MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thiếu sữa tươi – “Bài toán” đã có lời giải

20-01-2014 - 08:00 AM | Doanh nghiệp

Trước thực tế thiếu nguồn nguyên liệu sữa tươi hiện nay của Việt Nam, các chuyên gia đã chỉ ra rằng việc ứng dụng công nghệ cao sẽ giải được “bài toán” này và người tiêu dùng sẽ được sử dụng sữa tươi chất lượng cao.

Thiếu sữa tươi
 
Từ nhiều năm nay, ngành sữa Việt Nam luôn nhập siêu cả về khối lượng lẫn kim ngạch và thuộc nhóm 20 nước nhập khẩu sữa nhiều nhất trên thế giới. Trung bình mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn sữa các loại, chủ yếu là sữa và kem cô đặc, pha chế (mã HS Code 0402). 
 
Theo ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, thì sản xuất sữa tươi ở Việt Nam mới đáp ứng khoảng 28% nhu cầu của thị trường. Năm 2012, Việt Nam vẫn phải nhập gần 841 triệu USD sữa và sản phẩm sữa cho nhu cầu tiêu dùng đang có tốc độ tăng cao.
 
Hoạt động sản xuất sữa tươi ở Việt Nam mới chỉ đáp ứng
khoảng 28% nhu cầu của thị trường
 
Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do nước ta có khí hậu nhiệt đới không thuận lợi để phát triển đàn bò sữa nên ngành công nghiệp chế biến sữa đã phát triển trước khi có vùng nguyên liệu. 
 
PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết suy dinh dưỡng thấp chiều cao theo tuổi còn cao và chiều cao thanh niên Việt Nam còn thấp hơn các nước trong khu vực (164,4 cm - 154,8 cm (nam-nữ) trong khi Singapore, Hàn Quốc lần lượt là 170,6 cm – 160 cm và 173,9 cm – 161,1 cm). Các nghiên cứu cho thấy trẻ em Việt Nam có khẩu phần ăn thiếu hụt canxi nhiều so với khuyến nghị (như trẻ em nông thôn dưới 1 tuổi thiếu đến 62%).
 
Sữa là nguồn thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng giá trị (gồm đạm, canxi và các vitamin) và với việc sử dụng 245ml sữa/ ngày có thể làm gia tăng chiều cao cơ thể trẻ lên 0.4cm mỗi năm. Bà Lâm cũng nhấn mạnh thực trạng Việt Nam đang tiêu dùng sữa tươi rất ít và phần lớn là sữa hoàn nguyên (hơn 72%) trong khi xu thế tiêu thụ của thế giới là gia tăng sử dụng nguyên liệu tự nhiên.
 
Lối ra từ công nghệ cao
 
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cho rằng, hiện nay tỷ lệ đóng góp của khoa học công nghệ vào giá trị gia tăng của nông nghiệp mới đạt khoảng 30% thì tỷ lệ đối với ngành sữa có thể gấp hai đến ba lần. Công nghệ mới về nuôi bò sữa nhốt trong chuồng được điều hòa về nhiệt độ và độ ẩm ứng dụng trên quy mô lớn của Tập đoàn TH tại Nghệ An, đã mở ra khả năng phát triển đàn bò sữa ôn đới trên quy mô công nghiệp ở hầu hết các vùng miền của nước ta.
 
Ông Tạn cho biết thêm nếu dành khoảng 200 ngàn hecta đất để trồng cỏ nuôi bò thì trong khoảng vài chục năm tới đàn bò sữa nâng dần lên 1 triệu con vắt sữa, sản lượng sữa nâng lên 6 – 7 triệu tấn/năm, đảm bảo đủ nhu cầu tiêu dùng sữa trong nước và có dư xuất khẩu. Ông cũng nhấn mạnh, 200 ngàn hecta đất này phải dựa vào những cánh đồng chuyên canh, tập trung chứ không thể dựa vào việc trồng phân tán, nhỏ lẻ của các hộ nông dân.
 
Nuôi 1 triệu con bò vắt sữa cũng phải dựa vào những vùng chăn nuôi tập trung, quy mô đủ lớn, đảm bảo các điều kiện áp dụng các công nghệ cao về nuôi bò, chế biến sữa và sau sữa. Đặc biệt, việc chăn nuôi bò sữa phải đủ điều kiện để đảm bảo an toàn tuyệt đối về phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường có hiệu quả không thể dựa vào kiểu chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ trong các hộ gia đình nông dân.
 
Áp dụng công nghệ cao trong hoạt động chăn nuôi bò sữa là lời giải
thông minh cho “bài toán” thiếu sữa tươi tại Việt Nam
 
Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH, cho biết Tập đoàn TH đang áp dụng công nghệ của Israel, một đất nước có trên 50% diện tích là sa mạc và bán sa mạc nhưng đang dẫn đầu thế giới về chăn nuôi bò sữa. Điều kiện tự nhiên của nước ta tốt hơn Israel nên có thể hạ giá thành nhờ giảm bớt các hạng mục cần đầu tư. 
 
Ông Yuval Rachmilevitz Chủ tịch Afimilk(Israel) cho biết thêm nước này có thời tiết nóng ẩm, nhiệt độ mùa hè trên 40°C, thiếu nước trầm trọng (lượng mưa trung bình ~300mm/năm, không có sông, hồ có trữ lượng nước lớn). Tuy dân số chỉ có 7 triệu người, 3% lực lượng lao động làm nông nghiệp nhưng tổng đàn bò sữa lên tới 120.000 con, sản lượng sữa trung bình là 13 tấn/chu kỳ, cao nhất thế giới.
 
Isarel đã làm nên điều kỳ diệu về nền nông nghiệp xanh trên hoang mạc nhờ công nghệ cao và Việt Nam cũng sẽ giải được “bài toán” khát sữa nếu đi theo con đường này.
 
A.D

A.D

Trở lên trên