiều đời. Như vậy có thể thấy, chủ tịch Tập đoàn FPT rất coi trọng việc để lại tài sản thừa kế cho thế hệ đi sau.

Nhưng, ông Trương Gia Bình cho biết đến bây giờ, lớp doanh nhân thời kỳ đầu như ông đã thấy đến thời điểm phải chuyển giao cơ nghiệp cho lớp trẻ và câu hỏi luôn đau đáu trong lòng những doanh nhân này là chuyển giao cho ai, cho cái gì? Ông khẳng định, Việt Nam phải chuẩn bị lớp doanh nhân kế thừa xứng đáng, nếu không, sẽ chẳng cần cuộc khủng hoảng kinh tế chính trị nào cả, những gì mà thế hệ trước gây dựng được sẽ sụp đổ dưới tay những “thiếu gia” như trên.

“Tóm lại, đó là vấn đề xã hội nhưng chúng tôi phải nói rằng, vì tình yêu, bố mẹ luôn muốn tránh cho con mình nỗi cực khổ vất vả mà họ đã trải qua trong quá khứ. Chúng tôi đã tránh được cho con mình những điều đó nhưng cuộc sống là cuộc sống thật, phải có trải nghiệm, phải có hạnh phúc, có khó khăn… thì mới là cuộc sống” – Chủ tịch của FPT chốt lại quan điểm của mình.

Góp thêm một ý kiến, ông Max Loh – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc EY Khu vực Đông Nam Á cho biết ông đã gặp gỡ nhiều doanh nhân tham gia giải thưởng EY toàn cầu từ nhiều quốc gia khác nhau, có những hoàn cảnh khác nhau nhưng họ có nhiều điểm chung hơn là sự khác biệt.

“Không quan trọng điểm xuất phát của họ là gì nhưng họ đều có hoài bão, khát khao kinh doanh và tính chính trực. Với những phẩm chất đó, họ quyết tâm tạo ra những sản phẩm dịch vụ mới cho xã hội. Tôi nghĩ cần tôn vinh tinh thần doanh nhân với cả 2 nhóm doanh nhân khởi nghiệp, dù họ đi lên từ tay trắng hay được thừa kế tài sản từ thế hệ trước.”

Theo ông Max Loh, những người “tay trắng” luôn có khát vọng và đã có ý tưởng, tạo ra được sản phẩm mới cho xã hội và làm giàu từ đó. Họ đáng được trân trọng. Còn những người thừa kế phải gánh trách nhiệm tiếp tục duy trì để Doanh nghiệp đó thành công hơn nữa. Đó cũng không phải là một việc nhẹ nhàng gì.

Bảo Ngọc

trangntm

Tài chính Plus

Trở lên trên