MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại DNNN: Không thể chần chừ

20-04-2013 - 07:39 AM | Doanh nghiệp

Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 3-2013, đã có 52 DNNN (thuộc khối các DN trung ương) xây dựng đề án tái cơ cấu trình bộ chủ quản và Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Theo yêu cầu của Chính phủ, đến năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (DNNN) phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo toàn phần vốn và tài sản của Nhà nước.

Nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn, thị trường chứng khoán ảm đạm, việc thoái vốn đầu tư thành công nhưng không làm mất vốn của Nhà nước là vấn đề nan giải, khiến không ít DNNN tỏ ra ngập ngừng, chưa dám đưa ra quyết định cuối cùng.

Doanh nghiệp sợ mất vốn

Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 3-2013, đã có 52 DNNN (thuộc khối các DN trung ương) xây dựng đề án tái cơ cấu trình bộ chủ quản và Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Trong đó, có 34 tập đoàn, tổng công ty đã được phê duyệt đề án tái cơ cấu. 

86 DNNN tại địa phương cũng hoàn thành việc xây dựng đề án trình cơ quan chủ quản, trong đó có 20 tổng công ty, công ty được phê duyệt đề án. Song trên thực tế, một trong những mấu chốt để các đơn vị hoàn thành tái cơ cấu theo chủ trương của Chính phủ là phải thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành nhưng vẫn bảo đảm không làm mất vốn của Nhà nước. Đây là vấn đề nan giải trong bối cảnh thị trường chứng khoán ảm đạm và khó khăn vẫn bao trùm nền kinh tế.

Theo Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, lượng vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN khá lớn. Dự kiến, nguồn vốn thu được do cổ phần hóa, thoái vốn các lĩnh vực ngoài ngành và bán bớt cổ phần của Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam khi thực hiện đề án tái cơ cấu khoảng 5.000-6.000 tỷ đồng. Tổng giá trị thoái vốn đến năm 2015 của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam dự kiến khoảng 4.500 tỷ đồng. Sau năm 2015, Tập đoàn sẽ tiếp tục thoái vốn và dự kiến thu hồi 562 tỷ đồng…

Mặc dù số lượng vốn đầu tư ngoài ngành rất lớn, thời hạn phải hoàn thành đang đến gần song nhiều DNNN vẫn chần chừ, chưa dám đưa ra quyết định cuối cùng. Đại diện Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (VNF1) cho biết, đơn vị đang tham gia góp vốn vào 3 ngân hàng và đầu tư một số dự án bất động sản. Về nguồn vốn đầu tư bất động sản, cách đây mấy năm, dựa trên lợi thế đất đai, VNF1 đã xây dựng một số trung tâm thương mại, siêu thị kết hợp chung cư. Nếu buộc phải thoái vốn khỏi lĩnh vực này trong bối cảnh hiện nay, đồng thời đáp ứng được yêu cầu giữ được giá trị sổ sách thì khó khả thi và không biết bao giờ VNF1 mới thoái vốn thành công…

Không đẩy thiệt hại cho Nhà nước

Mặc dù việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành đang gặp nhiều vướng mắc song theo các chuyên gia, kinh tế thế giới suy thoái nhưng không ít DN đã IPO thành công và vẫn có nhiều dòng tiền đang chờ cơ hội đầu tư. Vấn đề ở chỗ chính sách, quy định như thế nào để thu hút nhà đầu tư trong, ngoài nước. Để thực hiện được, cần rà soát lại phần vốn đầu tư ngoài ngành và xác định những ngành nghề có thể tăng tỷ lệ góp vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. 

Ngoài ra, Chính phủ cũng có thể ưu đãi về thuế để hướng luồng vốn đến những nơi cần thiết. Theo các chuyên gia, kinh tế bất ổn thì dòng vốn chỉ chạy vào nơi ổn định và an toàn. Vì thế, cần giới thiệu cho cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế những dự án khả thi, ít rủi ro mới có thể thoái vốn thành công.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết, mặc dù Chính phủ yêu cầu phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành trong thời hạn từ nay đến năm 2015 song việc thoái vốn vẫn phải tuân theo nguyên tắc thị trường, bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn và tài sản của Nhà nước. Đó là cách thức để tránh thoái vốn tiêu cực, đẩy thiệt hại về phía Nhà nước. 

Hiện Chính phủ đã giao các DNNN xây dựng đề án tái cơ cấu, trong đó có phương án và lộ trình thoái vốn cụ thể. Bộ trưởng các bộ, UBND các tỉnh, thành phố sẽ phê duyệt từng phương án thoái vốn, gửi Bộ Tài chính thẩm tra và có ý kiến trước khi thực hiện. Với các dự án có nguy cơ mất vốn, các DNNN vẫn phải đưa ra phương án, lộ trình cụ thể, tự tính toán để thoái vốn chứ không phải không thực hiện. 

Hiện nay, khi các bộ, ngành, địa phương chủ quản DNNN gửi đề án về Bộ Tài chính, Bộ sẽ có ý kiến và nêu phương án xử lý cụ thể cho phù hợp tình hình thực tế. Trường hợp DN muốn thoái vốn, bán dưới giá trị sổ sách, DN thực hiện theo đúng quy định, Bộ Tài chính sẽ có phương án giải quyết cụ thể. Khi thoái vốn, các đơn vị phải đấu thầu công khai qua thị trường. Sau khi mở thầu, nếu không có người mua mới bán theo thỏa thuận. 

Trên thực tế, nếu DN thực hiện đầy đủ theo những quy định, như cơ chế phòng ngừa rủi ro để bảo toàn vốn, về trích lập dự phòng đối với các khoản đầu tư, mua bảo hiểm đầu tư rủi ro thì họ luôn luôn có đủ nguồn để bảo toàn vốn. Trừ khi không thực hiện trích lập dự phòng vì tăng chi phí, giảm lợi nhuận, DN sẽ đối mặt với rủi ro, dẫn đến lãi giả lỗ thật. Ông Đặng Quyết Tiến cũng khẳng định, cơ chế và quy trình đã có, DN không muốn bán đấu giá mà muốn bán chỉ định là không hợp lý. Bộ Tài chính sẽ tổng hợp lại các giải pháp và có văn bản quy định rõ để các DN không thể viện cớ để không thực hiện.

Theo Hương Ly

thunm

Hà Nội mới

Trở lên trên