MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường mới nổi: Lời giải cho bài toán tăng trưởng?

03-10-2014 - 08:37 AM | Doanh nghiệp

Những cái tên như Campuchia, Bangladesh, Myanmar, Philippines, Nam Phi, Nepan, Pakistan… sẽ nằm trong chiến lược toàn cầu hóa của FPT IS trong thời gian tới bởi ở đây có môi trường kinh doanh gần giống với Việt Nam.

Bỗng một ngày một chính sách bất chợt được đưa ra khiến doanh nghiệp phải đi tìm lại lời giải cho bài toán tăng trưởng. FPT IS cũng không nằm ngoài rủi ro đó. Ngân sách dành cho tích hợp hệ thống và dịch vụ công nghệ thông tin bị thu hẹp ở cả khối Nhà nước và tư nhân, đặc biệt là ngân sách dành cho lĩnh vực này từ khối Chính phủ và các ngân hàng đã bị thắt chặt đặt ra cho FPT IS bài toán khó: nhu cầu thị trường trong nước bị thu hẹp, làm sao để phát triển?

Đi tìm lời giải cho bài toán tăng trưởng

Theo đánh giá của CTCP chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), trong thời gian qua, nhu cầu thị trường trong nước về mảng tích hợp hệ thống và dịch vụ công nghệ thông tin bị thu hẹp ở cả khối Nhà nước và tư nhân, đặc biệt là ngân sách dành cho lĩnh vực này từ khối Chính phủ và các ngân hàng đã bị thắt chặt.

Ông Đỗ Cao Bảo thừa nhận, diễn biến thị trường này có ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của FPT IS khi gần 40% doanh thu và lợi nhuận của đơn vị này trước đó phụ thuộc chủ yếu vào lĩnh vực ngân hàng. Trong giai đoạn 2010-2013, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/doanh thu thuần từ mảng tích hợp hệ thống của FPT giảm từ 11,94% xuống còn 8,47% (báo cáo phân tích của Công ty cổ phần chứng khoán BSC).

Xét trên quy mô toàn thị trường, hiện FPT IS vẫn dẫn đầu với doanh thu năm 2013 đạt 4.476 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu của 6 công ty cổ phần khác trong cùng lĩnh vực chỉ đạt 3000 tỷ đồng, lãi gộp bằng 58% và lợi nhuận trước thuế bằng 24,8% so với FPT IS. Mặc dù vậy, người đứng đầu của FPT IS cho rằng nếu muốn tăng trưởng hơn nữa, doanh nghiệp này buộc phải tìm cách ra nước ngoài bởi miếng bánh thị trường đã ngày càng hẹp lại.

Vậy đâu sẽ là thị trường mục tiêu của FPT IS khi đi toàn cầu hóa? Ông Đỗ Cao Bảo tiết lộ, các quốc gia đang phát triển có GDP/người trên dưới 7000 USD/năm, dân số đông, trình độ công nghệ thông tin thấp chính là thị trường tiềm năng mà công ty này đang hướng tới. Những cái tên như Campuchia, Bangladesh, Myanmar, Philippines, Nam Phi, Nepan, Pakistan… sẽ nằm trong chiến lược toàn cầu hóa của FPT IS trong thời gian tới. Sở dĩ FPT IS chọn các quốc gia đang phát triển bởi ở đây có môi trường kinh doanh gần giống với Việt Nam. Luật pháp ở các nước này đang trong quá trình hoàn thiện nên đòi hỏi các đối tác khi tham gia phải có sự linh động.

“Thị trường công nghệ thông tin tại các quốc gia đang phát triển còn nhiều bất cập. Để phát triển đất nước, chính phủ các nước đang chú trọng đầu tư cho công nghệ thông tin với các dự án lên tới hàng tỉ USD. Ví dụ như tại Bangladesh, rất nhiều bài toán” công nghệ thông tin cấp quốc gia bây giờ đang cần giải quyết như thuế, thẻ công dân, hải quan, điện, nước, gas… Hiện chính phủ nước này đang thực hiện chiến lược Digital Bangladesh đến năm 2020 với trị giá 2 tỷ USD. Đây được coi là một cơ hội mở với các doanh nghiệp công nghệ thông tin, đặc biệt là FPT IS”, ông Bảo nhấn mạnh.

Liên tiếp ký được những hợp đồng trị giá hàng triệu USD từ các quốc gia đang phát triển như Lào, Campuchia, Bangladesh,… FPT xác định đây chính là thị trường mới, mở lối ra cho lĩnh vực tích hợp hệ thống và dịch vụ thông tin vốn đang gặp nhiều khó khăn trong nước.

Nhìn lại kết quả kinh doanh trong 8 tháng đầu năm 2014, ông Đỗ Cao Bảo, Chủ tịch Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) phấn khởi cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, số lượng hợp đồng của công ty này tại thị trường nước ngoài đã đạt con số 13 với tổng giá trị là 26 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với cả năm 2013 (8 triệu USD).

"Cơ hội vẫn còn nhiều nhưng sẽ không dễ dàng có được nếu doanh nghiệp không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng"

Theo nhận định của một số chuyên gia trong ngành, FPT IS có lợi thế ở nhiều lĩnh vực lớn của ngành kinh tế như thuế, cấp phát ngân sách, kho bạc, quản lý kho quỹ, cấp bằng lái xe, viễn thông, điện..., nên sẽ có nhiều cơ hội thắng thầu tại các thị trường mới nổi. Ngoài ra, ông Đỗ Cao Bảo cũng tự tin cho biết, FPT IS là một trong số không nhiều các công ty trên thế giới có sự đa dạng trong các giải pháp công nghệ nên có thể tham gia được nhiều dự án khác nhau, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường và xác xuất trúng thầu lớn hơn . Ví dụ như tại Hàn Quốc, các “bài toán” công nghệ cấp quốc gia, ngành thường phải chia cho 4-5 công ty ngang nhau, trong khi đó FPT IS có thể cung cấp nhiều giải pháp khác nhau

Trên thực tế, từ tháng 7/2013, mảng xuất khẩu giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin của FPT IS đã có cơ hội tiếp cận các dự án có giá trị lên tới hàng chục triệu USD, trong khi trước đó mỗi năm chỉ có cơ hội đạt doanh thu khoảng 5 - 8 triệu USD. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2014, FPT IS đã thắng thầu lên tới 15 triệu USD từ thị trường nước ngoài và con số này đã nâng lên 26 triệu USD vào tháng 8, tiêu biểu nhất là hai dự án “Cung cấp và triển khai Hệ thống thông tin quản lý tài chính” cho Kho bạc Nhà nước - Chính phủ Hoàng gia Campuchia trị giá gần 10 triệu USD và “Cung cấp và triển khai hệ thống quản lý thuế thu nhập tích hợp” trị giá 6,6 triệu USD cho cơ quan Thuế Bangladesh. Ông Bảo cho biết, trong năm 2014, FPT IS có cơ hội tiếp cận với 82 dự án với giá trị lên tới khoảng 580 triệu USD.

Với trải nghiệm của công ty đi tiên phong trong làn sóng thứ 2 - xuất khẩu giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin ra thị trường nước ngoài, lãnh đạo FPT IS nhận định cơ hội vẫn còn nhiều nhưng sẽ không dễ dàng có được nếu doanh nghiệp không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt. Lấy ví dụ về dự án thuế tại Bangladesh mà FPT IS vừa ký kết, ông Bảo đặc biệt nhấn mạnh đến những kinh nghiệm mà FPT IS đã làm cho ngành Thuế Việt Nam như xây dựng thành công giải pháp thuế thu nhập cá nhân trên nền tảng tiên tiến của SAP, đưa hệ thống thuế Việt Nam trở thành một trong những hệ thống trên nền SAP lớn nhất thế giới. Ngoài ra, những kinh nghiệm viết giải pháp, chào giá, đấu thầu quốc tế khi tham dự thầu về hệ thống thuế liên doanh với IBM ở Indonesia cũng là một trong những vũ khí quan trọng giúp FPT IS trúng thầu tại Bangladesh.

Theo chia sẻ của người đứng đầu FPT IS, hiện nay thách thức lớn nhất của công ty này khi đi “toàn cầu hóa” là tìm kiếm đội ngũ nhân sự đủ điều kiện về trình độ chuyên môn và ngoại ngữ, hiểu biết văn hóa bản địa để có thể đáp ứng được yêu cầu của công việc. Làm thế nào để thuyết phục cán bộ giỏi đi đến các quốc gia đang phát triển cũng không phải là một câu chuyện dễ dàng với FPT IS. 

Minh Anh

thanhhuong

Tài chính Plus

Trở lên trên