MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường logistics - Cuộc cạnh tranh không cân sức

18-07-2014 - 15:14 PM | Doanh nghiệp

Số doanh nghiệp nội địa chiếm tới 80% tổng số doanh nghiệp logistics ở Việt Nam nhưng chỉ chiếm gần 25% thị phần.

Cùng với sự phát triển kinh tế và gia tăng các hoạt động giao thương quốc tế, thị trường dịch vụ logistics của Việt Nam đã được khai phá và hoạt động khá sôi nổi. Tuy nhiên, dù được đánh giá là có phát triển song trên thực tế, các doanh nghiệp logistic của Việt Nam vẫn chưa có sự bứt phá tốt để khai thác hiệu quả ngành kinh tế đầy tiềm năng này. Điều này đang đặt ra một thách thức lớn trong bối cảnh thị trường logistics Việt Nam phải mở cửa hoàn toàn trong năm 2014.

Cuộc cạnh tranh không cân sức

Dịch vụ logistics có mối liên hệ mật thiết đến sự phát triển hạ tầng giao thông vận tải, cảng biển, các phương thức vận tải… Trong quy hoạch phát triển cảng biển, vận tải biển Việt Nam cũng như Dự án phát triển bền vững giao thông vận tải Việt Nam (VITRANSS2) đến năm 2020, định hướng 2030, logistics được nhìn nhận là một thành tố thiết yếu thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển.

Trong giai đoạn 2001 - 2005, hoạt động logistics, đặc biệt là logistics quốc tế đã có những bước chuyển biến đáng kể, gần như các công ty nhà nước chiếm ưu thế so với các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, các doanh nghiệp logistics Việt Nam hầu hết chỉ làm đại lý cho các công ty giao nhận vận tải có quy mô toàn cầu nước ngoài với khối lượng thuê ngoài dịch vụ chỉ ở mức khoảng 25%, phần còn lại các doanh nghiệp chủ hàng tự tổ chức đầu tư phương tiện hoặc tự làm.

Giai đoạn 2006 - 2010, thị trường dịch vụ logistics phát triển và chuyển biến mạnh mẽ hơn với khoảng 1.200 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ logistics. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam non trẻ, số vốn và tay nghề hạn chế không thể là đối thủ ngang hàng với các công ty đa quốc gia có bề dày kinh nghiệm, kỹ thuật, công nghệ và uy tín cả trăm năm.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Việt Nam có hơn 1.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics nhưng số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, kho bãi, bán buôn, bán lẻ và phát chuyển nhanh lên tới gần 140.000. Số doanh nghiệp nội địa chiếm tới 80% tổng số doanh nghiệp logistics ở Việt Nam nhưng chỉ chiếm gần 25% thị phần. Số lượng các tập đoàn lớn trên thế giới xuất hiện và hoạt động ngày càng nhiều như: APL Logistics, Maersk Logistics, NYK Logistics, Schenker, BirKart, BJ, Errmey, Sunil Mezario, Hapag Lloyd, Zim, TWT, Sun Express… có nguồn tài chính mạnh, dồi dào, nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyên nghiệp đang chiếm lĩnh tới 75% thị phần.

Hạ tầng giao thông vận tải yếu kém, không đồng bộ, đặc biệt chưa tạo ra hành lang vận tải đa phương thức trong khi nhu cầu trung chuyển chất lượng cao cho hàng hóa giữa các phương thức đang ngày càng lớn. Hệ thống công nghệ thông tin thiếu và chưa hỗ trợ hiệu quả nên chi phí logistics tại Việt Nam khá cao, chiếm 25% GDP (so với các nước phát triển chỉ từ 9 đến 15%) trong đó chi phí vận tải chiếm 30 đến 40% giá thành sản phẩm (tỷ lệ này là 15% ở các quốc gia khác), điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của dịch vụ, hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam.

Nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics chưa qua đào tạo bài bản và còn thiếu, yếu, chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt thiếu các chuyên viên logistics giỏi có năng lực ứng dụng. Cùng đó, thể chế, chính sách nhà nước với ngành logistics chưa rõ ràng, không đồng bộ, bất cập, chưa tạo điều kiện hỗ trợ ngành logistics non trẻ phát triển.

Lợi thế sân nhà

Với lợi thế sân nhà, các doanh nghiệp Việt Nam đang sở hữu phần lớn kho bãi, buộc doanh nghiệp nước ngoài phải thuê lại hoặc liên kết, liên doanh để phục vụ dịch vụ logistics. Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước hiểu được thị trường, tâm lý khách hàng, địa lý, thời tiết, văn hóa của người bản địa hơn doanh nghiệp nước ngoài. Về nhân sự, lao động Việt Nam thông minh, nhanh nhạy nên dễ dàng nắm bắt các quy trình, công nghệ tiên tiến của nước ngoài.

Thực tế, vẫn có doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh tốt với doanh nghiệp nước ngoài. Chẳng hạn, bằng các bước đi đúng đắn, Công ty Vinafco đã vượt trên các đối thủ lớn để giành quyền cung cấp dịch vụ cho các công ty như Akzo Nobel (Sơn Dulux), American Standard, Vifon… Để có được điều này, Vinafco đã thực hiện dịch vụ 3PL (logistics bên thứ ba) trọn gói từ khâu bảo quản, đóng gói, chia hàng, lưu giữ hàng hóa, thực hiện đơn hàng đến khâu vận chuyển, giao nhận, giải đáp thắc mắc, hỗ trợ các chương trình tiếp thị của nhà sản xuất, vận tải, phân phối, cung cấp các giải pháp nhằm tối ưu hóa lợi nhuận của khách hàng.

Vinafco xác định đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, hệ thống vận hành theo chuẩn mực quốc tế là giá trị cạnh tranh hàng đầu. Công ty đầu tư vào hệ thống kho theo tiêu chuẩn quốc tế, chuyên cung ứng các dịch vụ 3PL tại các vị trí kinh tế chiến lược như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Hậu Giang, có khả năng quản lý và điều tiết hàng hóa trên nhiều địa điểm trong phạm vi vùng, quốc gia, khu vực. Vinafco cũng triển khai phần mềm quản lý kho tiên tiến nhất, giúp giảm 50% thời gian làm việc của nhân viên trong việc tìm kiếm chứng từ, thắt chặt mối quan hệ với đối tác, phản ứng nhanh trước những thay đổi của thị trường.

Các chuyên gia cho rằng, muốn hòa nhập và vươn lên trong năm 2014, ngoài sự nỗ lực, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh của bản thân doanh nghiệp, Nhà nước, các ngành, địa phương không thể đứng ngoài cuộc mà phải có sự quan tâm, ủng hộ cao hơn, có sự phối hợp để khẩn trương triển khai các giải pháp đồng bộ cả trong trung hạn và dài hạn.

Theo họ, cần xây dựng quy hoạch và chiến lược phát triển ngành đến năm 2020 tầm nhìn 2030, trong đó, các trung tâm logistics có thể quy hoạch với tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đề án quy hoạch tổng thể, yêu cầu các địa phương, thành phố xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển logistics nhằm kết nối các quy hoạch, chiến lược phát triển của các ngành trong nền kinh tế.

Trong số các biện pháp cụ thể được các chuyên gia đề xuất có các đề nghị về xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố hệ thống logistics quốc gia và địa phương, thành phố; đầu tư và xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng logistics của Việt Nam theo hướng kết nối liên hoàn các loại phương tiện vận tải nhằm nâng cao hiệu quả các loại hình vận chuyển hàng hóa hiện nay mà Việt Nam có lợi thế.

Để thực thi các biện pháp này, trước hết phải sớm quy hoạch xây dựng các trung tâm logistics tại các đầu mối, cảng biển quốc tế, trục đường quốc lộ lớn để kết nối được các phương tiện vận tải trong phân phối, lưu thông hàng hóa theo mô hình: cảng biển, đường sắt, các trung tâm logistics, đường ôtô, khách hàng...

Theo cam kết hội nhập WTO và ASEAN, đến năm 2014, các doanh nghiệp logistics 100% vốn nước ngoài sẽ được phép hoạt động tại Việt Nam. Điều này cho thấy khả năng các doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh thị trường logistics Việt Nam sau năm 2014 là rất lớn và hiện hữu. Chính vì vậy, các chuyên gia cảnh báo, nếu không có một chiến lược tổng thể, kế hoạch phát triển phù hợp, kịp thời, thị trường logistics Việt Nam sẽ vẫn bị các “ông lớn” nước ngoài kiểm soát, các doanh nghiệp nội sẽ chỉ dừng lại mức làm đại lý hoặc cung cấp dịch vụ cho một số công đoạn của chuỗi dịch vụ quan trọng này. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến ngành logistics Việt Nam mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích cũng như sự phát triển kinh tế bền vững.

Nếu có chiến lược và đầu tư đúng đắn, các doanh nghiệp logistics Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển, trở thành người thay mặt cho chủ hàng quản lý và thực hiện các dịch vụ logistics, từ đó tăng thị phần của mình trên sân nhà trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

>> Chi phí hậu cần của Việt Nam chiếm tới 25% GDP

Theo Gia Bách

thunm

Thông tin tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên